Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Hương – Bình Định

Thứ Tư 16:15 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Tôi nhận thấy dự thảo Luật an toàn thực phẩm trình Quốc hội thông qua kỳ họp này khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, có một số điểm tôi xin tham gia thảo luận như sau:

Một, về nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm Khoản 5 Điều 3 ghi "Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm là phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ". Tôi thấy khó hiểu về nguyên tắc này. Theo tôi, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm mục đích quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe, vốn quý nhất của mỗi con người. Nghị quyết Trung ương Đảng cũng có ghi: "Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe là đầu tư cho sự phát triển". Để đảm bảo an toàn thực phẩm, thậm chí cần phải lựa chọn, hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt và ưu tiên giải quyết một số vấn đề xã hội. Lâu nay công tác an toàn thực phẩm của chúng ta còn nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do chúng ta đang quá nặng về phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức tới việc bảo vệ chăm sóc sức khỏa trước mắt cũng như lâu dài cho nhân dân. Nếu cứ tiếp tục quan điểm này, thì hậu quả về sức khỏe sẽ thật khó lường. Vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại nguyên tắc này.

Hai, về nguyên tắc quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm về chính sách Nhà nước. Khoản 1 và Khoản 4 Điều 4 có ghi "chính sách Nhà nước về an toàn thực phẩm là xây dựng chiến lược, chương trình quốc gia về đảm bảo an toàn thực phẩm, quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm được xác định là nhiệm vụ ưu tiên". Thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng hệ thống thực hành sản xuất tốt, thực hành nông nghiệp tốt, thực hành vệ sinh tốt, phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm giới hạn của các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác trong quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm. Điều 65 cũng đã ghi trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp là xây dựng quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn để đảm bảo quản lý được thực hiện trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm. Các quy định trên là rất hay và rất đúng, nhưng lại chưa chỉ rõ bộ ngành nào và khi nào các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các cấp sẽ thực hiện". Tôi được biết việc xây dựng và triển khai, thực hiện các chính sách đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Sự phân cấp đầu tư nguồn lực, kỹ thuật khá lớn, nếu không có sự quan tâm, chỉ đạo kiên quyết của các ngành chức năng, sự quyết tâm của các cấp chính quyền và toàn xã hội thì rất khó thực hiện. Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo luật phải quy định rõ thời gian, lộ trình, trách nhiệm các bộ, ngành liên quan và nguồn lực để nhà nước thực hiện các chính sách đã nêu trên, làm cơ sở để nhân dân, Quốc hội theo dõi, giám sát, triển khai việc thực thi luật này. Quan trọng hơn cả là sớm đưa luật vào cuộc sống để người dân sớm được bảo vệ, tránh được các nguy cơ mất an toàn thực phẩm hiện nay, điều mà cử tri và đại biểu Quốc hội rất kỳ vọng ở dự án luật này.

Ba, về ghi nhãn thực phẩm, Điều 44 của dự thảo luật quy định: "thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam phải thực hiện ghi nhãn sản phẩm". Quy định này có nghĩa nếu thực phẩm không bao gói sẵn thì không cần ghi nhãn, tôi cho rằng việc ghi nhãn ngoài tác dụng cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm còn là cơ sở quan trọng để truy tìm nguồn gốc sản phẩm.

Trong thời gian vừa qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân, ngành y tế đã rất vất vả xử lý, cứu sống, khôi phục sức khỏe cho nạn nhân bị ngộ độc, sau đó lại tốn nhiều công sức, kinh phí để điều tra dịch tễ học, xét nghiệm, các định nguyên nhân ngộ độc nhằm xử lý và hạn chế các vụ ngộ độc tiếp theo. Tuy nhiên, khi nguyên nhân được xác định là do rau quả hay thực phẩm tươi sống mua ở chợ bị ô nhiễm thì quá trình điều tra, giải quyết dường như lại bị bế tắc vì thực phẩm tươi sống bày bán ở chợ thường không xác định được nguồn gốc sản xuất tại đâu.

Điều 11 của dự luật đã ghi: nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thực phẩm tươi sống là đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, như vậy không thể chỉ quy định thực phẩm bao gói sẵn phải ghi nhãn mà phải từng bước tiến tới thực hiện một công việc rất quan trọng là tất cả các thực phẩm đều phải có nhãn mác để xác định nguồn gốc. Đây là một việc khó nhưng không phải là không thực hiện được, tùy sản phẩm mà nhãn mác sản phẩm sẽ có nội dung và cách thể hiện khác nhau. Việc quy định ghi nhãn mác sản phẩm tạo điều kiện cho người tiêu dùng đánh giá lựa chọn thực phẩm an toàn cho chính mình, nâng cao trách nhiệm của những người trực tiếp nuôi trồng, chế biến thực phẩm, thanh lọc, loại bỏ dần những hành vi cố ý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo luật quy định tất cả thực phẩm đã lưu thông trên thị trường phải có nhãn mác, đồng thời giao cơ quan chức năng xây dựng lộ trình phù hợp với chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm và hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Cuối cùng, về thực phẩm chức năng, Khoản 3, Điều 15 quy định: "thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả và công dụng sản phẩm". Quy định này nếu không làm rõ sẽ dẫn đến sự hiểu lầm của người tiêu dùng. Trong thực tế, việc đánh giá thử nghiệm hiệu quả là công việc rất khó khăn, do điều kiện khoa học, kỹ thuật còn hạn chế, ngay cả đối với thuốc chữa bệnh hiện nay hầu như rất ít sản phẩm trong nước được thử nghiệm lâm sàng. Đối vối thực phẩm chức năng, việc triển khai đánh giá hiệu quả càng khó khăn hơn. Nếu chúng ta quy định không rõ ràng thì trong thực tế hướng dẫn việc thực hiện điều này có thể sẽ quy định trong hồ sơ đăng ký lưu hành thực phẩm chức năng phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả. Nhưng thực tế đó chỉ là những báo cáo sơ sài không phản ánh đúng hiệu quả thực.

Trong khi đó, một số cơ sở sản xuất kinh doanh có thể vận dụng điều này để quảng cáo và làm cho người tiêu dùng tin rằng thực phẩm chức năng của họ rất có hiệu quả vì đã được thử nghiệm, đánh giá hiệu quả theo quy định của luật.

Vì vậy, tôi đề nghị cần làm rõ "báo cáo thử nghiệm hiệu quả" là báo cáo như thế nào? có được khẳng định một cách khoa học hay chưa? Nếu chưa khả thi trong thực tiễn thì nên bỏ quy định này và thay thế vào một quy định khác phù hợp thực tiễn hơn. Xin hết ý kiến.

Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan