Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận Hội nghị

Thứ Sáu 10:32 06-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Kết thúc phiên thảo luận sáng nay có 26 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu ý kiến, tôi xin có một số ý kiến kết thúc phiên thảo luận này.

Trước hết nói về một số vấn đề chung, trong Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định các loại thuế hay trong nghề thì gọi là quyết định các sắc thuế, ví dụ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, còn thuế suất thì tùy từng sắc thuế theo thời gian, trong điều kiện cụ thể, đặc thù của nước ta đang trong quá trình chuyển đổi và ngày càng hội nhập sâu vào đời sống kinh tế quốc tế thì trong thời gian vừa qua thể hiện dưới 3 hình thức phân theo thẩm quyền, phù hợp với đặc thù của nước ta.

Thứ nhất, trong luật có những loại sắc thuế Quốc hội quyết định thuế suất cụ thể, có loại trong luật Quốc hội quyết định khung thuế suất, có loại Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh hoặc nghị quyết. Trong pháp lệnh, nghị quyết này Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành khung thuế suất, còn thuế suất cụ thể trong khung mà Quốc hội đã quyết định hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định thì trong thời gian vừa qua chủ yếu giao cho Chính phủ để đảm bảo điều hành linh hoạt hơn. Cũng giống như Quốc hội chỉ quy định các hình thức khen thưởng như danh hiệu anh hùng, huân chương sao vàng, huân chương độc lập, huân chương Hồ Chí Minh, huân chương lao động v v...còn quyết định khen thưởng cho ai là Chủ tịch nước, các tiêu chí như thế nào để đạt được các hình thức khen thưởng đó thì theo một quy trình mà Chính phủ quy định hoặc là Chủ tịch nước có chủ định. Chỗ này cũng có sự khác nhau hiểu cho rõ hơn xoay quanh vấn đề quy định về quyền quyết định về thuế và vận dụng cụ thể trong điều kiện của nước ta trong việc quy định về chính sách thuế và khen thưởng.

Ý thứ hai Chủ tọa phiên họp sẽ chỉ đạo Đoàn thư ký và các cơ quan hữu quan sẽ tổng hợp và nghiên cứu một cách đầy đủ tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật này. Một số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội còn băn khoăn ở điểm này, điểm kia thì theo chúng tôi suy nghĩ cũng có thể sẽ có cách xử lý được hoặc thể hiện ở trong luật, hoặc thể hiện trong Nghị định của Chính phủ. Và đã như thế thì các cơ quan hữu quan sẽ tập trung để tiếp thu hoàn chỉnh dự án Luật này để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Đi vào một số vấn đề cụ thể, một là về đối tượng chịu thuế thì các vị đại biểu Quốc hội cũng thống nhất một nguyên tắc là đối với tài nguyên nào mà xác định rõ thì đưa vào trong đối tượng chịu thuế, tài nguyên nào mà chưa xác định được rõ thì đưa ra không quy định vào trong luật, cụ thể Khoản 8, Điều 2. Trong trường hợp nếu cần duy trì Khoản 8, Điều 2 thì Quốc hội ủy quyền và giao quyền này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ phù hợp với việc điều hành của Chính phủ với tình hình diễn biến thực tế phù hợp với điều kiện của Quốc hội trong một năm chỉ họp có hai kỳ.

Vấn đề thứ hai, phân định nhóm tài nguyên thì nói chung các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc chia thành 8 nhóm lớn nhưng mà trong mỗi một nhóm lớn này cần phải chia nhỏ ra thành nhiều kiểu nhóm và mỗi một kiểu nhóm nên có tiêu chí để xếp các loại tài nguyên nó vào trong một kiểu nhóm nó phù hợp.

Vấn đề thứ ba, về căn cứ tính thuế là sản lượng thực tế khai thác thì khó nhất trong trường hợp ví dụ như một loại quặng mà trong đó có chứa nhiều loại tài nguyên khác nhau trong đó có sắt, chì, kẽm, vàng v.v... khó nhất là xác định, nó phải qua giai đoạn gọi là sàng tuyển lọc chế biến sau này thì lúc đó mới có thể xác định được. Trong quá trình nghiên cứu để có cách nào mà thu được, thu đúng, tránh việc lợi dụng sơ hở để trốn lậu thuế.

Về căn cứ tính thuế là giá thì nguyên tắc theo thị trường. Về khung thuế suất thì các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị rà lại để khung hẹp lại, còn hẹp rộng có phân biệt theo từng nhóm của tài nguyên, đặc biệt chú ý kể cả sàn và trần trong khung này cho hợp lý. Đối với thuế suất cụ thể thì ý kiến chung của các đại biểu Quốc hội là Quốc hội sẽ giao ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ vì đối với thuế này thì tính cấp bách đòi hỏi phải thay đổi thường xuyên vì nó khác thuế xuất nhập khẩu, nó ổn định hơn mà định kỳ hàng tháng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn họp, ý kiến chung là giao thẩm quyền này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là Quốc hội giao thì Thường vụ mới có quyền này, còn không giao thì thôi, nhưng tinh thần chung là Quốc hội đồng ý là giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ tư, về thuế suất cụ thể thì chúng ta thống nhất một nguyên tắc là đối với tài nguyên không tái tạo được thì thuế suất phải cao hơn là tài nguyên tái tạo được. Đối với miễn giảm thuế thì Khoản 2, Điều 10 ý kiến chung và Bộ Trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ cũng tiếp thu là đưa vào đối tượng không chịu thuế. Đối với Khoản 6, Điều 10 sẽ tính thêm đặc biệt là xem thêm về khổ cuối cùng, khổ vét về thẩm quyền giao cho Thủ tướng Chính phủ cũng theo hướng là giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ.

Thứ năm, về kê khai nộp thuế, đây là một hành vi điều chỉnh bởi Luật quản lý thuế, luật này chỉ quy định về thuế. Cho nên đề nghị Chính phủ nghiên cứu nếu thấy cần phải sửa một số vấn đề khác cùng với cụ thể hoá minh bạch về quy trình thủ tục, kê khai nộp thuế nó thuộc nội dung của quản lý thuế thì sẽ nghiên cứu để trình với Quốc hội xem xét để có thể sửa Luật quản lý thuế với tinh thần đảm bảo công bằng giữa tất cả chủ thể các loại hình, còn những gì đặc thù cũng thể hiện trong quy định của pháp luật.

Thứ sáu, xoay quanh vấn đề về kỹ thuật, trong đó có Khoản 3, Điều 11 và một số điều khoản quy định khác, đề nghị các đồng chí lưu ý để có thể có cách diễn đạt dễ hiểu hơn, phù hợp với người Việt Nam.

Cuối cùng, đối với dự thảo, Nghị định hướng dẫn quy định luật này, đề nghị Chính phủ rà lại để điều chỉnh cho phù hợp với nội dung đã tiếp thu, chỉnh lý hoàn chỉnh dự thảo luật khi trình với Quốc hội thông qua tại phiên họp sau. Còn đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường kỳ này chỉ mang tính ước lệ bởi vì chỉ trình Quốc hội khung thôi cho nên chỉ đánh giá tác động ở môi trường nhất định nào đó, còn khi quyết định một thuế suất cụ thể thì nó sẽ ra một con số rất cụ thể về tăng thuế, giảm thuế hay giữ thuế thì lúc đó báo cáo về tác động của thuế này mới có con số cụ thể, còn bây giờ mới trình khung nên có báo cáo tác động gắn với một đặc thù khung theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đó là một số vấn đề chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội. Sau phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tiếp thu để trình lên Quốc hội thông qua tại phiên họp sau. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan