Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận Hội nghị

Thứ Sáu 10:34 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Đến thời điểm này có 20 đại biểu phát biểu ý kiến, không còn đại biểu nào đăng ký nữa. Tôi xin phép có một số ý kiến kết thúc phần thảo luận này.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, qua thảo luận ở tổ, tại Hội trường đại biểu không có ý kiến gì. Qua tổng hợp ý kiến thì nói chung các đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án luật này.

Thứ hai, xoay quanh vấn đề quy định về chính sách của nhà nước. Đa số các vị đại biểu Quốc hội đề nghị phải quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, có tính khả thi vì trong nhiều đạo luật đều có quy định về chính sách của nhà nước, chỗ nào cũng ưu tiên, cũng tạo điều kiện thuận lợi v.v.... Phải xem sức ta đến đâu, đặc thù của lĩnh vực đó như thế nào để chúng ta quy định tương đối cụ thể về chính sách của nhà nước.

Thứ ba, xoay quanh vấn đề mạng lưới bưu chính và chất lượng dịch vụ bưu chính có mấy điểm. Các đại biểu yêu cầu rà soát để phát triển mở rộng mạng lưới bưu chính cho hợp lý, đặc biệt phục vụ cho yêu cầu của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế đang chậm phát triển.

Các đại biểu cũng lưu ý điểm bưu điện văn hóa xã vừa qua có phát huy tác dụng tốt. Cần phải xác định đây là một bộ phận nằm trong mạng lưới của hệ thống bưu chính, đương nhiên cần rà soát lại, khắc phục những gì còn khiếm khuyết khi chúng ta phát triển ồ ạt trong thời gian đầu. Trên cơ sở đó tạo điều kiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dịch vụ của bưu điện văn hóa xã, đồng thời cũng xác định quy mô phù hợp với yêu cầu lâu dài. Thời gian đầu chúng ta phát triển ồ ạt các điểm bưu điện văn hóa xã, nhưng nó bé, nằm ở điểm khuất, nên chất lượng phục vụ còn hạn chế, nếu để thì áy náy mà bỏ đi thì lãng phí.

Các đại biểu cũng lưu ý về cơ chế, chính sách để nâng cao chất lương, dịch vụ thư tín, bộ phận đưa thư, đặc biệt lưu ý đến cơ chế chính sách về lợi ích cho các đơn vị và những người được giao làm nhiệm vụ này. Một số đại biểu cũng đề cập đến bảo đảm trật tự văn minh, chủ động ngay từ đầu trong việc phát triển hiện đại hóa hệ thống, mạng lưới bưu chính thì vấn đề đặt hộp thư trong các khu dân cư, khu đô thị mới, hộp thư gia đình cũng được đặt ra.

Thứ tư, về hoạt động bưu chính công ích và chỉ định một doanh nghiệp Nhà nước đảm trách nhiệm vụ dịch vụ bưu chính công ích. Hiện nay không còn khái niệm doanh nghiệp công ích mà chỉ có khái niệm sản phẩm công ích bao gồm cả sản phẩm vật chất và sản phẩm dịch vụ. Đối với dịch vụ bưu chính có rất nhiều loại, loại kinh doanh bình thường theo quan hệ cung cầu mở rộng cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia. Còn dịch vụ bưu chính mang tính đặc thù phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đáp ứng yêu cầu quốc phòng và an ninh chưa thể mã hóa hết được. Thì thú thực cũng phải có một quy định về điều kiện rất chặt chẽ cho tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ này. Chính vì thế cho nên cũng đặt ra một yêu cầu là có sự chỉ định hoặc là giao nhưng mà chỉ định giao này không qua một cơ chế hợp đồng, đặt hàng, giao nhiệm vụ trên cơ sở đó gắn liền với cơ chế tài chính để bù đắp cho những chi phí cần thiết để họ thực hiện được nhiệm vụ đặc thù này.

Đương nhiên chúng ta cũng rà soát lại sao cho nó thật rõ để nói chung là không biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đi liền với nó thì các đại biểu cũng lưu ý rà lại tính đầy đủ và tính chính xác về những nội dung quy định ở các Điều 32, 33 và một số điều khác.

Vấn đề thứ năm, xoay quanh đến những vấn đề quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp làm dịch vụ bưu chính và vấn đề bí mật thư tín. Đa số các đại biểu Quốc hội cũng đồng ý với quy định về quyền và nhiệm vụ của doanh nghiệp làm dịch vụ bưu chính. Tuy nhiên, cũng cần quy định cho rõ ràng, cụ thể hơn. Đối với hoạt động này là một hoạt động kinh doanh có điều kiện cho nên cần quy định cụ thể điều kiện và trên cơ sở những doanh nghiệp đủ điều kiện thì họ đương nhiên được quyền thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về dân sự, đặc biệt quyền về công dân phải quy định thật cụ thể điều kiện và thẩm quyền trong việc mở, kiểm soát thư tín, tài sản gửi thông qua hệ thống bưu chính. Phải quy định thật rõ về điều kiện và thẩm quyền trong việc sung công những tài sản mang tính chất vật chất trong quá trình quản lý, kiểm soát, trong hoạt động bưu chính.

