Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn – Tiền Giang

Thứ Sáu 15:20 18-06-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án Luật khoáng sản, tôi có những ý kiến cụ thể ở những nội dung như sau:

Một, về thẩm quyền lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản theo dự án luật bao gồm: quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường lập trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được quy định tại Điều 33, còn quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản được quy định tại Điều 34 thì giao cho Bộ Công thương, Bộ Xây dựng theo thẩm quyền quy hoạch tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 81 của luật này có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan đến nhu cầu sử dụng nguyên liệu khoáng sản lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, tổ chức lập và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép quyết định tại Khoản 2, Điều 83.

Tôi đồng ý về phân định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh như dự án luật, còn về thẩm quyền lập quy hoạch khoáng sản phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản tôi chưa thống nhất. Vì theo dự án luật nội dung quy hoạch khoáng sản bao gồm quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản và quy hoạch chế biến sử dụng khoáng sản, trong đó thăm dò khai thác khoáng sản thực chất là quy hoạch nguồn tài nguyên khoáng sản cho thăm dò khai thác nhằm cung cấp khoáng sản đã khai thác cho hoạt động chế biến khoáng sản và các ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu khoáng sản. Còn quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản là công cụ quan trọng để định hướng ngành công nghiệp chế biến khoáng sản trong nước. Hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô, tinh quặng, góp phần sử dụng hiệu quả tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản hữu hạn của đất nước. Vì vậy, tôi đề nghị dự án luật cần quy định:

Một, việc lập và trình phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nên giao cho cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản, cơ quan quản lý thống nhất là Bộ Tài nguyên và môi trường phải quản lý khoáng sản từ khâu điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đến khâu thăm dò, đánh giá, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, phân định khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia, khu vực đấu giá hoạt động khoáng sản. Còn các Bộ quản lý ngành sản xuất có nhu cầu sử dụng nguyên liệu khoáng sản sẽ phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản trong quá trình lập quy hoạch, quy định như vậy sẽ bảo đảm tính khách quan, thống nhất của nội dung quy hoạch, khắc phục những tồn tại trong công tác tổ chức thực hiện quy hoạch trong thời gian qua. Đồng thời bảo đảm tính kịp thời trong việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khi công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản phát hiện các mỏ mới.

Hai là việc lập và trình phê duyệt quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản đề nghị giao Bộ Công thương thực hiện đối với các loại khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng thì giao cho Bộ Xây dựng lập và trình quy hoạch chế biến và sử dụng khoáng sản. Từ hai đề xuất nêu trên, tôi đồng ý với nội dung dự án luật là việc cho phép thăm dò khai thác khoáng sản nên giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản thực hiện. Vì nếu giao cho nhiều bộ thực hiện việc cấp phép khai thác sẽ không bảo đảm nguyên tắc thống nhất trong quản lý tài sản.

Ý kiến thứ hai, về phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản tôi thống nhất quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 82 và Khoản 2 Điều 83 của dự án Luật là giao thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khai thác chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và giấy phép khai thác tận thu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, bỏ quy định giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản ở những khu vực ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến của cả nước, ngoài khu vực dự trữ quốc gia. Đồng thời bổ sung quy định thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với các diện tích khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ không đủ điều kiện đưa vào quy hoạch khoáng sản chung của cả nước sau khi được Bộ Tài nguyên và môi trường thẩm định và công bố để bảo đảm quản lý hoạt động khoáng sản theo quy hoạch, khắc phục tình trạng cấp giấy phép nhỏ lẻ, manh mún.

Về nguyên tắc hoạt động khoáng sản được quy định tại Điều 6 tôi có hai ý kiến.

Một, tại Khoản 1 có quy định hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Theo tôi quy định như dự thảo là chưa rõ nghĩa, cụ thể là chiến lược gì, quy hoạch nào? Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào sau từ "chiến lược" cụm từ "phát triển tài nguyên khoáng sản" và sau từ "quy hoạch" từ "khoáng sản". Như vậy Khoản 1 được thể hiện lại như sau: Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản và quy hoạch khoáng sản.

Hai, nguyên tắc hoạt động khoáng sản chỉ quan tâm đến lĩnh vực thăm dò và khai thác mà chưa đề cập đến lĩnh vực sử dụng tiết kiệm khoáng sản. Vì khoáng sản là hữu hạn, chúng ta phải tính đến dự trữ nguồn tài nguyên khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và dự trữ cho phát triển trong tương lai. Hơn nữa, trong thực tế hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp là chưa khai thác triệt để các quặng nghèo, các thành phần có ích đi kèm trong quặng, tài nguyên khoáng sản chưa được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Tình trạng dễ làm, khó bỏ, khai thác không theo quy hoạch, không theo thiết kế vẫn còn diễn ra, nhất là đối với các mỏ khoáng sản kim loại. Điều này dẫn tới việc tài nguyên khoáng sản nhanh chóng cạn kiệt, tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác và chế biến còn ở mức cao, chưa kiểm soát được. Vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung vào nguyên tắc hoạt động khoáng sản phải chú ý đến việc sử dụng tiết kiệm khoáng sản. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan