Góp ý của đại biểu Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội

Thứ Ba 15:23 22-09-2009

Thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội,

Thưa các đồng chí.

Tôi tán thành và nhất trí với việc Chính phủ trình Luật Thuế tài nguyên lần này để thay thế cho Pháp lệnh năm 1998. Bởi vì chúng ta cũng thấy thực tế vừa rồi là việc người ta tập trung vào khai thác sử dụng tài nguyên nhất là tài nguyên không tái tạo trở thành một vấn đề rất bức xúc, rất nóng trong xã hội chúng ta.

Thứ hai, việc theo Hiến pháp như trong báo cáo sơ bộ thẩm tra thì thấy rằng thẩm quyền này là phải do Quốc hội ban hành đối với các loại thuế, các thuế suất, cách tính thuế, xác định thuế, miễn giảm thuế thì chúng ta cũng đã có thực tế hơn 10 năm của việc thi hành pháp lệnh cho nên lần này ban hành luật là đúng. Nhưng cũng đúng là có vấn đề với phạm vi 12 điều của dự thảo luật này thì có những chỗ mà ta có thể quy định nó cụ thể hơn, rõ hơn theo đúng tinh thần minh bạch công khai mà trong Tờ trình Chính phủ cũng đã xác định, ý đấy là ý chung. Thứ hai là nhóm, chỗ nhóm loại tài nguyên thì tôi nghĩ rằng ta có thể làm phân ra được cụ thể hơn nữa chứ để thế này nó chung quá. Cho nên nó xuất phát từ một nguyên tắc tức là một vấn đề nhận thức thế này thôi, các loại tài nguyên thì giá trị nó rất khác nhau. Tính chất nó cũng rất khác nhau nhưng ta để trong cùng một nhóm lớn và sau đó là cùng một khung thuế suất thì rõ ràng nó vẫn có một sự gì đó nó không chặt chẽ lắm. Cho nên ý tôi là trên cơ sở thực tiễn và trong biểu thuế suất, tại phụ lục số 1 trong Nghị định thì chúng ta lại phân định ra rất rõ. Ví dụ như riêng nhóm khoáng sản kim loại thì ta đã phân ra làm 6 loại, khoáng sản không kim loại lúc nãy anh Nam có nói là bây giờ ta cũng phân ra như vậy là tất cả 5 loại. Bây giờ có thể trên nhóm này ta có thể phân loại ra nhóm hơn để từ đó đáp ứng các yêu cầu các đồng chí muốn là chia khung nó phù hợp hơn, nó hẹp lại hơn và nó phù hợp với từng loại khoáng sản này hay loại tài nguyên này. Đấy là ý thứ nhất.

Ý thứ hai là bây giờ thẩm quyền mà anh Kiên lúc nãy có nêu là nên như thế nào, cái gì của Quốc hội, cái gì thì Chính phủ thì tôi thấy chỗ này về dự thảo luật lần này những vấn đề như đối tượng chịu thuế, xác định người nộp thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, thuế suất và khung thì Quốc hội đã quy định trong luật này rồi, tôi cho như thế là được, còn đến chỗ bây giờ điều hành như ý anh KSor Phước từng loại một, cho đối với từng loại tài nguyên cụ thể, mức thuế bao nhiêu, trong khung đó trong biên độ đó thì tôi nghĩ cũng nên giao cho Chính phủ thôi. Bây giờ cuối cùng Chính phủ cũng trình sang, anh nói trong báo cáo sơ bộ giao cho Thường vụ Quốc hội quyết định mà giá này lại tùy thuộc vào giá thị trường tại từng thời điểm một mà vấn đề này biến động rất lớn trong tình hình hiện nay như vậy tôi nghĩ nó cứng, không linh hoạt. Nếu như ta theo được hướng là phân nhóm nhỏ ra các loại tài nguyên này rồi rút bớt khung của thuế suất này lại nữa như vậy biên độ nhỏ đi lúc đấy ta có thể giao cho Chính phủ quy định cũng phù hợp.

Còn ý mà lúc nãy anh Vượng cũng đã phát biểu, tôi tán thành với ý trong Dự thảo luật này về việc áp dụng luật đối với những hợp đồng đã được kí kết trước ngày 1/07 thì nguyên tắc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: nó phải hưởng theo pháp luật hiện hành tại thời điểm kí kết hợp đồng đó. Còn kể từ ngày 1/07 trở đi thì hoàn toàn theo luật mới. Trong trường hợp có những ưu đãi mà khác biệt theo hướng có lợi, theo luật mới thì ta có thể vận dụng đối với những hợp đồng được ký kết trước đó. Đấy là nguyên tắc trong này, Chính phủ cũng đã nói rõ trong tờ trình tôi cũng đồng ý theo hướng như thế này thôi. Chỗ này cũng có ý nói rằng bây giờ làm thế nào để khắc phục được tình trạng vấn đề sử dụng khai thác tài nguyên của chúng ta ở đây kết hợp giữa hai công cụ quản lý. Một là vấn đề cấp phép khi khai thác thì vào luật khác nhưng ở đây có cái quan trọng là cả luật này nữa, hai cái này mà kết hợp đồng bộ được với nhau thì nó giúp cho chúng ta xác lập được trật tự. Tôi cũng nghĩ chỉ góp phần chứ còn để nói một cách triệt để thì vấn đề tổ chức thực hiện còn quan trọng hơn. Tôi xin hết. Xin cảm ơn các đồng chí.

Các văn bản liên quan