Góc nhìn của doanh nghiệp đối với các văn bản pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước: những thuận lợi và kỳ vọng

Thứ Ba 14:54 16-03-2010

GÓC NHÌN CỦA DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC:

NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KÌ VỌNG

(Tham luận tại Toạ đàm ngày 16.03.2010, Dự án Jica)

Trần Văn Hai, Nguyễn Thị Diệu Hồng

Ban Pháp chế, VCCI

Năm 2009, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao. Luật này đã khắc phục được phần lớn những điểm hạn chế còn tồn tại trong các văn bản trước đó quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ khi thực hiện các thủ tục yêu cầu đòi Nhà nước đền bù thiệt hại của những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Điều này tạo thuận lợi rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những đối tượng này, trong đó có các doanh nghiệp.

Trong bài viết này chỉ đề cập đến góc nhìn của doanh nghiệp đối với các văn bản pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: những thuận lợi và kì vọng.

1. Những ưu điểm của Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước so với các văn bản pháp luật về lĩnh vực này trước đây

Trong thời gian qua, việc yêu cầu được bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước trong khi thi hành công vụ gây ra gặp rất nhiều khó khăn do sự không rõ ràng giữa các quy định và thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết.

Tháng 12/1993, Ông Hoàng Minh Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng Xuất nhập khẩu, Giám đốc điều hành Liên hiệp Khoa học sản xuất Việt Nam, Giám đốc Cửa hàng Xuất nhập khẩu Đồng Tiến (DOTIMEXCO) bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kết án về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Sau nhiều lần xét xử, tháng 6/1996, Ông được Tòa án nhân dân tối cao tuyên không phạm tội. Từ năm 1997, Ông Tiến làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị xử oan nhưng đến tận năm 2006 (tức gần 10 năm) mới được bồi thường. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại kéo dài của ông Tiến do thiếu cơ sở pháp lý và không xác định được cơ quan giải quyết bồi thường:

Ngay sau khi được tuyên vô tội, ông Tiến đã gửi nhiều đơn yêu cầu theo Nghị định số 47/CP tới nhiều cơ quan nhà nước, tuy nhiên không có cơ quan nào nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông;

Năm 2003, Nghị quyết 388 được ban hành, ông Tiến lại có đơn đòi bồi thường nhưng vẫn chưa được chấp nhận vì phải chờ Thông tư hướng dẫn;

Sau khi có Thông tư 01 năm 2004, đơn của ông Tiến được chấp nhận nhưng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội không chịu trách nhiệm bồi thường và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội. Việc chuyển qua chuyển lại giữa hai cơ quan này đến cuối tháng 6/2004, ông Tiến mới được xác định cơ quan giải quyết bồi thường là Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.

Như vậy, phải mất 8 năm, ông Tiến mới tìm được đúng cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho mình. Điều này trước tiên, do thiếu cơ sở pháp lý. Nghị định 47 không phân tách trách nhiệm của từng cơ quan ở mỗi giai đoạn trong hoạt động tố tụng để xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Nghị quyết 388 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa giải quyết được vấn đề này. Một vấn đề nữa, khi người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường thì cũng không có một cơ quan nào đứng ra xác định cơ quan có trách nhiệm đó.

Chính sự không rõ ràng, cụ thể này mà ông Tiến – đã phải mất tới gần 8 năm để tìm được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho mình.

Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước đã khắc phục được những hạn chế trên. Luật này đã hoàn thiện hơn nữa địa vị pháp lý của các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Giống như các văn bản pháp luật trước, Luật đã xác định cơ quan trực tiếp quản lý công chức gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm thay mặt nhà nước đứng ra giải quyết việc bồi thường theo yêu cầu của bên bị thiệt hại. Tuy nhiên, Luật đã xác định rõ những quyền và nghĩa vụ mà cơ quan này phải thực hiện đối với người bị thiệt hại và các cơ quan khác có liên quan, đồng thời cũng làm rõ các cơ quan nhà nước cần phải làm gì để giúp cơ quan trực tiếp quản lý công chức thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Ví dụ, về quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự (mục 2 Chương III), Luật đã phân tách trách nhiệm của các cơ quan thực hiện trong hoạt động tố tụng như, cơ quan điều tra có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau đây: a) Đã ra quyết định tạm giữ người nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền đã có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đó vì người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật; b) Đã ra quyết định khởi tố bị can nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền không phê chuẩn quyết định khởi tố vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội (Điều 29); hay tòa án cấp sơ thẩm thì có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp nào, tòa án phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp nào (Điều 32), … Điều này được quy định rất chi tiết trong Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật, dự kiến có hiệu lực từ tháng 4/2010.

Luật đã xác lập một cơ quan mới để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước. Các văn bản trước đây không thiết lập một cơ quan cụ thể để thực hiện chức năng quản lý của nhà nước đối với công tác này, nên việc bồi thường không được thực hiện một cách thống nhất trong phạm vi toàn quốc và gây khó khăn rất nhiều trong quá trình thực hiện. Trường hợp người bị thiệt hại không xác định cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại thì có thể yêu cầu cơ quan này xác định (Luật cũng như Nghị định hướng dẫn quy định, Bộ Tư pháp là cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước).

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kéo dài thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước là sự không thống nhất giữa người yêu cầu bồi thường và cơ quan có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường về số tiền bồi thường.

Trong vụ việc của ông Hoàng Minh Tiến, ông đề nghị được bồi thường 2,7 tỷ đồng và trả lại một ngôi nhà bị kê biên, tịch thu nhưng ông chỉ được bồi thường gần 44,5 triệu đồng – một số tiền rất thấp so với yêu cầu. Và hiện tại, ông Tiến vẫn đang tiếp tục khiếu nại để được bồi thường theo yêu cầu.

Ông Tiến cho rằng việc yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông khó khăn là vì:

Đại diện của cơ quan có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường không có đủ thẩm quyền (thường là cán bộ chuyên môn) nên sẽ hạn chế rất nhiều trong việc thương lượng về mức bồi thường;

Khoản bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần quá thấp so với những gì ông đã trải qua;

Các văn bản pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không quy định cụ thể về việc xác định cũng như trách nhiệm bồi thường về vật chất, tài sản mà người yêu cầu bồi thường bị mất, đặc biệt là trình tự, thủ tục trả lại tài sản đã bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu …

Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước đã phần nào giải quyết được những hạn chế trên. Luật đã quy định rất rõ ràng, cụ thể và Nghị định hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của những người bị thiệt hại như: phạm vi trách nhiệm bồi thường; xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường; hồ sơ yêu cầu bồi thường; thụ lý đơn; xác minh thiệt hại, thương lượng, thời hạn giải quyết, … các thủ tục khiếu nại, khởi kiện … Luật cũng quy định, đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải là người có thẩm quyền để thỏa thuận việc bồi thường với người bị thiệt hại và chịu trách nhiệm trước cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Nghị định hướng dẫn Luật cũng quy định rất chi tiết về thủ tục hoàn trả lại tài sản …

Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước dành hẳn một chương quy định về thiệt hại được bồi thường bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết, thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe, trả lại tài sản, khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự với những tiêu chí khá rõ ràng, đầy đủ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của nước ta ở thời điểm hiện tại.

Như vậy, qua phân tích một vụ việc trên thực tế để thấy rằng, việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý và những quy định không rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước ban hành và có hiệu lực đã khắc phục đáng kể những hạn chế và vướng mắc trên, góp phần gây dựng niềm tin về một lẽ công bằng trong xã hội, xây dựng một xã hội dân chủ, pháp quyền.

Hơn nữa, Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước không chỉ giới hạn phạm vi bồi thường trong tố tụng hình sự mà còn mở rộng ra phạm vi của quản lý hành chính, tổ tụng (bao gồm cả tố tụng hành chính, hình sự, dân sự) và thi hành án. Việc mở rộng phạm vi bồi thường ra nhiều lĩnh vực hơn đặc biệt là những trường hợp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như: ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, cấp văn bằng bảo hộ cho người không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ, cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ, ra quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ, không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện, giao đất, … đã tạo được niềm tin và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp nói riêng và các đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật này nói chung.

Những kì vọng của doanh nghiệp

Rõ ràng, Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước ra đời và có hiệu lực là một bước tiến trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, là biểu hiện của một chế độ dân chủ, tạo được niềm tin và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của những đối tượng chịu tác động, trong đó có doanh nghiệp.

Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước đã mở rộng phạm vi bồi thường ra nhiều lĩnh vực so với trước đây nhưng không phải là tất cả mọi lĩnh vực. Trong giai đoạn Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước đang ở dạng Dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo là Bộ Tư pháp tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trên cả ba miền và thu hút được đông đảo các doanh nghiệp, các giới luật sư, luật gia, các nhà nghiên cứu, chuyên gia tham dự. Có nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng phạm vi giải quyết yêu cầu bồi thường ra tất cả các lĩnh vực, trong có có cả hoạt động ban hành văn bản lập quy. Việc ban hành văn bản lập quy không đúng có tác động rất lớn đến hoạt động của các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nên, nếu có thể, trong tương lai, doanh nghiệp có thể kì vọng Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước có thể mở rộng phạm vi hơn nữa trong các lĩnh vực mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi cán bộ, công chức gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công vụ.

Trên thực tế, các doanh nghiệp chịu thiệt hại rất lớn khi người đứng đầu doanh nghiệp bị truy tố, xét xử, nhất là trong thực trạng, quy mô doanh nghiệp của nước ta chủ yếu là nhỏ và vừa. Khi người đứng đầu doanh nghiệp rơi vào vòng lao lý, nhiều doanh nghiệp có thể đứng trên bờ vực của phá sản, uy tín doanh nghiệp giảm sút, các hoạt động kinh doanh sẽ gặp khó khăn rất nhiều. Ví dụ, trường hợp ông Nguyễn Đình Chiến đã bị truy tố oan sai khiến ông phải ở tù gần 10 năm. Thời điểm đó ông Chiến là chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Vimproco. Sau khi ông bị bắt, công ty của ông đã chịu rất nhiều biến cố và bị thiệt hại rất lớn (bị thiệt hại do lãi phát sinh của các ngân hàng, doanh nghiệp liên quan do vụ án kéo dài …). Khi ông được Tòa án tuyên ông vô tội, thì những thiệt hại của doanh nghiệp Vimproco có được đền bù không? Đây là vấn đề mà Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước vẫn chưa đặt ra và giải quyết.


 Nghị định số 47/Cp của Chính phủ ngày 03/05/1997 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.

 Nghị quyết 388/NQ-UBTVQH11 ngày 17/03/2003 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra.

 Thông tư liên tịch số 01/TTLT/VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BTC-BQP ngày 25/03/2004 hướng dẫn thi hành một số quy định của NQ 388.

Các văn bản liên quan