Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Thái Bình

Thứ Sáu 10:29 06-11-2009


Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản tôi cũng nhất trí với dự thảo Luật thuế tài nguyên. Sau đây tôi xin phát biểu thêm 3 ý:

Ý thứ nhất tại Điểm 4, Điều 2 quy định về đối tượng chịu thuế, theo tôi cần phải làm rõ những khái niệm về khí than, trong luật thì để giúp cho các điều kiện sau này quy định rõ hơn. Trước hết theo tôi trong khí than có hai loại: Một loại là khí trong than thì do việc chúng ta khai thác khí trong lòng vỉa than có, thì công nghệ chỉ khoan mà hút thôi thì việc khai thác chi phí nó đỡ hơn. Nhưng khí trong than mà do quá trình chúng ta phải hóa khí than ngầm để mà đưa than lên để xử lý, thì đây là cả quá trình sử dụng công nghệ rất đặc biệt mà rất phức tạp, cho nên đòi hỏi chi phí rất lớn, việc này tôi cho là phải có quy định riêng và vấn đề này sau này lâu dài đây là nguồn năng lượng chủ yếu mà sau khi bể than, sau khi than Quảng Ninh nó hết rồi, đóng cửa vào năm 2020 thì đương nhiên như vậy việc khai thác than này ra về cơ bản phải có quy định cụ thể.

Thứ hai, về Điều 8, về thuế suất, đối với một số loại tài nguyên theo tôi căn cứ giá trị tính thuế phải được tính toán mà sau khi trừ đi các chi phí do việc làm sạch tài nguyên, làm sạch môi trường như một số đại biểu có ý kiến. Ví dụ như than mà chúng ta quy định thuế suất từ 1 đến 3%, nhưng nếu chúng ta chỉ quy định trên cơ sở sản lượng ứng dụng như 5.000.000/m3/1 ngày thì 1% hay trên 10.000.000m3/1 ngày thì quy định 8-10% v.v... theo tôi vấn đề này quy định theo giá mà trên cơ sở giá sau khi đã trừ đi các xử lý. Ví dụ như than chúng ta phải xử lý có hai loại, loại xử lý dùng ô xy mà nén xuống thì chất lượng khí tốt hơn, giá trị cao hơn hay loại than mà chúng ta sử dụng khí tự nhiên nén xuống thì giá trị than nó khác đi, như vậy có loại khác nhau thì chính xác hơn.

Thứ ba, sau khi than xử lý xong thì chúng ta phải xử lý CO2 là khí nóng nó độc hại ảnh hưởng tới môi trường của chúng ta thì phải trừ chi phí này đi rồi ta mới đánh thuế , như vậy chúng ta phải có lộ trình, phải có quy định nó cụ thể hơn.

Thứ tư, về khai thác nước nóng thì trong quy định thuế suất 5-10%, theo tôi có hai loại:

Một loại nước nóng ta dùng cho việc sinh hoạt dịch vụ như tắm, Resort thì theo tôi cái đó có thể từ 5 đến 10%.

Nhưng loại nước nóng mà dùng để chạy phát điện, theo tôi đó là công nghệ sạch, chúng ta nên cần khuyến khích việc này và đây là việc tái tạo hết sức tốt cho việc môi trường của chúng ta và hai nữa chúng ta vừa lại có sản lượng điện thì tôi cho rằng áp dụng thuế suất có thể bằng 0 và cùng lắm có thể 1%. Khuyến khích sử dụng năng lượng này tốt hơn chứ không nên gói cả sử dụng nước nóng làm sinh hoạt, tắm rửa với ông nước nóng để dùng điện bằng nhau thì không nên.

Thứ năm, về miễn giảm thuế tôi đề nghị trong này riêng đối với bể than đồng bằng Sông Hồng là bể than rất lớn trữ lượng 210 tỷ tấn. Vừa qua một tập tư vấn của Nhật Bản sang khẳng định trữ lượng này tính ra nó gấp khoảng độ 20 lần than Quảng Ninh. Tôi đề nghị là trong khai thác than thì biết rồi khai thác từ Pháp tới giờ mà bây giờ vẫn còn. Đây là một trữ lượng rất lớn chúng tôi đề nghị cái này cần phải có khai thác thử nghiệm, vì đây nó ở độ sâu từ 600 - 1.200 m, cho nên đòi hỏi mình có một công nghệ rất đặc biệt để làm sao khai thác nhưng không ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, không ảnh hưởng tới việc sản xuất nông nghiệp bên trên mặt đất này. Như vậy phải có một thử nghiệm, thử nghiệm thì theo tôi không nên tính thuế vội, ta muốn lâu dài và an toàn thì ta phải chọn bài toán làm sao cho nó tốt, xử lý công nghệ nào chọn những gì cho nó đảm bảo được. Thì theo tôi đề nghị là trong miễn giảm của Điều 10, đề nghị đưa vào là miễn việc khai thác thử nghiệm của bể than đồng bằng sông Hồng. Tôi xin hết.

 

Các văn bản liên quan