Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt – Vĩnh Phúc

Thứ Tư 16:19 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đồng tình cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý vào dự thảo Luật an toàn thực phẩm của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Từ thực tế địa phương và kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực, đặc biệt ở địa phương. Bên cạnh đó việc phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra còn nhiều khó khăn, hạn chế. Chúng ta đều biết Cục vệ sinh an toàn thực phẩm mới được thành lập từ Trung ương và Chi cục ở các địa phương, vì mới nên còn thiếu, yếu và còn nhiều khó khăn là đương nhiên. Việc kiện toàn và xây dựng bộ máy chưa được quan tâm đúng mức.

Mặc khác, trước đó chúng ta đều có Ban chỉ đạo các cấp và có sự phối hợp, xác định rõ trách nhiệm của bộ máy quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương, ngành công an, thanh tra. Tôi thống nhất công tác thanh tra thì phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh tra và nên mạnh dạn quy định cụ thể hơn về thanh tra an toàn thực phẩm trong luật. Cần xem xét để sửa Luật thanh tra cho phù hợp hơn với thực tế hiện nay.

Thứ hai, về giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tôi ủng hộ việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên cần bổ sung quy định cụ thể hơn một số nhóm thực phẩm có nguy cơ cao thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cần có quy định để tránh tình trạng hình thức hóa việc cấp giấy chứng nhận và việc mặc nhiên cho rằng khi đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất kinh doanh trong suốt 5 năm. Theo cá nhân tôi nên để thời hạn là 3 năm.

Tôi đồng tình trong thời hạn được cấp giấy chứng nhận cần tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và mở hòm thư tố giác, nếu vi phạm thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng có quyền và kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đối với các cơ sở vi phạm.

Thứ ba, về phân công trách nhiệm của các bộ trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Tôi cho rằng công tác an toàn thực phẩm cần phải phối hợp đa ngành, luật quy định Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và quy định trách nhiệm của một số bộ, ngành liên quan là phù hợp. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và tôi đề nghị có quy định trách nhiệm của ngành công an, Bộ Khoa học và Công nghệ đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Thứ tư, về xã hội hóa công tác quản lý an toàn thực phẩm, dự thảo luật đã có bổ sung về vai trò của hội và hiệp hội trong công tác an toàn thực phẩm, tôi đề nghị cần quy định và phải có chính sách khuyến khích đầu tư rõ, cụ thể, thích đáng cho công tác an toàn thực phẩm trong việc tham gia công tác tuyên truyền giáo dục kiến thức, hiểu biết pháp luật về an toàn thực phẩm và tham gia trong quá trình cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Thực tế cách phân bổ mỗi tổ chức vài triệu hay vài chục triệu để tổ chức một vài lớp tập huấn như hiện nay hiệu quả chưa cao, hàng năm các cấp chính quyền cần quy định một khoản kinh phí nhất định cho công tác tuyên truyền giáo dục và công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Thứ năm, về quản lý đối với thực phẩm sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ, lẻ. Tôi cho rằng mọi cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm dù là cơ sở lớn hay nhỏ đều phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong luật cũng cần cũng tính đến việc phân cấp quản lý an toàn thực phẩm cho chính quyền các cấp thì mới có thể quản lý được đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn.

Thứ sáu, một số vấn đề khác cần quan tâm. Về vấn đề đóng phí, lệ phí của các đơn vị sản xuất kinh doanh tính theo doanh thu của các đơn vị để cho công tác thanh tra, kiểm tra như hiện nay tôi cho là không phù hợp và không kích thích được những đơn vị làm ăn tốt, sản phẩm có chất lượng lại thu cao. Nghị định của Chính phủ nên quy định các đơn vị đều có trách nhiệm trong việc sản xuất kinh doanh đóng phí, lệ phí cho công tác thanh tra, kiểm tra và phí bảo vệ môi trường. Dự thảo luật có 13 vấn đề giao cho Chính phủ quy định là quá nhiều, chúng ta cần cân nhắc để càng quy định cụ thể trong luật càng tốt. Đến hôm nay, cơ quan soạn thảo đã có 3 dự thảo Nghị định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tôi đề nghị Chính phủ cần tăng cường quan tâm chỉ đạo sớm để hoàn thiện Nghị định hướng dẫn thi hành, tránh tình trạng như một số luật đã có hiệu lực mà Chính phủ vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan