Góp ý của TS Nguyễn Văn Tuyến – Trường Đại học Luật Hà Nội

Thứ Tư 09:47 30-12-2009

MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO DỰ THẢO

NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA

NGHỊ ĐỊNH SỐ 149/2005/NĐ-CP

TS. Nguyễn Văn Tuyến

Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Về những quy định chung

1.1. Đồng ý với các sửa đổi, bổ sung trong Chương I dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 149/2005/NĐ-CP.

1.2. Nên sửa Điều 3: Đối tượng nộp thuế; đối tượng được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thay thuế theo hướng:

- Tiêu đề của điều luật: Người nộp thuế; người được ủy quyền nộp thuế; người bảo lãnh cho nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Nội dung của điều luật:

Sửa Khoản 1:

1. Người nộp thuế theo quy định tại Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bao gồm:

a) Chủ sở hữu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

b)

c) …

Sửa khoản 2:

2. Người được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ thuế, bao gồm:

a) …

b) …

Bổ sung thêm khoản 3:

3. Người bảo lãnh cho nghĩa vụ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là các tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo lãnh cho người nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

2. Về căn cứ tính thuế và biểu thuế:

Đồng ý với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo.

3. Về kê khai thuế, nộp thuế:

3.1. Đồng ý với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo.

3.2. Tuy nhiên, cần thay cụm từ “đối tượng nộp thuế” bằng cụm từ “người nộp thuế” cho phù hợp với thuật ngữ đã sử dụng trong Điều 3 và các Luật thuế khác đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua.

4. Về miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế và truy thu thuế:

4.1. Đồng ý với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo.

4.2. Tuy nhiên, cần lưu ý cân nhắc để:

- Bổ sung thêm ý: Trong trường hợp hết thời hạn hội chợ, triển lãm hoặc kết thúc công việc nhưng chủ hàng lại không tái nhập hoặc tái xuất mà bán ngay tại nơi diễn ra hội chợ, triển lãm hoặc nơi thực hiện công việc thì việc xử lý về thuế là như thế nào.  Đây là trường hợp xảy ra khá nhiều trong thực tiễn xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước.

- Sửa đổi nội dung quy định tại  điểm b khoản 1 Điều 21 (truy thu thuế) vì có sự mâu thuẫn giữa nội dung của đoạn đầu “phải truy thu thuế trong thời hạn 5 năm trở về trước kể từ ngày phát hiện có sự nhầm lẫn hoặc có sự gian lận…” với đoạn sau: “Trường hợp ngày phát hiện nhầm lẫn hay gian lận quá 5 năm trở về trước thì đối tượng nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu (tức là vẫn truy thu) vào ngân sách nhà nước”.

5. Về khiếu nại và xử lý vi phạm:

Cần lưu ý đến tính thống nhất, tương đồng giữa các quy định về khiếu nại, xử lý vi phạm trong Nghị định này với các quy định tương ứng của Luật quản lý thuế năm 2006. Trong dự thảo này không có sửa đổi, bổ sung gì so với Nghị định hiện hành, có nghĩa là các quy định này (được ban hành năm 2005) có thể mâu thuẫn với Luật quản lý thuế (được ban hành năm 2006).

Trên đây là một số góp ý ban đầu cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 149/2005/NĐ-CP về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

 

 

Các văn bản liên quan