Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngoan – Ninh Bình

Thứ Tư 16:14 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo Luật an toàn thực phẩm, các tài liệu liên quan đến dự thảo luật và nghe Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về cơ bản tôi nhất trí cao với nội dung của dự thảo luật lần này. Tuy nhiên trên cơ sở gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp và một số ý kiến, tôi xin được đóng góp vào dự thảo luật như sau:

Thứ nhất, Khoản 2, Điều 31 về điều kiện đối với vị trí kinh doanh thức ăn đường phố quy định "phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố". Điều 33 dự thảo luật quy định "Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn" do đó vị trí kinh doanh sẽ được bố trí quy hoạch theo sự quản lý của địa phương, nếu ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố thì Ủy ban nhân dân có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm giải quyết. Theo tôi Khoản 2, Điều 31 sửa lại như sau: "phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ về vị trí theo quy định của chính quyền địa phương".

Thứ hai, về quy định trách nhiệm của các bộ và Ủy ban nhân dân các cấp ở Điều 62, 63, 64, 65. Dự thảo luật lần này đã nêu rõ được trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân các cấp nhưng theo tôi cần bổ sung thêm chức năng quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Khoa học và Công nghệ, bởi vì trong thực tế thì bộ này đã tham gia vào quá trình quản lý an toàn thực phẩm khá tốt. Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện nhiệm vụ xét tặng giải thưởng chất lượng quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng về thực phẩm. Bộ này cũng xây dựng các quy chế phối hợp tổ chức, thanh tra, kiểm tra của từng bộ, ngành. Ngoài ra bộ này còn có hệ thống Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Cục quản lý chất lượng, hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng đủ năng lực kể cả lực lượng thanh tra chuyên ngành. Vì vậy chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét đưa thêm Bộ Khoa học và Công nghệ vào Chương X, Mục 1 là trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Ngoài ý kiến của Đoàn thư ký kỳ họp, tôi có thêm một số ý kiến về một số điều luật cụ thể như sau:

Điều 6, quy định "xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm", tại Khoản 1 quy định "tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tùy theo tính chất mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự". Khoản 2 cũng đề cập đến trách nhiệm xử lý kỷ luật, tôi cho dự thảo luật cần bỏ hình thức xử lý kỷ luật vì hình thức xử lý kỷ luật áp dụng với đối tượng là tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không phù hợp và cũng không hiệu quả. Khoản này chỉ nên quy định bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự là đủ.

Về hành vi, hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính như thế nào ở Khoản 4 của điều luật đã nêu và do Chính phủ quy định.

Điều 5, quy định về "những hành vi nghiêm cấm" trong đó quy định 15 nhóm hành vi liên quan đến sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhưng trên thực tế trong khâu vận chuyển, lưu trữ thực phẩm chứa đựng sự không an toàn của thực phẩm. Việc lưu trữ, vận chuyển cũng đòi hỏi chủ thể của việc này phải biết lưu trữ, vận chuyển thực phẩm gì, có an toàn hay không để chủ thể lưu trữ, vận chuyển có trách nhiệm trong việc vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, tôi đề nghị cần bổ sung thêm những hành vi là: lưu trữ, vận chuyển thực phẩm không an toàn vào Điều 5 của dự thảo luật. Ngoài ra hiện nay có nhiều trường hợp những cơ sở sản xuất sử dụng hóa chất, các loại thuốc kích thích để hỗ trợ trong trồng trọt và chăn nuôi. Những sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi sử dụng hóa chất, chất kích thích ảnh hưởng đến sự an toàn của thực phẩm, thậm chí có thể gây độc hại mất an toàn về lâu dài. Do vậy tôi cũng đề nghị cần bổ sung thêm hành vi là cấm sử dụng thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc để sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt vào Điều 5 của dự thảo luật.

Khoản 2, Điều 58, quy định thứ tự ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm. Trong đó người tiêu dùng thực phẩm có thứ tự ưu tiên cuối cùng, theo tôi cần đưa đối tượng này lên thứ tự ưu tiên đầu tiên. Bởi vì khi người tiêu dùng thực phẩm được tiếp cận thông tin, được giáo dục tuyên truyền tốt về an toàn thực phẩm sẽ có ý thức trong việc lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm có thương hiệu. Vì vậy nhà sản xuất muốn cạnh tranh, muốn có thương hiệu để bán sản phẩm sẽ phải chủ động và có trách nhiệm trong việc sản xuất các sản phẩm của mình.

Trên đây là môt số ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan