Góp ý của ông Dương Thanh Minh – Pháp chế Bảo Việt Bank

Thứ Năm 09:39 10-12-2009

Góp ý Dự thảo Nghị định về chuyển đổi công ty Nhà nước thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu

 

Dương Thanh Minh

Ban Pháp chế - BaoViet Bank

 

1. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung và hình thức văn bản

a) Về phạm vi, chúng tôi cho rằng Dự thảo nên quy định về tổ chức, quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, vì một số lý do sau:

- Nhằm điều chỉnh thống nhất thủ tục chuyển đổi tương ứng với từng mô hình tổ chức, quản lý;

- Cụ thể hóa quy định của Luật Doanh nghiệp về mô hình công ty TNHH một thành viên phù hợp với các đặc thù về chủ sở hữu là Nhà nước và sự tổ chức, điều tiết của chủ sở hữu đối với công ty, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động;

- Việc quy định về tổ chức, quản lý là cơ sở cho việc xây dựng đề án, hồ sơ, điều lệ và các điều kiện khác phục vụ cho việc chuyển đổi, cũng như việc vận hành công ty sau khi được huyển đổi.

b) Về hình thức, chúng tôi đồng ý với dự kiến của Cơ quan soạn thảo về việc nên xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 95, bởi nội dung sửa đổi, bổ sung so với Nghị định số 95 là rất lớn (sửa 14/17 Điều của Nghị định số 95 và bổ sung thêm 2 chương); qua đó, tránh sự manh mún, phân tán của các quy định có liên quan đến việc chuyển đổi, tổ chức và quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

2. Về việc chuyển các doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa thành công ty TNHH một thành viên

a) Theo giải trình của Cơ quan soạn thảo và quy định tại khoản 3, Điều 7 của Dự thảo, vì không “cổ phần hóa” kịp một số doanh nghiệp Nhà nước trước ngày 1/7/2010, “do đó tạm thời chuyển sang công ty TNHH một thành viên, sau đó chuyển đổi tiếp sang công ty cổ phần”. Cho thấy, việc chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên đối với những doanh nghiệp này chỉ nhằm mục đích “đúng tiến độ” quy định tại Điều 166 của Luất Doanh nghiệp; chỉ mang tính hình thức không cần thiết (như việc chưa xử lý tài chính, lao động như tại Dự thảo); vẫn phải thực hiện nhiều lần chuyển đổi lòng vòng đối với một doanh nghiệp (từ doanh nghiệp Nhà nước thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp Nhà nước sang công ty TNHH một thành viên và từ công ty TNHH sang công ty cổ phần), gây tốn kém về tiền bạc của Nhà nước, thời gian, nhân lực,... Ngoài ra, việc “sẽ cổ phần hóa sau năm 2010” như trong tờ trình và Dự thảo không có thời hạn cụ thể, nên vẫn không biết đến bao giờ (?).

b) Về vấn đề có xử lý tài chính, lao động đối với các doanh nghiệp trên hay không, trong trường hợp vẫn chuyển đổi các doanh nghiệp này thành công ty TNHH một thành viên trước khi cổ phần hóa, theo chúng tôi đều không ý nghĩa và có nhiều hạn chế, cụ thể:

- Đối với Phương án 1: Không xử lý khi chuyển đổi sang công ty TNHH mà để đến khi tiến hành cổ phần hóa mới xử lý (điểm d, khoản 4, Điều 8).

Trong chuyển đổi doanh nghiệp, thì cái mấu chốt, cốt lõi nhất cần “chuyển đổi” và quyết định hiệu quả của việc chuyển đổi là về tài chính và tổ chức, lao động. Việc chuyển đổi hình thức doanh nghiệp mà vẫn giữ nguyên cơ chế tài chính, tài sản, cơ chế tổ chức, lao động như trong Dự thảo, không thể xem là chuyển đổi doanh nghiệp mà đơn thuần chỉ là chuyển “tên” doanh nghiệp. Theo đó, mục đích và hiệu quả của việc chuyển đổi sẽ không cao và việc chuyển đổi chỉ mang tính hình thức.

- Đối với Phương án 2: Thực hiện xử lý tài chính, lao động đối với các doanh nghiệp này trước khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên. Nếu áp dụng Phương án này thì doanh nghiệp sẽ hai lần làm thủ tục chuyển đổi lòng vòng như nêu tại điểm a, trong đó có hai lần phải xử lý tài chính, lao động qua đó gây tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức,…

c) Từ những ý kiến nêu tại điểm a và b, chúng tôi cho rằng, việc không đúng “tiến độ” chuyển đổi đối với các doanh nghiệp Nhà nước như trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là từ phía các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, vì vậy các cơ quan này phải chịu trách nhiệm rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể và giải trình xin Quốc hội gia hạn thời hạn “cổ phần hóa” đối với các doanh nghiệp này.

3. Về quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty là đại diện theo pháp luật của công ty

Chúng tôi không đồng ý với cả hai phương án trong Tờ trình, mà thiên về phương án mở rộng quyền lưa chọn để quy định trong Điều lệ công ty Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) là người đại diện theo pháp luật, vì các lý do sau:

- Quy định cứng Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là đại diện theo pháp luật (Phương án 1) và Tổng Giám đốc (Giám đốc) là đại diện theo pháp luật (Phương án 2), đều trái với nguyên tắc được lựa chọn quy định tại khoản 5, Điều 67 của Luật Doanh nghiệp;

- Việc mở rộng quyền lựa chọn sẽ tạo sự linh hoạt đối với công ty trong cơ cấu tổ chức quản lý, trên cơ sở quy mô, điều kiện thực tế, năng lực quản lý của người đại diện,… trong công ty;

- Việc quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là đại diện theo pháp luật như trong Dự thảo trong nhiều trường hợp sẽ không tách bạch, thậm chí chồng lấn giữa chức năng “quản trị” với chức năng “điều hành” công ty; có thể dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” mà chủ sở hữu hoặc cơ quan quản lý không thể giải quyết được do pháp luật đã quy định cứng.

Bên cạnh đó, việc dựa trên quy định người đại diện theo pháp luật của công ty đồng thời là chủ tài khoản của công ty để không cho Tổng Giám đốc (Giám đốc) được thuê làm đại diện theo pháp luật của công ty là không hợp lý. Bởi, trong thực tế các Công ty THHH một thành viên do tổ chức, cá nhân sở hữu vẫn thuê Tổng giám đốc (Giám đốc) làm đại điện theo pháp luật đồng thời làm chủ tài khoản, thì không có lý do gì để Nhà nước tự tạo ngoại lệ cho mình, không lẽ chỉ có Nhà nước lo cho vốn sở hữu của mình, còn tổ chức, cá nhân khác thì không. Ngoài ra, trong các doanh nghiệp luôn phải có các quy định về cơ chế giám sát, quản lý về tài chính và đây chính là hành lang để chủ tài khoản thực hiện, vận hành bảo đảm sự linh hoạt, phục vụ hiệu quả cho hoạt động điều hành của mình.

 4. Về quy định chức danh Giám đốc lĩnh vực trong công ty

Dự thảo quy định chức danh Giám đốc lĩnh vực nhằm hướng tới xu hướng quản trị doanh nghiệp hiện đại là hợp lý. Tuy nhiên, trong thực tế có những công ty TNHH quy mô nhỏ, tổ chức đơn giản,… không cần thiết phải có giám đốc lĩnh vực. Do đó, Dự thảo cần quy định về điều kiện để công ty có chức danh này, bảo đảm sự phù hợp, tránh sự nặng nề, phình to cơ cấu, tổ chức và nhân sự - là hiện tượng thường gặp trong các doanh nghiệp nhà nước.

5. Về việc cho phép Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc

Việc Dự thảo cho phép Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc cần xem xét lại bởi các lý do sau:

- Theo quy định tại khoản 1, Điều 70 của Luật Doanh nghiệp thì “Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê Tổng Giám đốc (Giám đốc)”, như vậy việc Chủ tịch công ty tự bổ nhiệm chính mình làm Tổng giám đốc như tại Dự thảo là chưa hợp lý và phù hợp với quy định này.

- Việc Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc sẽ không tách bạch chức năng quản lý và điều hành công ty.

- Các điều kiện để cho phép Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc (khoản 2 Điều 18) chung chung và thiếu thiết thực.

6. Một số ý kiến khác

- Một số quy định trong Dự thảo không thể xác định được do không có quy định của pháp luật hiện hành và không có giải thích tại Dự thảo, như: không thể xác dịnh được thế nào là “công ty quy mô lớn”, “kinh doanh đa ngành”, “hoat động trong các ngành, lĩnh vực đặc biệt”;

- Nên quy định số lượng hoặc tỷ lệ thành viên chuyên trách của Hội đồng thành viên để bảo đảm cơ chế trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng này.

Các văn bản liên quan