Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai – Ninh Thuận

Thứ Sáu 15:17 18-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Nước ta có nhiều loại khoáng sản nếu quản lý tốt từ khâu quy hoạch khai thác đến chế biến sử dụng một cách hợp lý có hiệu quả thì chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho đất nước ta phát triển một cách bền vững. Một thực tế đáng quan tâm là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, xuất khẩu khoáng sản ở dạng thô diễn ra quy mô lớn, lãng phí tài nguyên quốc gia, ô nhiễm môi trường làm thất thu ngân sách, có nhiều ví dụ mà các cơ quan truyền thông đã đưa tin gây bức xúc trong dư luận xã hội như than ở vùng Đông Bắc, Titan ở các tỉnh ven biển miền Trung v.v... Tôi nghĩ Luật khoáng sản (sửa đổi) lần này sẽ giải quyết những bức xúc trong nhân dân về khoáng sản. Từ cách tiếp cận trên tôi xin tham gia một số ý như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật ở Điều 1, tại nội dung này tôi chưa thống nhất cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, do đó tôi xin đề nghị bổ sung thêm là khai thác khoáng sản phải gắn liền với chế biến sâu, vào trong phạm vi điều chỉnh của luật bởi vì một địa phương có tiềm năng khoáng sản hy vọng địa phương mình sẽ khá lên, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho nhân dân lao động, nhưng sau khi khai thác chở đến nơi khác chế biến hoặc xuất khẩu thô không đóng góp gì nhiều cho địa phương trong khi đó địa phương phải chịu nhiều hệ lụy về môi trường sinh thái như mất đất sản xuất, mất rừng ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống nhân dân.

Thứ hai, về chính sách của Nhà nước về khoáng sản ở Điều 5, phải nhìn nhận rằng việc sửa đổi lần này vẫn không hạn chế được những hiện tượng đáng buồn như than đá bán cho nước ngoài đến năm 2011 với giá rẻ để người ta dự trữ. Trong lúc đó, đến năm 2012 nước ta lại phải mua, nhập than chắc chắn sẽ với giá cao hơn để phuc vụ cho các nhà máy nhiệt điện đang xây và sắp đi vào hoạt động, mà chưa biết sẽ mua than ở đâu. Nếu không giải quyết bất cập này cho dẫu là có muộn thì việc sửa đổi luật chưa thấu suốt lắm. Do đó, tôi đề nghị bổ sung thêm là Nhà nước cần có chính sách thuế thật cao và các chính sách khác thật chặt chẽ đối với việc xuất khẩu khoáng sản thô vào Khoản 4, Điều 5.

Thứ ba, về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác ở Điều 7. Qua nghiên cứu các khoản của Điều 7, tôi thấy hầu hết các nội dung này chỉ thiên về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản hơn là quyền lợi của nhân dân địa phương. Tôi đề nghị cần quy định rõ, cụ thể địa phương được hưởng lợi những gì, việc bồi thường tái định cư, định canh ra sao, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội như thế nào, đặc biệt là đào tạo chuyển đổi nghề cho con em địa phương chưa thể hiện ở trong luật để nội dung phù hợp với tên gọi của Điều 7 là quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên được khai thác.

Thứ tư, ở Điều 25, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản, mặc dù luật có đề cập đến cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản, nhưng việc chấp hành nghiêm túc bản cam kết này của các cơ sở khai thác khoáng sản như thế nào, xử lý ra sao khi gây ảnh hưởng xấu cho môi trường đất, nước, sức khỏe con người vẫn chưa rõ nét. Thực tiễn đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương như việc khai thác một số khoáng sản có chứa hàm lượng phóng xạ ô nhiễm, nguy hiểm cho môi trường, gây nhiều hệ lụy, làm cử tri bức xúc. Những vấn đề này chưa được thể hiện trong Báo cáo tổng kết 13 năm thi hành Luật khoáng sản của Chính phủ. Do đó tôi đề nghị cần quy định cụ thể các tiêu chí bảo vệ môi trường vào trong bản cam kết của luật. Ngoài ra cần quy định không thải các chất thải, nước thải từ xưởng quặng ra biển, sông, ao, hồ thấm xuống mặt nước ngầm mà phải được xử lý triệt để, nhằm hạn chế ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Không khai thác sử dụng nước ngầm phục vụ cho các hoạt động khai khoáng, không phân lô chia nhỏ diện tích cho nhiều doanh nghiệp khai thác.

Thứ năm, về thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản ở Điều 83, tôi thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế và quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như trong dự thảo luật. Thiết nghĩ phân công như vậy nhằm tăng cường quản lý Nhà nước chặt chẽ, đồng thời tăng cường sự hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động khai thác thăm dò, chế biến khoáng sản. Tuy nhiên luật cần quy định rõ lộ trình. Chúng ta thấy hiện nay lực lượng cán bộ, công chức thuộc Sở Tài nguyên môi trường trực tiếp làm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản của các tỉnh, thành phố còn thiếu về số lượng, chất lượng thì không đồng đều nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình xem xét, đánh giá năng lực của doanh nghiệp khi cấp giấy phép. Như vậy liệu địa phương có đủ năng lực để đảm nhận trách nhiệm quản lý Nhà nước khi được phân công như quy định tại Điều 82 và Điều 83 không, có dẫn đến tiêu cực không, cũng như việc kiểm tra, kiểm soát, việc giám sát như thế nào. Nên chăng cần rà soát đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nơi nào đáp ứng được yêu cầu thì mới giao nhiệm vụ, đồng thời cần phải tăng cường kiểm soát, kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành liên quan.

Thứ sáu, đề nghị Chính phủ công bố công khai quy hoạch những mỏ khoáng sản trong phạm vi cả nước được thăm dò, liệt kê danh mục cụ thể loại mỏ được phép khai thác, loại mỏ cấm khai thác, loại khoáng sản được xuất thô, loại khoáng sản phải chế biến sâu.

Cuối cùng, tôi hy vọng luật sửa đổi lần nay sẽ đi vào cuộc sống làm cho tài nguyên của chúng ta, của cải của nhân dân ta được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tốt hơn, có hiệu quả hơn, nếu không sẽ như "gió vào nhà trống". Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan