Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã – Phú Yên

Thứ Sáu 15:39 18-06-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, lúc đầu tôi cũng không có ý định phát biểu nhưng thấy đại biểu Trần Đình Nhã phát biểu, tôi nghĩ là song Nhã phát biểu cũng hay, giúp cho Quốc hội bước vào giai đoạn cuối của kỳ họp, chúng ta thông qua các Nghị quyết, công tác nhân sự cũng vui vẻ, suôn sẻ và chắc kỳ họp sẽ kết thúc tốt đẹp.

Về dự án này tôi đánh giá rất cao chất lượng chuẩn bị, kể cả phần đánh giá thực trạng cũng như các kiến nghị đổi mới trong dự thảo luật mà Chính phủ trình Quốc hội. Thật ra dự án luật này nếu như thông qua tại một kỳ họp tôi nghĩ là cũng có thể thông qua được, bởi vì ý kiến của đại biểu Quốc hội qua thảo luận ở tổ, ở hội trường không phải là những vấn đề lớn mà chúng ta có thể xử lý được với chất lượng nội dung như thế này.

Tôi xin phát biểu về 4 vấn đề, trong các vấn đề đó còn có những ý kiến khác nhau để các đại biểu Quốc hội xem xét, đồng thuận và nghiên cứu tiếp.

Thứ nhất là phân loại các quy hoạch liên quan đến khoáng sản. Về vấn đề này Ban soạn thảo đề nghị có 2 loại quy hoạch: một là quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; Hai là quy hoạch về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng.

Cơ quan thẩm tra thì đề nghị có 3 loại quy hoạch. Trong đó quy hoạch thứ hai thì có phân khúc thành hai loại: một là quy hoạch về thăm dò và khai thác, quy hoạch ba là quy hoạch về khai thác, sử dụng và chế biến. Nếu nghiên cứu kỹ thì tôi thấy đề nghị 2 loại quy hoạch phân loại như trong dự thảo là phù hợp. Bởi vỉ trong phạm vi quốc gia là cũng rất khó để chúng ta cắt khúc quy hoạch như đề nghị của cơ quan thẩm tra là cắt khúc quy hoạch thăm dò, khai thác chung trong phạm vì cả nước, sau đó gắn với quy hoạch khai thác, chế biến, sử dụng của từng ngành, từng lĩnh vực. Theo tôi trong phạm vi cả nước thì chúng ta phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng tài nguyên, khoáng sản của tất cả các ngành, các lĩnh vực trong phạm vi cả nước. Đây là một mục tiêu quan trọng mà chúng ta tiến hành quy hoạch chung. Để làm được việc này thì các khâu từ thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng phải là một khâu liên hoàn. Cho nên trong phạm vi cả nước là phải có một quy hoạch chung liên hoàn là thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng. Nếu chúng ta bóc tách ra khai thác, chế biến và sử dụng của từng ngành, từng lĩnh vực thì đôi khi sẽ dẫn đến cục bộ của ngành, của lĩnh vực. Bởi vì theo sự phân cấp về lập quy hoạch và cũng trên thực tế hiện nay chỉ có 2 ngành trong cả nước của chúng ta là thăm dò, khai thác cũng như chế biến và sử dụng nhiều đó là ngành công thương và ngành xây dựng là những ngành chủ đạo liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng. Bây giờ ta quy định như vậy thì phải chăng ngành công thương sẽ phải làm quy hoạch chung, sau đấy lại làm cho quy hoạch ngành của mình và các ngành khác thì như thế nào? Tức là nó dẫn đến không chú trọng đến sự sử dụng của các ngành khác. Cho nên tôi nghĩ tính toán của cơ quan soạn thảo 2 loại quy hoạch là phù hợp.

Ý kiến thứ hai, liên quan đến thẩm quyền phân cấp lập quy hoạch. Tôi nghĩ gắn với việc phân loại như vậy, theo đề nghị của cơ quan soạn thảo là phân cho Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền lập quy hoạch về điều tra cơ bản địa chất khoáng sản là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng như một số ý kiến đại biểu muốn giao thẩm quyền cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lớn hơn, tức là với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước làm luôn cả lập quy hoạch khai thác thăm dò, chế biến và sử dụng trong phạm vi cả nước. Tôi nghĩ nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường làm được thì tôi cũng giơ hai tay và ấn nút ngay. Nhưng cũng rất tiếc nếu chúng ta giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường một thẩm quyền lớn như vậy lại quá sức đối với ngành tài nguyên và môi trường. Vì trên thực tế hiện nay những người làm nhiệm vụ mà có thể làm được việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng thì lực lượng, kể cả con người, trang thiết bị kỹ thuật nó lại nằm phần lớn ở ngành công thương và ngành xây dựng và ngành tài nguyên môi trường lại không có. Bây giờ Quốc hội giao cho ngành tài nguyên môi trường làm nhiệm vụ này thì ngành tài nguyên môi trường phải đi thuê lực lượng, thuê trang thiết bị kỹ thuật của ngành công thương và ngành xây dựng để ta làm triển khai nhiệm vụ này, nếu không thuê được thì Quốc hội phải đầu tư một khoản kinh phí để ngành tài nguyên môi trường đào tạo nhân lực, hiện đại hóa các trang thiết bị để phục vụ cho thăm dò, cho khai thác, để làm các công việc phục vụ cho quy hoạch, lãng phí tiền của của Nhà nước. Tôi nghĩ rằng trong tính toán của Chính phủ như vậy cũng là hợp lý, tôi thấy như dự thảo luật là hợp lý, tức là ngành tài nguyên môi trường lập quy hoạch để điều tra cơ bản về địa chất, còn hai ngành khác là Bộ Công thương và Bộ Xây dựng lập quy hoạch liên quan đến thăm dò khai thác, chế biến sử dụng theo như Dự thảo quy định như vậy tôi nghĩ rất thực tế, bởi vì chúng ta giao cho ngành tài nguyên và môi trường thì quá sức, không có đủ lực lượng và nguồn nhân lực, nhất là các trang thiết bị kỹ thuật để làm công tác quy hoạch.

Thứ ba, liên quan đến quy định tại Điều 76 về tài chính đối với khoáng sản. Ở đây trong dự thảo của dự án luật có đưa ra một khái niệm mới là phí đền bù tài nguyên khoáng sản. Tôi thống nhất với đề nghị của cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội là chưa rõ bản chất kinh tế của phí này là gì, tôi công tác tài chính lâu năm nhưng không hiểu và thấy là mới, tôi thấy nếu giải trình rõ hơn thì có thể chấp thuận được, đây là một phát kiến mới cần phải giải trình. Tuy nhiên trong báo cáo của cơ quan thẩm tra có đề nghị một khoản thu mới đó là thu giao quyền khai thác khoáng sản bên cạnh việc cấp phép thì có lệ phí cấp giấy phép. Bên cạnh việc chúng ta triển khai tốt việc đấu giá quyền khai thác, quyền thăm dò thì tôi nghĩ rằng đây là khái niệm rất mới. Tuy nhiên tôi thấy rất băn khoăn vì đạo lý thu cái này là thu như thế nào. Bây giờ ta cấp phép cho một doanh nghiệp, một tổ chức khai thác một mỏ, một khu vực khoáng sản nào đấy, ta thu tất cả các khoản khác rồi nếu như phải đấu giá thì đã nộp tiền chênh lệch. Nếu như được cấp phép thì đã phải nộp lệ phí giấy phép rồi chúng ta lại nghiễm nhiên thu một khoản tiền khác bởi vì tôi giao cho anh quyền khai thác khu vực mỏ này. Tôi cảm thấy không có đạo lý nào để thu như vậy, bởi vì đã thu hết theo quy định của pháp luật, vì những khoản thu này phải có đạo lý, phải có nội dung kinh tế bây giờ thu như thế tôi nghĩ cũng là khó. Tôi nghĩ rằng chuyện này cũng cần phải xem xét và cân nhắc nếu như theo quy định của Luật này mà chúng ta làm tốt được đấu giá thì cũng đã là nguồn thu ngân sách rất lớn vào ngân sách nhà nước.

Liên quan đến Điều 29, liên quan đến bảo hiểm trong hoạt động về khoáng sản trong điều này có ghi các tổ chức cá nhân được phép tham gia vào hoạt động khoáng sản thì phải mua bảo hiểm đối với phương tiện, đối với công trình, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động. Tôi nghĩ rằng trong điều này có bổ sung so với hiện hành là bảo hiểm về tai nạn lao động. Tôi đồng ý nhưng quy định như thế này cũng là vừa thừa, vừa thiếu. Bởi vì các thủ quỹ cá nhân không phải chỉ mua bảo hiểm xã hội không còn có bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cho nên tôi nghĩ rằng có thể chỉnh lại các tổ chức cá nhân mà được phép hoạt động khoáng sản thì phải mua bảo hiểm đối với phương tiện, đối với công trình, bảo hiểm tai nạn lao động và các bảo hiểm khác bảo đảm quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật thì có lẽ nó phù hợp, nó đầy đủ hơn, xin cảm ơn Quốc hội, xin hết.

Các văn bản liên quan