Vấn đề thứ sáu, quy định về hành vi bị nghiêm cấm, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm, đặc biệt nhóm sản phẩm có liên quan đến chất nổ gây hại đến sức khoẻ, tiền giả v.v..., quy định như thế nào đó để cụ thể và dễ hiểu hơn, nhiều lần chúng tôi xin với Quốc hội chúng ta không nên hà tiện từ ngữ nhiều quá, hà tiện cho gọn ghẽ quá các câu, các đoạn sao thể hiện và diễn đạt theo ngôn từ của Việt Nam cho nhân dân dễ hiểu trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thứ bảy, về giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính, ngoài những điều kiện như trên tôi đã nói, các đồng chí trong cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan chủ trì thẩm tra rà lại để có phân biệt rõ giữa giấy phép và thông báo hoạt động, hai là xem lại thời gian, giá trị của giấy phép hoạt động trong này quy định không quá 10 năm.

Vấn đề thứ tám, về quy chuẩn và tiêu chuẩn. Ở đây tôi xin nhắc lại một chút quy định trong pháp luật về quy chuẩn và tiêu chuẩn. Quy chuẩn là mang tính bắt buộc, còn tiêu chuẩn thì các doanh nghiệp tự xây dựng và đăng ký, còn các cơ quan có chức năng của Nhà nước thì kiểm tra việc thực hiện theo tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp đăng ký. Cho nên chỗ này nên có sự phân biệt rõ hơn trong quy định của pháp luật, trong nhận thức về quy chuẩn và tiêu chuẩn.

Vấn đề thứ chín, về giá. Hiện tại chúng ta đang áp dụng một số cơ chế trong quản lý giá trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có những sản phẩm Nhà nước quyết định giá, có những sản phẩm Nhà nước kiểm soát giá, nhưng có những sản phẩm thì Nhà nước tôn trọng giá cả hình thành theo quan hệ cung cầu. Và tinh thần chung thì bớt dần những sản phẩm thực hiện theo cơ chế Nhà nước quyết định giá mà chuyển sang chủ yếu bàn cơ chế kiểm soát giá cả để đảm bảo những yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô. Đã như thế thì cũng có những loại giá do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định theo một quy trình được xác định và nhiều loại giá theo doanh nghiệp tự quy định theo những nguyên tắc của kinh tế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước.

Về tem, các đại biểu cũng lưu ý đến hình thức, thẩm quyền để làm sao thực tế người ta biết đây là tem của Việt Nam không phải là tem của nước ngoài, tem còn là một sản phẩm văn hóa thể hiện truyền thống của dân tộc mình, của đất nước mình. Các đại biểu cũng lưu ý đến quyền thiết kế về tem, cũng nên có những quy định cần thiết, nếu không quy định được trong luật thì trong nghị định của Chính phủ nên có những quy định hướng dẫn cho cụ thể hơn

Mười một, về vấn đề lưu trữ thì các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, cân nhắc có thể có quy định vấn đề lưu trữ về thiết bị sản phẩm liên quan đến hoạt động bưu chính. Đây cũng được coi là tài sản quốc gia và phục vụ cho một số yêu cầu quản lý Nhà nước khác.

Mười hai, về hợp tác quốc tế, theo chúng tôi đã có một khoản quy định trong điều nói về trách nhiệm quản lý Nhà nước, còn trong nghị định sẽ có hướng dẫn cụ thể thì nó cũng phù hợp hơn.

Mười ba, về vấn đề áp dụng pháp luật theo thông lệ hiện nay ngoài những luật mà đã trình với Quốc hội thông qua thì thông thường có áp dụng quy định của luật này và áp dụng ở những quy định có liên quan tới các luật khác về một vấn đề nào đó trong thực tế một vấn đề không thể điều chỉnh một cách triệt để trong một đạo luật mà có nhiều đạo luật có liên quan khác. Cho nên trong quá trình hướng dẫn sẽ có hướng dẫn thật cụ thể về vấn đề này để đảm bảo cho đối tượng trực tiếp quản lý cũng như là đối tượng chịu sự điều chỉnh dễ thực hiện.

Mười bốn, xoay quanh vấn đề về Chương VIII liên quan đến khiếu nại và bồi thường thì phải suy nghĩ nhiều hơn nữa, trong đó có vấn đề xem xét phân định thật rõ quy định về khiếu nại theo hợp đồng hay khiếu nại hành chính, hay là dù nó là khiếu nại nào thì cũng chỉ nên nêu mang tính đặc thù mà thôi

Thứ hai, cũng xem xét thêm về thời gian giải quyết khiếu nại hơi dài.

Thứ ba, xoay quanh vấn đề bồi thường thiệt hại thì phải xác định thật rõ nội dung quy định sao cho chính xác cũng nên xem xét để có quy định về thẩm quyền, quy định về quy trình trong việc xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường.

Cuối cùng, qua tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại tổ và thảo luận tại hội trường thì chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, cần phải cụ thể hóa thêm thậm chí cũng phải xem xét thêm về nhận thức, về quan điểm để có sự đồng thuận cao. Vì vậy tôi cũng xin có một câu thơ cho vui vẻ một chút.

"Đi cho thật chắc vững vàng,

Đỡ vấp phải đá, đỡ quàng phải dây".

Xin phép Quốc hội ta cứ làm chắc chắn xem xét thông qua tại kì họp sau. Chúng ta kết thúc nội dung chương trình này.

 

Các văn bản liên quan