Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Toàn – Thừa Thiên – Huế

Thứ Hai 09:47 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi nhất trí với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục do Chính phủ trình Quốc hội lần này, như một số ý kiến của đại biểu phát biểu trước tôi. Tôi thấy những điều cần thiết phải bổ sung và sửa đổi lần này hết sức cần thiết, là căn cứ pháp lý cao nhất để Bộ giáo dục và đào tạo ban hành bổ sung những văn bản dưới luật nhằm khắc phục những tồn tại trong quản lý giáo dục hiện nay. Tôi xin tham gia một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, có hai vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm đó là thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học ở Điều 51 và vấn đề đào tạo tiến sĩ ở Điều 41. Từ thực tiễn quản lý cơ sở đại học, tôi ủng hộ việc trao quyền quyết định 2 vấn đề này cho Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo, những điều cụ thể dự kiến sửa đổi, bổ sung liên quan đến 2 vấn đề trên. Theo tôi nên thay cụm từ ở Khoản 1, Điều 51 "Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quyết định đối với trường đại học. Trường hợp đặc biệt Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trường" thành cụm từ "Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quyết định thành lập trường đại học trên cơ sở quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học được thủ tướng Chính phủ phê duyệt". Trong dự luật có ghi "trường hợp đặc biệt" như dẫn ở trên rất khó thực hiện vì lại phải phân biệt thế nào là "trường hợp đặc biệt" mới đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng của luật. Nếu thành lập trường đại học mà không có trong quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học thì phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch thì mới ra quyết định thành lập, như vậy sẽ phù hợp hơn.

Theo cách làm hiện nay thì việc Thủ tướng quyết định thành lập trường đại học căn cứ vào mạng lưới cơ sở giáo dục, dự án khả thi thành lập trường và kết quả thẩm định của liên bộ do Bộ giáo dục và đào tạo chủ trì. Tuy nhiên, theo Luật giáo dục hiện hành thì chưa phân định rõ hai vấn đề quyết định thành lập trường và quyết định cho phép hoạt động. Những điều kiện thành lập trường còn chưa thật cụ thể, sau khi có quyết định thành lập trường thì các trường mới thành lập thường tiến hành tuyển sinh ngay, vì các trường hiểu có quyết định là đương nhiên được tuyển sinh, đào tạo. Trong khi đó các cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo chưa được thực hiện theo lộ trình mà dự án thành lập trường đã phê duyệt.

Dự án sửa đổi đã khắc phục được những vấn đề trên, tuy nhiên không thể chi tiết hóa trong luật điều kiện cụ thể cần thiết để thành lập trường đại học. Theo tôi, khi luật sửa đổi được Quốc hội thông qua, Bộ giáo dục và đào tạo cần ban hành những quy định chi tiết về những điều kiện thành lập trường theo hướng lượng hóa những điều kiện tối thiểu, nhất là điều kiện về giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất và công khai trên mạng quản lý những điều kiện cụ thể của các trường mới thành lập để xã hội giám sát, để danh sách giảng viên của tất cả các trường đại học và cao đẳng trong cả nước, tránh tình trạng một giảng viên ghi danh vào nhiều cơ sở giáo dục đại học mà thực tế họ không tham gia giảng dạy và quản lý gì ở các trường đại học này.

Về vấn đề đào tạo tiến sỹ, việc đào tạo tiến sỹ hiện nay phần lớn là được thực hiện theo hình thức không tập trung, vì nhiều lý do mà số ít nghiên cứu sinh bảo vệ được trước và đúng thời hạn. Một số không nhỏ các nghiên cứu sinh lại vừa đảm nhận công việc ở cơ quan, ở địa phương lại vừa làm nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo sau đại học, cho nên không thể hoàn thành hoặc là phải kéo dài thời gian hoặc phải bỏ dở quá trình đào tạo, hoặc chất lượng luận án thấp như các đại biểu đã phát biểu. Theo tôi cần phải quy định cứng đối với nghiên cứu sinh không tập trung là phải có một thời gian tập trung nhất định để hoàn thành luận án tại cơ sở đào tạo như trong luật sửa đổi đã đề cập.

Vấn đề trao quyền quyết định thành lập trường đại học và quyết định giao nhiệm vụ đào tạo tiến sỹ theo dự án luật bổ sung như đã trình bày là vừa xác định rõ hơn trách nhiệm của Bộ trưởng trước Thủ tướng về quyết định của mình và phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước thủ trưởng, cấp dưới.

Vấn đề thứ hai, về kiểm định chất lượng giáo dục, theo Tờ trình về dự án sửa đổi bổ sung Bộ luật giáo dục trình bày với Quốc hội, thì phần kiểm định chất lượng giáo dục, dự kiến bổ sung vào một mục của Chương VII thì tôi hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết này. Thực tế tháng 12 năm 2004 Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành một bộ tiêu chí về kiểm định chất lượng và từ năm 2005 bắt đầu lộ trình kiểm định chất lượng và như các đại biểu đã biết là đợt đầu 20 trường chọn kiểm định và đánh giá nước ngoài, nhưng chủ yếu là do cơ quan kiểm định quốc tế của Hà Lan và Hoa Kỳ phối hợp thực hiện.

Hiện nay các trường đại học và chúng ta đã có thành lập ở các ban, các trung tâm, các phòng đảm bảo chất lượng . Tuy nhiên, chất lượng, chức năng nhiệm vụ của các trung tâm, các ban, các phòng này vẫn chưa được quy định cụ thể và thống nhất. Về cơ bản đây là một việc làm mới, kinh nghiệm chưa nhiều và hệ thống văn bản pháp qui về lĩnh vực này còn thiếu chưa đồng bộ. Theo cá nhân tôi cần hình thành một hệ thống các tổ chức kiểm định độc lập đứng ngoài các cơ sở giáo dục, có tư cách pháp nhân, có năng lực và hoạt động theo nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục như trong luật, có thể hiểu giống như các cơ quan kiểm toán hiện nay thì Bộ giáo dục và đào tạo là cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý Nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục. Việc thành lập các tổ chức kiểm định độc lập này cũng phải quy định hết sức chặt chẽ, tránh tình trạng hình thành quá nhiều các tổ chức kiểm định độc lập dẫn đến tình trạng không kiểm soát được các chất lượng và kết quả mà các tổ chức này công bố.

Vấn đề thứ ba, về cơ sở giáo dục đại học, tôi nhất trí với nội dung sửa đổi bổ sung ở Khoản 1, Điều 42 nhưng cách trình bày theo tôi nó phù hợp hơn thì trình bày theo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục cụ thể cơ sở giáo dục đại học được hiểu là có trường cao đẳng đào tạo trình độ cao đẳng, trường đại học và học viện thì đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ khi được Bộ giáo dục và đào tạo cho phép. Viện nghiên cứu đào tạo trình độ tiến sỹ phối hợp với các trường đại học, Học viện thì đào tạo trình độ thạc sỹ khi được Bộ giáo dục và đào tạo cho phép. Thực tế ngoài các cơ sở giáo dục đại học được quy định ở Khoản 1, Điều 42 của Luật giáo dục hiện nay. Từ năm 1994 ở nước ta hình thành 5 đại học 2 cấp, đó là hai đại học quốc gia và 3 đại học vùng được tổ chức theo mô hình trường đại học đa lĩnh vực. Trong các đại học này có các trường đại học thành viên, Viện nghiên cứu và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân. Hiện nay 5 trường đại học này có 27 đại học thành viên, 10 khoa trực thuộc, 3 trường cao đẳng và 2 phân hiệu đại học. Tuy nhiên, qua 15 năm tồn tại cho cách gọi dẫn đến nhiều văn bản pháp lý cũng như phân cấp quản lý, số liệu thống kê không thống nhất ngay cả trong văn bản pháp luật. Chẳng hạn như ở Huế trước năm 1994 có 5 trường đại học trực thuộc bộ, tổ chức lại thành một trường đại học gọi là trường Đại học Huế. Nhưng đến nay chúng tôi thành lập thêm hai trường đại học nữa đó là đại học kinh tế, đại học ngoại ngữ, ở Huế lại có thêm một Viện âm nhạc Huế và trường đại học dân lập Phú Xuân nhưng thực tế ở Huế có 9 trường đại học nhưng trong các tài liệu thống kê này chỉ có 3 trường đại học. Các thành phố khác như ở Đà Nẵng, Thái Nguyên cũng có tình trạng tương tự. Tôi cho rằng cần thiết phải luật hóa tên gọi những vấn đề liên quan đến các đại học này một cách chính thức. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan