Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lưu Thị Chi Lan – Vĩnh Phúc

Thứ Sáu 15:19 18-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Ngành địa chất và khoáng sản có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Nhưng những quy định của Luật khoáng sản còn nhiều bất cập và chưa thể chế hóa đầy đủ các cơ chế chính sách nhằm tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa rất nhiều các quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành luật qua thực tiễn cho thấy đã có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn nhưng chưa được luật hóa nên giá trị pháp lý chưa cao. Xuất phát từ thực tế đó và trước những bất cập vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật khoáng sản là hết sức cần thiết và tiếp tục đẩy mạnh ngành công nghiệp khai khoáng phát triển, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản. Qua nghiên cứu dự thảo luật và qua ý kiến gợi ý của Chủ tọa thì tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:

Vấn đề thứ nhất là về quyền lợi của nhân dân địa phương, nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác ở Điều 7. Trong chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2020 thì nước ta cơ bản sẽ trở thành một nước công nghiệp. Chính vì vậy, dưới sự phát triển của các ngành công nghiệp, sử dụng trực tiếp nguồn khoáng sản như điện, hóa dầu, luyện kim thì nguồn nguyên liệu cần cho sản xuất là rất lớn. Trong khi đó ở nước ta tài nguyên khoáng sản được phân bố nhiều ở miền núi, đặc điểm ở những vùng này là kinh tế phát triển chậm, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và kỹ thuật canh tác của người dân còn lạc hậu. Thu nhập của người dân sống chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp là chính và liên quan chặt chẽ đến sản xuất. Để phục vụ cho hoạt động khoáng sản, nếu người dân ở địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác bị thu hồi đất thì điều tất nhiên là đời sống thu nhập của người dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong thực tế hoạt động khai thác khoáng sản thì các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản cũng đã huy động lao động là người dân địa phương nhưng chưa nhiều và còn có điều bất cập. Điều đó được thể hiện do năng lực trình độ của người dân còn hạn chế cho nên hiệu quả và chất lượng tham gia của người dân chưa cao. Do vậy, dẫn đến thu nhập của người dân còn thấp và chưa tương xứng với sức lao động của họ bỏ ra. Với thực trạng như vậy dẫn đến việc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản ngại thuê lực lượng này. Do vậy tôi thống nhất với ý kiến của đại biểu ở Ninh Thuận phát biểu. Tôi đề nghị trong dự thảo luật nên quy định cụ thể về trách nhiệm đào tạo của các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác khoáng sản đối với lực lượng địa phương khi tham gia khai khoáng.

Vấn đề thứ hai, về chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản tại Điều 43, Điều 56. Chúng ta biết trong thời gian vừa qua thực tế cho thấy có không ít các trường hợp lợi dụng cơ chế xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản sau đó bán lại cho các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản khác để trục lợi. Trong khi đó thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản vẫn nặng về cơ chế xin cho, chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng đầu cơ trong hoạt động khoáng sản, chưa khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực cũng như kinh nghiệm tham gia hoạt động, thiếu các quy định về đấu giá trong hoạt động nhằm tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tôi nhất trí với quy định trong dự thảo luật nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức được cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản, nhưng do điều kiện khó khăn không thể tiếp tục hoạt động khoáng sản được thì có quyền chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác.

Tôi tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban kinh tế, tôi đề nghị trong dự thảo luật quy định lần này chỉ cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá để hạn chế hành vi đầu cơ trục lợi trong xin phép thăm dò và khai thác khoáng sản.

Đối với cá nhân, tổ chức khác có giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản, nếu như không tiếp tục thực hiện việc thăm dò khai thác khoáng sản thì Nhà nước giao quyết định thu hồi để giao cho các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu. Liên quan đến nghĩa vụ tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản ở Điểm 2, Khoản c, Điều 56 tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ "thực hiện các quy định của pháp luật" vào trước cụm từ "bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh lao động". Trong dự thảo luật cũng như thực tế thời gian vừa qua về việc khai thác khoáng sản chúng ta biết đã có rất nhiều các vụ tai nạn và nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra việc các tổ chức, cá nhân vì quyền lợi trước mắt của mình đã làm trái với các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn lao động thực tế diễn ra đã tạo nên rất nhiều hiệu ứng xấu và tạo sự bức xúc cho dư luận xã hội. Do vậy, tôi đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể trong luật cho chặt chẽ.

Vấn đề thứ ba, về thanh tra, kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng. Trong thời gian vừa qua việc khai thác khoáng sản trái phép nhất là các loại khoáng sản quý đã diễn ra dai dẳng và nhiều nơi, nhất là ở các tỉnh miền núi phía bắc trở nên hết sức phức tạp. Do lợi ích kinh tế cho nên rất nhiều người dân đã khai thác trái phép chất khoáng sản như sắt, quặng, đồng v.v... để bán sang bên kia biên giới, Nhà nước đã có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn nhưng chỉ hạn chế được phần nào. Tình trạng lén lút đêm ngày vận chuyển sắt lậu sang bên kia biên giới vẫn còn và việc khai thác trái phép như vậy đang là vấn đề rất nhức nhối. Hậu quả của việc khai thác trái phép đó là chúng ta mất tài nguyên, trong khi đó các loại tài nguyên khoáng sản của Việt Nam là những loại tài nguyên không tái tạo và có trữ lượng hạn chế. Xuất phát từ thực tế đó, theo tôi để tránh tình trạng thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách hiện nay, trong Dự thảo luật cần thiết kế điều, khoản về giám sát, thăm dò, khai thác khoáng sản. Đồng thời, cần tăng cường bộ máy thanh tra, không nên phân cấp phó mặc cho địa phương mà cần tích cực kiểm tra giám sát, bởi chính thực tế việc buông lỏng quản lý đã để xảy ra nhiều sai phạm trong hoạt động khoáng sản thời gian qua. Bên cạnh đó, luật cũng cần thể hiện rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp từ Trung ương đến địa phương cũng như thẩm quyền và trách nhiệm của các bộ, ban, ngành có liên quan trong công tác quản lý khoáng sản. Tôi xin hết.

Xin cám ơn.

 

Các văn bản liên quan