Góp ý của ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam

Thứ Ba 14:46 13-10-2009
(TBKTSG) - Theo kế hoạch, dự thảo Luật Thuế tài nguyên sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 sắp tới. Để có thể thông qua dự thảo này, người viết thấy rằng còn một số vấn đề cần được nghiên cứu thêm.

Về đối tượng chịu thuế

Câu hỏi cần làm rõ là đối tượng chịu thuế tài nguyên là tài nguyên hay việc khai thác tài nguyên? Tài nguyên là của quốc gia, nếu tài nguyên vẫn đang trong dạng tiềm năng thì không thể đánh thuế. Do đó, đối tượng chịu thuế tài nguyên phải là việc khai thác tài nguyên. Điều đó có nghĩa là, bất kỳ một hành vi nào là khai thác tài nguyên dù với mục đích gì cũng là đối tượng chịu thuế. Do đó, xin đề nghị sửa lại tên của dự luật là Luật Thuế khai thác tài nguyên. Từ đó, điều 2 của dự thảo luật trước hết phải khẳng định: đối tượng chịu thuế khai thác tài nguyên là việc khai thác tài nguyên quốc gia, bao gồm cả tài nguyên hữu hình và tài nguyên vô hình. Tài nguyên hữu hình gồm các loại khoáng sản, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, sản phẩm rừng, sản phẩm của biển, nước thiên nhiên. Tài nguyên vô hình gồm: không khí, gió, kho số, tần số, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thiên nhiên...

Về giải thích từ ngữ

Điều 4 của dự thảo luật chỉ giải thích hai cụm từ là “điểm giao nhận” và “yến sào”. Như vậy, còn thiếu rất nhiều cụm từ mang tính chuyên ngành, cần giải thích để có cách hiểu thống nhất khi thi hành luật. Xin đề nghị giải thích thêm ít nhất những cụm từ sau: tài nguyên; tài nguyên thiên nhiên; tài nguyên không tái tạo; tài nguyên tái tạo; khoáng sản; khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; khí thiên nhiên; sản phẩm rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên; tài nguyên vô hình...

Về căn cứ tính thuế

Điều 5 của dự thảo luật quy định căn cứ tính thuế là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác, giá tính thuế và thuế suất.

Việc tính thuế theo những căn cứ nêu trên đã được áp dụng trong thực tế theo Pháp lệnh thuế tài nguyên năm 1998 và Pháp lệnh sửa đổi năm 2008.

Cách tính thuế nêu trên có ưu điểm là mức thuế biến động theo sự biến động của giá bán các tài nguyên trên thị trường. Tuy nhiên, cách xác định thuế như trên đã bộc lộ những hạn chế sau:

a) Không đúng với bản chất của loại thuế này là thuế đánh vào việc khai thác tài nguyên;

b) Chỉ tiêu “sản lượng tài nguyên thực tế khai thác” phải phân biệt theo rất nhiều trường hợp, ít nhất cũng có bốn trường hợp như quy định trong điều 6 của dự thảo luật. Nếu bổ sung vào đối tượng chịu thuế bao gồm cả việc khai thác các tài nguyên vô hình thì điều 6 của dự thảo luật chưa bao quát hết;

c) Việc xác định giá tính thuế theo quy định tại điều 7 của dự thảo luật cũng rất phức tạp và chưa bao quát hết những trường hợp sẽ xảy ra trong thực tế. Chẳng hạn, khoản 3 điều 7 “giá tính thuế đối với một số trường hợp cụ thể” còn quá sơ sài. Trường hợp số lượng tài nguyên được khai thác nhưng được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau (làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất tiếp; tiêu thụ trên thị trường nội địa, xuất khẩu, nhập kho dự trữ...) hoặc bán ở nhiều địa điểm khác nhau chưa được quy định và cũng rất khó có thể quy định một cách rõ ràng, minh bạch. Vì vậy, việc quy định giá tính thuế là “giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên” như quy định của dự thảo là không rõ ràng, dẫn đến khó hiểu, khó áp dụng vào thực tiễn.

d) Theo phương pháp hiện hành, việc xác định số thuế tài nguyên phải nộp dựa vào rất nhiều tiêu chí, do đó sẽ rất phức tạp và tạo ra nhiều kẽ hở tiêu cực.

Từ những phân tích trên, người viết kiến nghị nên sửa lại một cách cơ bản về căn cứ tính thuế.

Điều 5 của dự thảo luật xin được sửa lại như sau: Căn cứ tính thuế khai thác tài nguyên là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác và mức thuế tuyệt đối tính trên một đơn vị sản lượng thực tế khai thác. Phương pháp trên khắc phục được tình trạng quá phức tạp của phương pháp hiện hành và đảm bảo sự ổn định cho số thu ngân sách nhà nước từ thuế khai thác tài nguyên.

Về mức thuế tuyệt đối tính cho một đơn vị tài nguyên thực tế khai thác đề nghị không quy định theo khung mà xây dựng một biểu thuế chi tiết đến từng loại tài nguyên. Đó là vấn đề kỹ thuật hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khi quy định một mức tuyệt đối về thuế khai thác tài nguyên, số thuế thu được sẽ không biến động theo giá bán của tài nguyên trên thị trường và có thể dẫn đến giảm thu của ngân sách nhà nước. Theo người viết, ý kiến nêu trên không hoàn toàn đúng vì:

- Cần nhắc lại rằng đây là loại thuế đánh vào việc khai thác tài nguyên. Việc khai thác tài nguyên có thể phục vụ cho hoạt động kinh doanh, hoặc không kinh doanh. Vì vậy, không nhất thiết phải căn cứ vào giá bán của tài nguyên để tính thuế;

- Trong trường hợp người khai thác tài nguyên phục vụ cho mục đích kinh doanh, ngoài thuế khai thác tài nguyên, cơ sở kinh doanh còn có nghĩa vụ thực hiện các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà, đất... Do đó, nếu giá bán của tài nguyên trên thị trường tăng nhưng thuế khai thác tài nguyên chưa tăng thì các loại thuế khác sẽ tăng, số thu vào ngân sách nhà nước từ các loại thuế đó sẽ tăng lên;

- Để tránh tình trạng mức thuế khai thác tài nguyên bị lạc hậu dẫn đến việc khai thác tài nguyên không có hiệu quả, có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế khai thác tài nguyên cho phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ.

Về mức thuế đối với tài nguyên không tái tạo

Trong giai đoạn hiện nay ở nước ta, cần có mức thuế cao hơn nhiều lần đối với những tài nguyên không tái tạo nhằm mục đích tiết kiệm tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên, mức thuế tài nguyên nói chung, thuế đối với tài nguyên không tái tạo hiện nay đang ở mức rất thấp. Do đó, nếu tăng thuế khai thác tài nguyên lên ngay ở mức cao sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, xin kiến nghị quy định trong luật một lộ trình tăng thuế khai thác tài nguyên cho những năm tới. Ví dụ: chúng ta dự kiến, mức thuế khai thác tài nguyên không tái tạo phải tăng lên gấp 2,5 lần so với hiện nay và lộ trình tăng sẽ là: tăng 1,5 lần vào ngày 1-7-2011; tăng 2 lần từ 1-7-2012; tăng 2,5 lần từ 1-7-2013...

Về kê khai, nộp thuế; miễn giảm thuế

Xin kiến nghị bỏ toàn bộ chương III vì việc kê khai, nộp thuế đã quy định trong Luật Quản lý thuế. Đồng thời, không nên quy định việc miễn, giảm thuế khai thác tài nguyên vì tài nguyên quốc gia là sở hữu toàn dân, bất kỳ ai khai thác tài nguyên đều phải nộp thuế. Việc khuyến khích sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực đặc thù như đánh bắt xa bờ đã được thực hiện qua những chính sách khác và các loại thuế khác. Việc quy định miễn, giảm thuế khai thác tài nguyên như trong điều 10 của dự thảo luật dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng để được miễn, giảm thuế

Vũ Xuân Tiền - Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 12/10/2009

___________________________

(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam

Các văn bản liên quan