Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Đức Mạnh – Bình Phước

Thứ Tư 16:34 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, chúng tôi ý thức được rằng việc ban hành Luật về an toàn thực phẩm là một đạo Luật hết sức quan trọng. Bởi vì trên thực tế điều rất hiển nhiên là bất kể chúng ta dù công tác ở đâu và sinh sống ở miền nào thì đều phải dùng thực phẩm để có thể duy trì được cuộc sống. Chính vì vậy, cho nên chúng tôi đồng tình với rất nhiều ý kiến đã phát biểu trước đây về các điều khoản dự án Luật này. Riêng tôi tham gia đóng góp vào dự án Luật này, tôi xin được phát biểu mấy ý kiến như sau:

Thứ nhất, chúng tôi nghĩ rằng trong dự án Luật này cần phải đề cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nhất là các hộ gia đình sản xuất kinh doanh thực phẩm. Bởi vì trên thực tế chúng ta biết hầu hết các nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta là từ các hộ gia đình, cá nhân từ người nông dân và chúng ta còn có hệ thống kinh doanh thực phẩm chủ yếu qua các chợ, các điểm kinh doanh nhỏ lẻ của người dân mà chúng ta chưa có hệ thống phân phối hiện đại. Chính vì vậy chúng tôi nghĩ trong dự án luật này thì bên cạnh khẳng định vai trò trách nhiệm của Nhà nước thì điều chúng tôi cảm nhận được đó là sự tham gia của người dân và vai trò của người dân từ người sản xuất đến người kinh doanh còn chưa được nhấn mạnh hoặc chưa được làm rõ. Cho nên, từ đấy thì chúng tôi rất đồng tình với ý kiến phát biểu trước tôi là cần phải đề cao vai trò của các hội nghề nghiệp, nhất là vai trò của người dân trong việc sản xuất kinh doanh. Ở đây chúng tôi nghĩ cần phải thiết kế thêm điều khoản quy định về trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện những hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trong việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi nhận thấy trong dự án luật này đã đề ra nhiều chế tài như thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi thiết nghĩ chúng ta cần phải mở rộng phạm vi các loại chế tài, cụ thể nhất là chúng ta cần phải công khai các cơ sở gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng ta có rất nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra nhưng qua mỗi đợt thanh tra, kiểm tra như vậy, khi có báo cáo chính thức cần phải công khai để người dân biết được những điểm kinh doanh nào là an toàn và điểm kinh doanh nào mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi nghĩ rằng dùng các biện pháp như vậy và thông qua thông tin truyền thông đại chúng thì không những nâng cao được ý thức của người dân, mà còn là biện pháp hữu hiệu để khuyến cáo các cơ sở sản xuất nào chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm phải điều chỉnh hành vi của mình, qua đó chúng ta dùng những biện pháp kinh tế để điều chỉnh những hành vi như vậy.

Một vấn đề nữa, trong biện pháp chế tài ở đây chúng tôi nghĩ rằng biện pháp hành chính là cần thiết, nhưng chúng ta cần phải tính đến có thể xử phạt nặng hơn, nhất là áp dụng những biện pháp quy trách nhiệm và những biện pháp về kinh tế, có thể xử phạt, thậm chí phải tính đến biện pháp đình chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong dự án luật này chúng ta chỉ nói biện pháp tạm đình chỉ, chúng tôi nghĩ đối với những cơ sở nghiêm trọng thì cần phải đình chỉ hoặc tước quyền kinh doanh của các cơ sở như vậy.

Về thức ăn đường phố, chúng tôi nghĩ đây cũng là vấn đề hiện nay đang là sự quan tâm của toàn xã hội. Cho đến nay nhiều hộ kinh doanh cá thể, người dân mưu sinh bằng việc mưu sinh trên đường phố. Bên cạnh đó chúng ta thấy nhu cầu của các thành phố lớn là cần lập lại trật tự, chỉnh trang đô thị và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi nghĩ cần giao nhiều quyền hạn hơn cho chính quyền đô thị, nhất là các phường để đảm bảo xác định điều kiện kinh doanh của các hộ kinh doanh ở đây.

Nếu quy định như luật này chúng tôi nghĩ chúng ta gây khó khăn cho các địa phương, những phường, những thành phố lớn trong việc chỉnh trang và bảo đảm vệ sinh, cảnh quan đô thị.

Về vấn đề kỹ thuật văn bản, chúng tôi thấy trong Chương III, Chương IV dự án luật này có nhiều điều khoản quy định về điều kiện. Như Chương III có tới 10 điều, Chương IV có 9 điều, trước mỗi điều chúng ta đều quy định điều kiện kinh doanh hoặc điều kiện được bảo đảm. Chúng ta cần tính toán lại và rà soát lại, trong nhiều trường hợp chúng tôi nhận thấy đây không phải điều kiện mà đây là yêu cầu bắt buộc, là những tiêu chuẩn tối thiểu mà cần phải đáp ứng.

Ví dụ điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm tươi sống ở Điều 11, chúng tôi nghĩ ở đây thực phẩm tươi sống bản thân của sản phẩm như vậy thì không có điều kiện gì cả, mà chính người sản xuất và kinh doanh mặt hàng ấy phải đáp ứng và bảo đảm điều kiện nhất định thì mới thể có quyền kinh doanh. Thành ra trong dự án luật này ở Chương III, Chương IV chúng tôi nghĩ rằng về mặt kỹ thuật lập pháp chúng ta phải rà soát lại để bảo đảm tính cụ thể và tính trong sáng của văn bản luật do Quốc hội ban hành. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan