Góp ý của đại biểu Quốc hội Phạm Mạnh Hùng – Thái Nguyên

Thứ Hai 09:49 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi xin khẳng định sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Tuy nhiên tôi cũng thấy cần phải nhận thức rằng đây là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục nên nó không thể điều chỉnh tất cả các phạm vi, đối tượng, vấn đề của giáo dục. Luật này chỉ có thể sửa đổi, bổ sung một số điều bất cập của luật hiện hành sau bao lâu thực hiện. Còn nhiều vấn đề khác chưa được đưa vào luật này, ví dụ một số vấn đề về giáo dục đại học, về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vốn là những vấn đề rất phức tạp, phong phú, đòi hỏi phải có những luật riêng mà Quốc hội đã từng đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, nhưng Kỳ họp thứ 5 vừa qua lại cho lùi thời gian sang một thời điểm khác.

Khi nghiên cứu dự thảo luật lần này tôi thiết nghĩ việc ban hành luật này khi được Quốc hội thông qua có tạo được thêm những cơ sở pháp lý để góp phần giải quyết một vấn đề lớn của giáo dục hay không, đó là vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Nghiên cứu dự thảo tôi thấy rằng dự án luật này đã hướng rất rõ vào mục tiêu này, tôi hiểu rằng dự án luật sửa đổi không thể điều chỉnh tất cả các vấn đề về giáo dục, đào tạo nói chung và các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng đào tạo nói riêng. Nhưng điều chắc chắn là những bổ sung, sửa đổi của nó sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bởi vậy tôi sẽ không nói về những nội dung đã được thống nhất cao đáp ứng mong đợi của cử tri cả nước, như việc luật hóa việc phổ cấp giáo dục mầm non 5 tuổi mà tôi xin nói một số điều khoản bổ sung sửa đổi còn có sự băn khoăn mà theo tôi đó là những yếu tố mang tính chất đổi mới, có tác dụng tích cực tới việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Thứ nhất, là về điều kiện thành lập các trường đại học. Tôi tán thành với dự thảo luật sửa đổi bổ sung lần này đã làm rõ hơn điều kiện thành lập trường và tách quy định thành lập trường thành hai bước, quyết định thành lập và được phép hoạt động. Như vậy từ việc có quyết định thành lập đến việc được phép hoạt động là một khoảng cách với những điều kiện cụ thể. Các trường chỉ được chính thức hoạt động khi đã chuẩn bị thực sự đầy đủ các điều kiện quy định cần thiết để giáo dục, đào tạo. Quy định hai bước sẽ hạn chế và chấm dứt tình trạng từ trước đến nay ở một số trường sau khi có quyết định lập chưa đủ điều kiện vẫn đi vào hoạt động giáo dục, từ đó không đảm bảo chất lượng. Cũng có ý kiến cho rằng cần có những nội dung cụ thể về quy định thủ tục việc thành lập trường ngay trong Luật sửa đổi bổ sung lần này. Yêu cầu này theo tôi khó thực hiện vì điều luật này quy định chung về điều kiện thành lập trường ở tất cả các cấp học mà mỗi cấp bậc khác nhau sẽ có những điều kiện yêu cầu cụ thể khác nhau. Mặt khác theo tôi điều kiện cụ thể của việc thành lập trường ở mỗi giai đoạn kinh tế xã hội khác nhau có thể sẽ khác nhau theo hướng yêu cầu ngày càng cao hơn, nếu luật hóa sẽ rất khó thay đổi. Bởi vậy theo tôi những quy định cụ thể này cần được thể hiện ở những văn bản dưới Luật, ví dụ những điều kiện cụ thể về thành lập trường đại học đã được thể hiện trong Quyết định 607 của Chính phủ. Quyết định này quy định rất rõ điều kiện, thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, chia tách sáp nhập giải thể trường đại học.

Thứ hai, về vấn đề công khai giáo dục, tôi tán thành với dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Khoản 1, Điều 58 thêm một nhiệm vụ của các nhà trường mà Luật hiện hành chưa quy định đó là nhiệm vụ công bố, công khai mục tiêu chương trình giáo dục nguồn lực và tài chính, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục. Có thể nói rằng từ trước đến nay các cơ sở giáo dục vẫn hoạt động trên cơ sở có mục tiêu chương trình giáo dục, vẫn nguồn lực, đội ngũ tài chính, cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục đào tạo nhất định. Nhưng những thông tin ấy không được phổ biến nên nó trở nên tù mù đối với xã hội, với người học. Chủ trương công khai hóa những nội dung này là rất đáng khẳng định ghi nhận. Tôi được biết Bộ giáo dục và đào tạo đã có Thông tư 09 ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở của hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó đã quy định rất cụ thể mục tiêu, nguyên tắc, hình thức, thời điểm công khai, đặc biệt là quy định rất cụ thể nội dung công khai trên 3 phương diện.

Một là, công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế.

Hai là, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, đội ngũ, cơ sở vật chất v v.....

Thứ ba, là công khai về thu chi tài chính của cơ sở giáo dục, quy định yêu cầu các nội dung công khai này phải được phổ biến trên website của các cơ sở giáo dục và niêm yết công khai tại các cơ sở giáo dục vào tháng 6 hàng năm. Việc luật hóa yêu cầu công khai mục tiêu chương trình chất lượng điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của các cơ sở đào tạo giáo dục là rất cần thiết, được cử tri cả nước quan tâm, ủng hộ. Nó sẽ tạo động lực buộc các cơ sở giáo dục phải không ngừng hoàn thiện toàn diện nhà trường để tồn tại và phát triển. Nó sẽ tạo điều kiện để xã hội, người học được lựa chọn những cơ sở giáo dục có chất lượng và tham gia giám sát các cơ sở giáo dục. Nó sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thứ tư, về vấn đề phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục, Điều 100 của Luật Giáo dục hiện hành quy định cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trong đó có Ủy ban nhân dân các cấp tại Khoản 4. Luật sửa đổi bổ sung Khoản 4, Điều 100 bổ sung một nội dung cụ thể về việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục đối với các cơ quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó có việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Sự phân cấp quản lý này cũng gắn liền với yêu cầu về trách nhiệm đối với Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý Nhà nước về giáo dục. Có thể nói lâu nay việc thực hiện trách nhiệm này chưa được coi trọng, đặc biệt là việc quản lý các trường đại học, cao đẳng. Vai trò quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp với chừng mực tác động khá mờ nhạt, nhiều khi nó chỉ được thể hiện khi ở các cơ sở giáo dục có vấn đề, có vụ việc cần được xử lý. Trước tình hình quy mô giáo dục thực hiện liên tục phát triển ở hầu hết các cấp bậc học. Sự phân cấp quản lý luật hóa yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp trong việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật và giáo dục là đòi hỏi tất yếu trong Luật quản lý giáo dục. Nếu không có sự tham gia tích cực, cộng đồng trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp Bộ giáo dục và đào tạo không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Bởi vậy tôi rất tán thành với việc dự thảo Luật về phân cấp, quản lý tại Khoản 4, Điều 100.

Thứ năm, tôi xin nói về thẩm quyền quyết định các trường đại học, trước hết tôi xin khẳng định sự ủng hộ, tán thành dự thảo Luật về việc giao thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo vì 5 lý do cơ bản sau đây:

Một, tôi cho rằng chất lượng của một trường đại học khi thành lập phụ thuộc không nhiều vào việc Thủ tướng hay Bộ trưởng ký quyết định, mà nó phụ thuộc vào quy trình xét duyệt, thẩm định các điều kiện và việc thực hiện quy trình đó ở các cơ quan chức năng tham mưu cho Bộ trưởng hay Thủ tướng có nghiêm túc, chính xác, chuẩn mực, khách quan, khoa học hay không. Bởi vậy tôi không nghĩ rằng nếu giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo thẩm quyền này thì việc thành lập sẽ tràn lan, không chất lượng. Thực tế từ trước tới này thuộc Thủ tướng, nhưng dư luận vẫn cho rằng sự ra đời của nhiều trường đại học mới có những điều đáng lo ngại. Nếu điều đó là đúng thì tôi nghĩ rằng Thủ tướng phải nhận trách nhiệm mà về bản chất không đúng tầm, không thuộc trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu Chính phủ.

Hai, giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo thẩm quyền này cũng đồng nghĩa với việc gắn trách nhiệm cao hơn và dễ chịu trách nhiệm hơn với Bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu cơ quan nhà nước tham mưu cho Chính phủ về giáo dục đào tạo. Lâu nay Bộ trưởng chỉ ký tờ trình để Thủ tướng xem xét ký quyết định, trách nhiệm của người trình và người ký quyết định chắc chắn là khác nhau. Tôi xin nêu tình huống, nếu có một vị thấy có một quyết định không chính xác về việc thành lập một trường đại học do Thủ tướng ký quyết định thì xử lý thế nào. Người đứng đầu Chính phủ có nhất thiết phải chịu trách nhiệm về một vấn đề ở tầm ấy không, điều khó xử ấy theo tôi dễ sửa hơn nếu đó là ông Bộ trưởng, trách nhiệm này phải thuộc về Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo vì nó thuộc nhiệm vụ của Bộ trưởng. Sự điều chỉnh thẩm quyền này theo tôi là phân cấp, xác định lại trách nhiệm quản lý nhà nước trong giáo dục đào tạo.

Ba, việc giao thẩm quyền này cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo không có nghĩa Chính phủ thả nổi cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, bởi vì để đi đến quyết định thành lập, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo phải dựa trên quy hoạch mạng lưới các trường đại học, quy trình, thủ tục v.v... do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ý kiến của Hội đồng thẩm định với sự tham gia của các bộ, ngành khác liên quan.

Bốn, vì các thẩm quyền này thuộc chủ trương cải cách hành chính, chủ trương phân cấp quản lý trong cơ quan, nó sẽ bớt đi một khâu thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa giáo dục.

Năm, theo tôi biết từ tài liệu do Văn phòng Quốc hội cung cấp thì việc phân cấp thẩm quyền này đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và sự đồng ý của các thành viên Chính phủ tại cuộc họp Chính phủ ngày 15/8/2009. Tôi nghĩ rằng để đi đến sự đồng ý này Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng đã cân nhắc thận trọng, khách quan, khoa học và từ cơ sở thực tiễn, tôi trân trọng và ủng hộ quan điểm sự đồng ý của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan