Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên – Sóc Trăng

Thứ Hai 09:46 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi xin bày tỏ sự đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi Luật giáo dục năm 2005. Tôi xuất phát từ một niềm tin là chúng ta đang làm những gì tốt nhất cho tương lai của chúng ta, cách đây 27 năm hình ảnh của một thày giáo được học từ Liên Xô về đạp xe đạp Liên Xô, xe Sport từ ngoài Hà Nội vào trong Cầu Giấy để dạy miễn phí cho các sinh viên học năm thứ tư của trường Đại học Giao thông sắt bộ, lúc đấy còn gọi như thế, tiếng Nga để cho các em học sinh có thể đọc được tài liệu tham khảo tiếng Nga để phục vụ cho việc làm luận văn tốt nghiệp của mình vẫn luôn luôn còn đọng lại trong tôi, nên tôi nghĩ rằng với một đội ngũ những thầy giáo như thế thì trách nhiệm của chúng ta phải tạo ra những cơ sở pháp lý tốt nhất để cho các thầy và những đồng nghiệp về sau này của các thầy có thể làm việc tốt được, thực hiện tốt được nhiệm vụ mà đất nước giao cho. Từ quan niệm, tình cảm xuất phát như vậy thì chúng tôi cũng xin được tham gia một số điều trong khoản này.

Trước hết chúng tôi đánh giá cao việc phổ cập giáo dục mầm non là được Bộ giáo dục và đào tạo đưa vào trong dự thảo luật lần này, về nguyên tắc tôi ủng hộ nhưng với tư cách là một đại biểu địa phương, tôi xin bày tỏ những băn khoăn để đề nghị các đồng chí khi thực hiện có đưa phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào thì kinh phí đáp ứng cho việc giáo dục mầm non nó như thế nào, kinh phí thì bao gồm cả hai khoản là khoản xây dựng trường lớp như thế nào và lương ở đội ngũ giáo viên ấy được bố trí như thế nào. Bởi vì báo cáo với Quốc hội là hiện nay chúng ta hàng năm đều bố trí một phần ngân sách để thực hiện việc kiên cố hóa trường lớp học. Trong lúc đó chúng ta đối với giáo dục mầm non thì nó có một đặc thù là các cháu không thể đi xa quá thôn, ấp đấy được mà nó phải có trường ngay ở trong khu vực đấy thì thực hiện vấn đề đấy như thế nào, chế độ đãi ngộ với giáo viên mầm non như thế nào? kỳ họp thứ 4, thứ 5 cũng có nhiều đại biểu, trong đó có đại biểu Lê Văn Cuông đều nói là đãi ngộ của giáo viên mầm non hiện nay đang có vấn đề ở nhiều địa phương. Và đặc biệt đối với những tỉnh như tỉnh nghèo hàng năm phải nhận hỗ trợ của Trung ương để đảm bảo chi ngân sách thì việc thực hiện luật khi chúng ta đã thông qua luật, chính địa phương phải có trách nhiệm thực hiện thì cơ sở tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện luật như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và đề nghị Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo phải có cam kết lộ trình thực hiện không thì biểu quyết xong rồi các đồng chí quay trở lại nói với các địa phương là không thực hiện được thì chúng tôi cũng rất khó.

Vấn đề thứ hai, là quy trình Điều 50, Điều 51 thành lập trường đại học, cá nhân tôi quan niệm tách hai bước hay một bước không quan trọng. Vì cái quan trọng thứ nhất cá nhân tôi đề nghị đối với điều đó nếu cần các đồng chí xây dựng một nghị định để thể hiện trách nhiệm trong việc thành lập đấy và tôi ủng hộ việc đưa trách nhiệm đó giao cho đồng chí Bộ trưởng Bộ giáo dục. Ví dụ trong mấy ngày vừa qua dư luận báo chí đang nói nhiều về Trường đại học Phan Thiết không đủ cơ sở vật chất nhưng quyết định thành lập Trường đại học Phan Thiết theo Luật giáo dục sửa đổi năm 2005 do Thủ tướng Chính phủ ký. Tôi chưa thấy ai ở đây chất vấn Thủ tướng Chính phủ là chịu trách nhiệm như thế nào về việc đó.

Vì vậy, cho nên cần phải đưa một người cụ thể và quan điểm của tôi là Chính phủ lập chiến lược giáo dục, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch giáo dục trong đó có các quy hoạch của trường đại học và đồng chí Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ trước Quốc hội về việc tổ chức thực hiện quy hoạch và chiến lược đấy thì chúng ta mới có thể kiểm điểm được với nhau và lúc ấy nêu đồng chí Bộ trưởng sai thì Thủ tướng với tư cách là người điều hành cao nhất của cơ quan hành chính Nhà nước mới có các quyết định để khắc phục việc thực hiện sai như thế.

Báo cáo thêm với các đại biểu một chút về quá trình đấy, có đại biểu thì quy định là từ khi có quyết định thành lập đến lúc cấp phép hoạt động giáo dục quy định tối đa là 3 năm. Đề nghị các đại biểu cũng cân nhắc lại, bởi vì khi có giấy phép thì trường đại học đấy mới được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp đất. Nếu không có giấy phép thành lập trường thì không có quyết định giao đất. Từ khi giải phóng mặt bằng đến khi xây xong một cơ sở đào tạo như ban đầu không biết là 2 năm hay 3 năm có làm xong không? Đề nghị các đồng chí cân nhắc lại vấn đề đấy.

Riêng đối với các trường đại học trong các nghị định tôi đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm của Bộ giáo dục và đào tạo, của Ủy ban nhân dân tỉnh và các trường trong việc quản lý học sinh, trong việc phối hợp cùng với chính quyền địa phương để giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, bên cạnh việc giáo dục trong trường còn có các giáo dục của địa phương kết hợp lại và trách nhiệm mà điều chỉnh hoạt động hay như thế nào đấy thì cũng có sự phối hợp của địa phương.

Về kiểm định chất lượng giáo dục, tôi đề nghị nên phân biệt rõ kiểm định chất lượng giáo dục của cấp phổ thông hay cấp đại học. Bởi vì chất lượng giáo dục của đại học thì tiêu chí kiểm định phải khác. Ở một số nước trên thế giới khi đánh giá chất lượng của trường đại học thì người ta đánh giá thông qua chỉ tiêu là số việc làm của sinh viên tốt nghiệp tỷ lệ bao nhiêu làm được, tỷ lệ giáo sư, tiến sỹ ở đấy có bao nhiêu công trình khoa học được nghiên cứu, được công bố và được thế giới đồng thuận chứ không tính trên số lượng thuần của các giáo sư, tiến sĩ.

Tôi ủng hộ việc đối với các trường đại học có yếu tố nước ngoài cần phải có sự tham gia quản lý chặt chẽ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước hơn nữa của bộ để tránh tình trạng chúng ta bị nhập siêu, suất siêu trong việc đầu tư đào tạo. Xin hết.

Các văn bản liên quan