Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thuỵ – Bình Định

Thứ Hai 09:13 02-11-2009


Kính thưa Đoàn Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi nhất trí với một số nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Tuy nhiên, đối chiếu với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ đã nêu thì rõ ràng việc sửa đổi lần này chưa đáp ứng được mục đích đã đề ra. Có thể nói điều cốt lõi của mục tiêu giáo dục, đào tạo chính là dạy chữ, dạy nghề và dạy làm người. Do đó trước tiên theo tôi để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu trên cần phải sửa đổi Luật giáo dục một cách toàn diện hơn. Sau đây tôi xin góp ý một số vấn đề.

Thứ nhất, về chương trình giáo dục được quy định tại Điều 6 và chương trình giáo dục phổ thông sách giáo khoa ở Điều 29. Hiệu quả của chất lượng giáo dục phụ thuộc rất lớn vào chương trình giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay chương trình giáo dục kể cả phổ thông và giáo dục đại học còn rất nặng, thiên về dạy chữ là chính.

Việc kết hợp giữa nguyên lý "học đi đôi với hành", giáo dục thể chất gắn liền với giáo dục thẩm mỹ và đạo đức vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều trường chú trọng dạy ngoại ngữ hơn là dạy tiếng mẹ đẻ, nhất là ở bậc mầm non khu vực thành thị, các trường có yếu tố nước ngoài. Đây là vấn đề bức xúc không chỉ của giáo viên mà cả của phụ huynh học sinh, học sinh và toàn xã hội.

Việc Bộ giáo dục và đào tạo yêu cầu giáo viên phải tự nghiên cứu giảm tải, trong lúc Bộ là cơ quan quyết định chương trình giáo dục, nhiều nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều nói trên còn đang nặng tính chủ trương, quan điểm của Đảng. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn để khắc phục tình trạng trên.

Thứ hai, về chương trình giáo dục nghề nghiệp. Điều 35 của dự thảo luật quy định về thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước dạy nghề là chưa cụ thể. Tôi thống nhất với đại biểu Bé quy định thống nhất về một mối là Bộ lao động, thương binh và xã hội để đảm bảo tính thống nhất về quy hoạch chung trong đào tạo nghề và nâng cao tay nghề. Để vừa làm giảm bớt nhiệm vụ cho Bộ giáo dục và đào tạo tránh chồng chéo, lãng phí, hiệu quả không cao. Bộ giáo dục đào tạo tập trung làm chương trình, giáo trình, giáo dục hướng nghiệp.

Thứ tư, về chương trình, giáo trình giáo dục đại học ở Điều 41 tôi thống nhất với ý kiến của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng về quy định ngay trong luật tiêu chuẩn về chương trình giáo dục biên soạn sách giáo khoa, trách nhiệm cá nhân trong vấn đề này. Khoản 2, Điều 41 dự thảo Luật quy định giáo trình giáo dục đại học do hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học tổ chức biên soạn hoặc tổ chức lựa chọn như vậy là không hợp lý. Tôi đề nghị cần bổ sung thêm cụm từ "và cao đẳng" sau cụm từ "chương trình giáo dục đại học" như vậy quy định này được ghi "giáo trình giáo dục đại học và cao đẳng do hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học tổ chức biên soạn hoặc tổ chức lựa chọn". Tránh hiểu nhầm là hiệu trưởng trường cao đẳng cũng tổ chức biên soạn giáo trình đại học. Cũng ở điều này tôi băn khoăn hiện nay ở Việt Nam nhiều trường đại học không phải do Bộ giáo dục và đào tạo quản lý, nếu quy định giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quy định việc biên soạn lựa chọn, thẩm định duyệt và sử dụng giáo trình. Tổ chức biên soạn duyệt giáo trình sử dụng chung cho các trường đại học, trường cao đẳng sẽ là không phù hợp, hơn nữa Bộ giáo dục và đào tạo tôi nghĩ cũng không thể làm nổi. Do đó tôi đề nghị nên quy định mở là Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo chủ trì phối hợp với các bộ liên quan để làm những công việc đó nhằm bảo đảm tính thống nhất chung về chương trình, giáo trình giáo dục đại học và cao đẳng.

Thứ năm, về chương trình giáo dục mầm non dự thảo Luật lần này quy định bổ sung về phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, do đó tôi đề nghị bổ sung thêm vào Khoản 3, Điều 29 về quy định ban hành chương trình mầm non. Vì hiện nay đối với ngành học này có rất nhiều loại hình trường, mặt khác giáo viên, người quản lý trường có trình độ nhận thức khác nhau nên cần có một bộ giáo trình chuẩn phù hợp với nhiều vùng miền khác nhau do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành, để tránh việc sử dụng tùy tiện chương trình giáo dục dành cho lứa tuổi nền tảng của sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của con người.

Cuối cùng tôi đề nghị nên bổ sung một nội dung nữa để Quốc hội xem xét cho ý kiến về vấn đề này, đó là vấn đề chuyển đổi các loại hình trường. Hệ thống giáo dục quốc dân chỉ có 3 loại hình trường, trường công lập, trường tư thục, trường dân lập, nhưng thực tế ở nhiều địa phương còn duy trì trường bán công ở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Có nơi chuyển đổi trường bán công thành công lập tự chủ về tài chính và cho phép thu học phí cao hơn các trường công lập đại trà. Điều này tuy hợp lý nhưng không đúng với quy định của pháp luật hiện hành, vì vậy tôi đề nghị có những quy định cụ thể ngay trong luật. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan