Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hoa – TP Hà Nội

Thứ Tư 16:18 02-06-2010

Kính thưa đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội.

Việc an toàn thực phẩm là việc phức tạp vì phạm vi điều chỉnh rộng, các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ở nước ta đa phần ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Việc quản lý có nhiều ngành, nhiều cấp cùng tham gia. Hơn nữa, đây là luật xây dựng trên Pháp lệnh "Vệ sinh an toàn thực phẩm với các nội dung rất sơ sài. Tôi đánh giá rất cao về tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì là Bộ Y tế và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các ngành, các cấp để chỉnh sửa cho phù hợp, sát với điều kiện thực tế hiện nay, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của các ngành, các cấp. Tuy nhiên, để hoàn thiện Luật, tôi có ý kiến để Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung như sau:

Điều 4, "chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm", Khoản 4 nêu: "thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng hệ thống thực hành nông nghiệp tốt GAP trong quá trình sản xuất". Tôi thấy quy định này không khả thi, vì sản xuất nông nghiệp của ta hiện nay là nhỏ lẻ, manh mún, trên 70% dân số là nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp. Quy định này không thể thực hiện được, hơn nữa bản chất của từ "áp dụng" chỉ có nghĩa là "khuyến khích" chứ không "bắt buộc". Theo tôi chỉ nên khuyến khích áp dụng hệ thống này vào để các tổ chức, cá nhân sản xuất tự công bố như Điều 6 đã quy định.

Khoản 2, Điều 10 nêu "đảm bảo truy xuất được nguồn gốc xuất xứ theo quy định" tại Điều 55 của luật, tôi thấy nghĩa này không đúng với Điều 55 vì Điều 55 không phải là quy định về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, mà Điều 55 quy định về "thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không đảm bảo" có thể theo Điều 54 thì phù hợp hơn.

Điều 10, Khoản 3 quy định, chứng nhận sản phẩm an toàn đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật theo quy định của Pháp lệnh bảo vệ thực vật. Tôi thấy trong Pháp lệnh bảo vệ thực vật không quy định nội dung này. Trong thực tế, cơ quan Nhà nước không thể chứng nhận cho sản phẩm thực vật an toàn khi đưa ra lưu thông trên thị trường, mà chỉ nên chứng nhận cơ sở sản xuất đó có đủ điều kiện đảm bảo thực phẩm an toàn hoặc chứng nhận công bố các chỉ tiêu an toàn của các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm đó như Điều 6 đã quy định.

Người sản xuất, người kinh doanh phải tự chịu trách nhiệm về sản phẩm không an toàn theo quy định của pháp luật.

Điều 15, Khoản 1, Tiết b nêu: "có đủ nước sạch phục vụ cho sản xuất, sơ chế, chế biến kinh doanh thực phẩm" theo tôi nên thay từ "đủ nước sạch" bằng "đủ nước đạt tiêu chuẩn theo quy định". Vì mỗi loại hình sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm cần có tiêu chuẩn nước ở cấp độ khác nhau. Trong chế biến thực phẩm thì cần nước sạch, nhưng trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là trong trồng trọt chỉ cần nước đạt tiêu chuẩn theo quy định về lý hóa vi sinh vật, chỉ tiêu này sẽ do Bộ nông nghiệp quy định.

Về Điều 66, khoản 1, có nêu "thanh tra an toàn thực phẩm là thanh tra chuyên ngành" việc tổ chức bộ máy thanh tra chuyên ngành do Bộ y tế, do ngành y tế, ngành nông nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Tôi nghĩ để quản lý lĩnh vực này cần thanh tra chuyên ngành của rất nhiều ngành như nông nghiệp, y tế, công thương trong mỗi ngành lại có nhiều chuyên ngành riêng. Ví dụ nông nghiệp có thanh tra quản lý chất lượng, thanh tra thú y, thanh tra bảo vệ thực vật đều liên quan trực tiếp đến quản lý an toàn thực phẩm ở từng công đoạn để huy động tất cả các lực lượng theo chuyên môn trong từng ngành của từng công đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh và lưu thông trên thị trường, có trách nhiệm trong từng lĩnh vực mình quản lý. Tôi đề nghị sửa khoản này "thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm gồm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và thanh tra chuyên ngành khác có liên quan đến an toàn thực phẩm".

Về bộ máy tổ chức, theo tôi không nên giao cho từng ngành quy định mà nên giao cho Chính phủ quy định, để đảm bảo tính thống nhất vừa có sự phân rõ chức năng nhiệm vụ của từng ngành, vừa đảm bảo tính phối hợp không bị chồng chéo về chức năng nhiệm vụ và tất nhiên cũng phải tuân theo Luật thanh tra.

Về Điều 6, Khoản 3 có quy định "mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính" được ấn định bằng ít nhất thực phẩm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá 7 lần giá trị hàng hóa đã vi phạm đã tiêu thụ. Tôi nghĩ mức phạt này đối với thực phẩm đã tiêu thụ là thấp, nhất là thực phẩm tươi sống có giá trị rất thấp, nếu chúng ta phạt bằng giá trị hoặc 7 lần thì tôi nghĩ mức phạt với rau, củ, quả và các sản phẩm tươi sống hàng ngày tôi thấy không đủ tính răn đe.

Tôi đề nghị phân theo nhóm số lượng. Ví dụ, chúng ta nên phân dưới 10kg hoặc mức thứ hai từ 10-50, mức thứ ba có thể từ 50-100 hoặc trên 100. Vấn đề phân rõ này ở Pháp lệnh bảo vệ thực vật, Nghị định 26 của Chính phủ đã phân rõ để phạt thuốc bảo vệ thực vật tôi thấy rất phù hợp. Mặt khác, nếu căn cứ thực phẩm đã tiêu thụ mới xử phạt thì cũng rất khó có thể phạt được vì 2 lý do:

Thứ nhất, đa phần các sản phẩm sai phạm trong an toàn thực phẩm thường phát hiện thấy ở những cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ, không có hóa đơn hàng hóa, hoặc nếu có thì họ lẩn, không ghi các loại thực phẩm sai phạm. Như vậy không thể xác định được số lượng họ đã tiêu thụ.

Thứ hai, nếu phát hiện thấy sản phẩm không an toàn bày trên quầy, nhưng người ta lý giải tôi chưa bán được ít nào có nghĩa là chưa tiêu thụ được thì có phạt không? Nếu phạt thì căn cứ vào quy định nào? Đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu, chỉnh sửa cho chặt chẽ hơn.

Ngoài ra đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét tất cả các điều và chỉnh sửa một số lỗi kỹ thuật thuộc về từ ngữ. Ví dụ thay từ "động viên" bằng từ "khuyến khích" trong Khoản 6, Điều 64, hoặc bỏ từ "phải" trong tiết b, Khoản 2, Điều 36 quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm v.v... Trên đây là một số ý kiến tôi xin góp ý với Quốc hội. Xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan