Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phú Thọ

Thứ Hai 09:31 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi xin nhất trí với sự cần thiết và quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Tôi xin tham gia một số nội dung cụ thể như sau.

Nội dung thứ nhất ở Điều 16 vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Tôi đề nghị bên cạnh việc quy định cụ thể vai trò của cán bộ quản lý giáo dục cần bổ sung thêm trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục. Trong dự thảo luật mới chỉ đề cập đến vai trò cán bộ quản lý giáo dục và phần trách nhiệm mới chỉ đề cập tập trung vào quy định trách nhiệm học tập, rèn luyện tự nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân, năng lực quản lý. Như vậy chưa đủ đề nghị cần bổ sung thêm trách nhiệm cán bộ quản lý giáo dục là phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục mình trực tiếp lãnh đạo quản lý.

Điều 35 về chương trình, giáo trình giáo dục nghề nghiệp. Tôi nhất trí giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề và quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình. Tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình sử dụng chung cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét lại, không nên phân cấp sớm cho hiệu trưởng nhà trường, giám đốc trung tâm dạy nghề và các trường trung cấp chuyên nghiệp xác định và biên soạn giáo trình cho mỗi trường. Thực chất ở hầu hết các trường, các trung tâm đó giáo viên đều không đủ năng lực để làm việc đó và sẽ làm mất đi tính chuẩn hóa trình độ lao động của đất nước ta.

Theo tôi việc biên soạn giáo trình giáo dục nghề nghiệp chỉ nên lựa chọn giao cho những trường thật sự có khả năng, năng lực và chất lượng cao, hoặc phải có một cơ quan nghiên cứu soạn thảo riêng. Còn các trường, các trung tâm dạy nghề nên quy định là có thẩm quyền lựa chọn, duyệt để sử dụng làm tài liệu giảng dạy học tập chính thức trong cơ sở của mình, như vậy phù hợp hơn trong điều kiện hiện nay.

Nội dung thứ ba, Khoản 1, Điều 51 về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học. Ở Điều 50, 51 tôi thấy các đại biểu trước tôi có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc trao thẩm quyền quyết định thành lập trường cho ai. Một bên có ý kiến giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, một bên có ý kiến là giao cho Thủ tướng Chính phủ. Theo tôi việc trao thẩm quyền quyết định thành lập cho Thủ tướng Chính phủ hay cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục theo tôi đều được cả. Điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết cái gốc, cái rễ hiện nay nó đang mắc và nó dẫn đến việc thực trạng thành lập trường đại học ồ ạt, không đảm bảo chất lượng như hiện nay. Chúng ta thấy rằng luật hiện hành thì vẫn quy định giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định và thành lập trường thì hiện nay chúng ta thấy cả nước chúng ta 376 trường cao đẳng, đại học thì trong đó có 81 trường ngoài công lập. Nhưng từ năm 2005 đến nay thì có 20 trường đại học, cao đẳng thành lập mới và nâng cấp chưa thực hiện đầy đủ cam kết thành lập trường, chưa có quy định nào bắt buộc phải kiểm tra thực tế các điều kiện cần thiết khi cho phép mở trường ngành đào tạo tuyển sinh. Chỉ kiểm tra qua hồ sơ v.v... Và chúng ta thấy rằng dư luận xã hội vừa rồi qua báo chí, thông tin đại chúng phản ánh thì thấy rằng chất lượng giảng dạy của các trường này có nhiều vấn đề phải xem xét. Chúng ta thấy rằng việc cấp phép thành lập một số trường rất dễ dãi, cơ sở vật chất không có hoặc thiếu, tạm bợ. Chúng ta thấy vừa rồi sáng hôm nay đài đưa tin thì chúng ta thấy rằng có những trường đại học dân lập gần khu sân vận động Mỹ Đình thì lịch học của sinh viên lại còn phụ thuộc vào lịch thi đấu của sân vận động này ảnh hưởng rất nhiều chất lượng học hành.

Chúng ta thấy rằng có những giáo sư, tiến sĩ phản đối việc có trường đại học họ chưa bước chân đến bao giờ nhưng tên mình thì lại có trong danh sách giảng viên của trường đại học đó. Chúng ta thấy rằng cái gốc rễ ở đây chính là việc lần này chúng ta sửa đổi luật thì ta phải quan tâm đến những quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập và tăng cường quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện, thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó chúng ta cũng phải quan tâm đến chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết trong đề án thành lập của trường và có chế tài mạnh để xử lý những cơ quan tham mưu và chịu trách nhiệm cấp phép thành lập trường trong khi chưa đủ điều kiện để gây hậu quả rất lớn cho xã hội như hiện nay.

Vấn đề thứ tư, Mục 2a, Điều 106a về kiểm định chất lượng giáo dục, những quy định trong dự thảo Luật đã rất cụ thể, rõ ràng rồi. Tuy nhiên, nếu để ngành giáo dục và cơ quan thẩm định thực hiện nội dung này thì tôi nghĩ khó đạt được kết quả như mong muốn. Tôi đề nghị nên bổ sung vào Mục 2a quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương phối hợp với ngành giáo dục làm tốt công tác kiểm soát chất lượng, giám sát việc mở trường, nâng cấp trường với những tiêu chí chất lượng chặt chẽ, tránh những tranh chấp hành chính sau này.

Bên cạnh những nội dung cụ thể mà tôi đã tham gia ở trên, tôi cũng đề nghị cơ quan soạn thảo Quốc hội cũng cần quan tâm thêm một số vấn đề để có thể bổ sung thêm Luật sửa đổi lần này đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ nhất, là vấn đề quản lý giáo dục cấp quốc gia, quản lý giáo dục cấp địa phương hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại bất cập mà Luật sửa đổi lần này cũng chưa giải quyết được. Đó là việc quản lý chồng chéo giữa bộ ngành về giáo dục như việc dạy nghề thì chúng ta thấy rằng chúng ta tách khỏi Bộ giáo dục và đào tạo đưa về Bộ Lao động, thương binh và xã hội, theo đánh giá của các chuyên gia của dư luận xã hội thì thấy rằng gây lãng phí nguồn nhân lực cho cả hai bộ, triển khai những công việc gần như nhau, làm cồng kềnh bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương, làm tăng đầu mối quản lý, gia tăng cạnh tranh, tranh thủ nguồn lực không lành mạnh giữa các nhà tài trợ nước ngoài cũng như trong nước. Về quy định Quốc hội Chính phủ cần xem xét và sớm quy định giao trách nhiệm cho một ngành. Rồi hiện tượng chồng chéo quản lý giáo dục ở địa phương, quản lý của các trường dạy nghề trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp ở các tỉnh thành như trường trung cấp chuyên nghiệp vẫn chịu sự quản lý của các sở ngành, các trường cao đẳng thì trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, một số trường lại trực thuộc sở giáo dục đào tạo. Điều này tạo ra sự hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả, việc đầu tư trở nên tốn kém, hiệu quả còn thấp. Thậm chí nhiều trường không tuyển sinh đủ theo chỉ tiêu, chất lượng đại học hạn chế không đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh, gây lãng phí về cơ sở vật chất nguồn nhân lực và tài chính. Vì vậy luật sửa đổi lần này cũng cần phải xem xét để sửa đổi và nâng cao hiệu lực quản lý giáo dục, muốn phát triển giáo dục cần có những bước đổi mới mạnh mẽ trong quy hoạch, mạng lưới các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. Tôi thấy nên nghiên cứu và gộp các loại hình trường này thành một loại hình trường cao đẳng và cao đẳng cộng đồng để đào tạo được điều kiện chúng ta về trình độ từ dạy nghề cho đến cao đẳng. Như vậy sẽ tạo điều kiện liên thông phân luồng và giảm sức ép đến các kỳ thi vào cao đẳng, đại học. Chúng ta thấy trên thực tế hiện nay người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, chúng ta đào tạo yêu cầu phải tốt nghiệp lớp 12 cộng thêm hai năm đi học trung cấp chuyên nghiệp nhưng ra trường hiện nay rất khó xin việc, nhưng ngược lại tốt nghiệp trung cấp nghề chúng ta thấy chỉ cần 9 năm học phổ thông, một năm học thêm để nâng cao trình độ cộng với hai năm học nghề ra trường sử dụng rất tốt. Cho nên tôi đề nghị chúng ta phải nghiên cứu lại mô hình này. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan