Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Nhiều điểm thiếu thống nhất

Thứ Năm 15:42 17-06-2010

·                                 Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Nhiều điểm thiếu thống nhất

Góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, hầu hết các DN được hỏi đều cho rằng, những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo là hợp lý, khắc phục được những bất cập trong Luật Chứng khoán hiện hành. Tuy nhiên, cần bổ sung một số điểm nữa để Luật Chứng khoán thực sự đi vào cuộc sống. 

Một trong những điểm đáng chú ý mà các DN nêu ra là về các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán. Khoản 1 Điều 60 của dự thảo quy định: “Chỉ công ty chứng khoán mới được thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh sau đây:  Môi giới chứng khoán; Tự doanh chứng khoán; Bảo lãnh phát hành chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán”. Tuy nhiên, tại khoản 14 Điều 6 lại quy định: “Tổ chức bảo lãnh phát hành là công ty chứng khoán được phép hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và ngân hàng thương mại được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bảo lãnh phát hành trái phiếu theo điều kiện do Bộ Tài chính quy định”. Như vậy, dự thảo cần xem xét lại để bảo đảm sự thống nhất trong luật.

Cũng tại Điều 60, khoản 3 về điều kiện cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác của công ty chứng khoán quy định: “Ngoài các nghiệp vụ kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này, công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác theo quy định của Bộ Tài chính”. Tuy nhiên, đại diện Công ty CP chứng khoán Việt Thành (TP Hồ Chí Minh), Tổng giám đốc Mai Thanh Trúc, băn khoăn: Hiện tại, Bộ Tài chính vẫn chưa có quy định về dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác, thực tế này sẽ dẫn đến tình trạng Luật Chứng khoán sẽ không được áp dụng ngay khi ban hành và DN sẽ gặp khó khăn khi không có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác.

Ông Trúc cũng nêu một vấn đề rất đáng quan tâm: Luật Chứng khoán chưa quy định về việc “Giao dịch ký quỹ” trong khi đó Bộ Tài chính đã cho ra dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt giao dịch mua chứng khoán ký quỹ. Đây là một vấn đề mới nhưng rất cần thiết trong thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, Luật Chứng khoán nên quy định về vấn đề này. Bên cạnh việc cho giao dịch mua chứng khoán ký quỹ,  ông Trúc cũng cho rằng, việc đồng thời quy định cho phép nhà đầu tư “bán khống chứng khoán” sẽ làm cho thị trường cân đối và hội nhập với thị trường chứng khoán thế giới.

Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (điểm d khoản 1 Điều 12), dự thảo bổ sung điều kiện: “d) Có kế hoạch và cam kết đưa cổ phiếu giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng” với giải thích là việc bổ sung này nhằm thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường có tổ chức và để phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý đối với giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế”. Tuy nhiên, điều còn băn khoăn của các DN và các luật gia hiện nay là liệu quy định này có phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Doanh nghiệp là DN được quyền tự chủ quyết định các công việc kinh doanh không? Việc một công ty đại chúng có tham gia thị trường tập trung hay không phụ thuộc vào nhu cầu phát triển nội tại của chính DN đó. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc dự thảo bổ sung điều kiện trên là không cần thiết.

Hà Minh - Thứ sáu ngày 14 tháng 5 năm 2010 – Theo Kinh tế Hợp tác Việt Nam

 

Các văn bản liên quan