Góp ý của đại biểu Nguyễn Trung Nhân – TP Cần Thơ

Thứ Tư 09:44 28-10-2009

Kính thưa Đoàn Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Về cơ bản tôi thống nhất với nội dung của dự thảo luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Theo gợi ý của Đoàn Thư ký kỳ họp, sau đây tôi xin được đóng góp vào dự thảo một số ý kiến, để khẳng định lại quan điểm của mình đối với dự thảo luật và Báo cáo giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Vấn đề thứ nhất, liên quan đến cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, tôi nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội là phải có cơ quan độc lập quản lý chuyên ngành về viễn thông. Về lý do trong Báo cáo thẩm tra đã nói rồi. Tôi nghĩ tổ chức này phù hợp với quy định của Tổ chức thương mại thế giới cũng như Liên minh viễn thông quốc tế ITU.

Ý kiến thứ hai, liên quan đến vấn đề quy định về cạnh tranh và phát triển thị trường viễn thông, tôi cũng nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia với tư cách là cơ quan đầu tiên thực hiện trách nhiệm về quản lý cạnh tranh trong việc thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông. Sau đó trên cơ sở này quy định về cạnh tranh thì Bộ Công thương tham gia về việc xử lý các vấn đề liên quan đến cạnh tranh.

Như vậy, tôi thấy rằng sự thống nhất trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, đảm bảo cho luật cạnh tranh được thực thi thì Bộ Công thương sẽ chủ trì nói chung, còn Bộ Thông tin truyền thông sẽ xem xét xử lý trong vấn đề liên quan đến chuyên ngành của mình.

Vấn đề thứ ba, tôi có ý kiến liên quan đến vấn đề về Qũy dịch vụ viễn thông công ích, tôi cũng nhất trí với dự thảo và thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghề và Môi trường thì nói rằng đồng ý phải có điều này để làm cơ sở đầu tư cho các khu vực khó khăn mà khi các công trình viễn thông hoặc là các dịch vụ viễn thông mà triển khai tại nơi đó lại không mang đến hiệu quả.

Vấn đề thứ tư, ý kiến liên quan đến khoản 3, đó là vấn đề bảo đảm quyền lợi người sử dụng viễn thông. Tôi thấy rằng hiện nay mạng viễn thông của chúng ta rất nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Đặc biệt là khâu truy cập mạng gây thiệt hại cho người sử dụng viễn thông. Các doanh nghiệp đã và đang đưa nhiều hình thức khuyến mại khác nhau về quảng cáo thu hút khách hàng để tranh giành khách hàng trên thị trường. Tuy nhiên chất lượng dịch vụ chưa bảo đảm và pháp luật hiện nay cũng chưa đủ biện pháp răn đe để bảo đảm các đơn vị này thực hiện đúng cam kết của mình. Do đó trong dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong viêc cung cấp dịch vụ cũng như vai trò quản lý Nhà nước trong việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Đặc biệt cần bổ sung thêm những điều quy định về biện pháp chế tài đủ mạnh để răn đe những đơn vị cung cấp dịch vụ mà cố tình vi phạm gây thiệt hại đến người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Ý kiến thứ năm liên quan đến Điều 58, trong đó quy định về Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất cho việc xây dựng các công trình viễn thông phục vụ an ninh quốc phòng. Ngoài ra được sử dụng làm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng. Tôi nghĩ rằng đối với cung cấp đủ địa điểm để xây dựng các công trình để đảm bảo an ninh, quốc phòng thì tôi đồng ý. Nhưng các doanh nghiệp yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh phải đảm bảo về cung cấp bố trí đủ đất cho các đơn vị này, tôi nghĩ rằng khó thực hiện ở thực tế. Vì hiện nay đất đai đã giao hết cho phần lớn người dân. Cho nên việc bố trí thì phụ thuộc vào việc thương lượng với người sử dụng đất đó nữa. Cho nên nếu quy định như vậy thì ràng buộc cho Ủy ban nhân dân các địa phương sẽ khó khăn cho việc triển khai thực tế.

Tiếp theo liên quan đến Điều 59, về quy định tổ chức cá nhân thiết kế triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông chỉ thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước viễn thông địa phương thôi. Tôi nghĩ rằng hiện nay việc quản lý rất nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông trên địa bàn mà chỉ thông báo thôi thì không có cơ sở để mà quản lý chặt chẽ các hoạt động viễn thông trên địa bàn. Bây giờ thực sự ra hiện nay theo quy định của Nhà nước thì các công trình viễn thông mới xây dựng cũng tính toán đến việc ngầm hóa hệ thống cáp ở các công trình viễn thông thụ động cũng phải xây dựng cho nó đảm bảo mỹ quan v.v... như vậy nếu mà cung cấp cho cơ quan quản lý chỉ làm thông báo thôi thì không đầy đủ và thực sự tôi đề nghị trong Điều 59 phải bổ sung thêm trong thiết kế là cần phải số hóa các bản đồ mà hiện nay ta ngầm hóa hệ thống cáp hay một số các thiết bị ở dưới đất khi mà mình xây dựng nhiều chồng lên đó nó rất khó quản lý trong thực tế. Cho nên cần phải số hóa bản đồ và cung cấp cho cơ quan quản lý địa phương để làm cơ sở quản lý cấp phép hay quản lý sau này, chứ còn anh chỉ thông báo thôi là chưa đầy đủ.

Ý cuối cùng, liên quan đến vấn đề sử dụng chung cơ sở hạ tầng ở Điều 60 và Điều 45 khi viễn thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì số lượng các nhà cung cấp dịch vụ gia tăng, hệ thống kỹ thuật phát sóng đáp ứng ngày càng nhiều thì việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng đảm bảo về tính kinh tế, hiệu quả như phân tích của thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tuy nhiên Luật viễn thông và Luật chuyên ngành trong khi quy định việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông như điện, cấp nước v.v... cần phải được điều chỉnh ở các luật khác nữa. Bởi vì thực sự Luật viễn thông cũng là luật chuyên ngành, vì tất cả những vấn đề đó còn liên quan rất nhiều luật khác như Luật xây dựng, Luật điện lực, Luật quy hoạch đô thị v.v...Cho nên cần phải xem xét điều chỉnh, chỉnh sửa luật này hoặc các văn bản dưới luật để đảm bảo việc thực thi nó hiệu quả. Đề nghị nên xem xét một cách toàn diện hơn các bộ luật khác để khi luật này triển khai thực tế thì các cơ quan thực thi có thể thực hiện tốt hơn. Xin các đồng chí chú ý như vậy, xin hết.

 

Các văn bản liên quan