Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Trừng – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Hai 10:31 24-05-2010

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Cho phép tôi được tham gia ý kiến về 2 nội dung mà đồng chí Phó Chủ tịch đã gợi ý.

Thứ nhất là nội hàm của chính sách tiền tệ và thẩm quyền của Quốc hội đối với chính sách tiền tệ. Nội hàm chính sách tiền tệ đã được định nghĩa trong Khoản 1, Điều 3 của dự thảo là chính sách tiền tệ quốc gia, là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bao gồm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chính sách, bằng chỉ tiêu lạm phát được thể hiện thông qua chỉ số tiêu dùng và các công cụ, biện pháp để thực hiện các mục tiêu đặt ra. Theo tôi nội hàm của chính sách tiền tệ được định nghĩa ở đây là phù hợp, lý do là trong nội hàm chính sách tiền tệ tuy khá rộng, các nhà khoa học, các chuyên gia các nước trên thế giới hiểu và tiếp cận khác nhau. Nhưng tựu chung vẫn là nội dung chính yếu được định nghĩa trong dự thảo này.

Điều 3, Khoản 2 dự thảo luật quy định là Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát thể hiện qua chỉ số tiêu dùng hàng năm. Tôi cho như thế hoàn toàn phù hợp. Lý do: Trước hết là phù hợp với Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội cũng quy định thẩm quyền quyết định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu hàng năm cũng là Quốc hội.

Thứ hai, lạm phát là một chỉ tiêu kinh tế rất quan trọng, vừa phản ảnh giá trị đồng tiền, vừa chi phối các chỉ tiêu kinh tế khác, nên chỉ tiêu này phải do Quốc hội quyết định.

Thứ ba, trong thực tế những năm qua Quốc hội đã quyết định chỉ số tiêu dùng và được ghi trực tiếp trong các nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tôi xin tham gia nội dung thứ hai về vấn đề lãi suất cơ bản. Theo tôi, tại diễn dàn này đang có ý kiến khác nhau. Tôi nghĩ ý kiến của chúng tôi trình bày ở đây có tính chất tranh luận. Lãi suất cơ bản phải hiểu như thế nào? Tôi rất đồng tình cách hiểu lãi suất cơ bản được giải trình trong bản giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Lãi suất cơ bản không phải là một mức lãi suất, mà một số lãi suất chủ yếu trong đó có một lãi suất chủ đạo, các quan hệ vay, cho vay tuân thủ sự chi phối của các lãi suất chủ yếu này. Từ đó tôi đồng ý dự thảo không quy định về lãi suất cơ bản, nói rõ ra là bỏ lãi suất cơ bản. Cần thiết khi có diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ thì Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có những công cụ quan trọng khác để điều tiết thị trường. Thí dụ như trong thực tế vừa qua không phải chúng ta chỉ có điều tiết thị trường bằng lãi suất cơ bản mà thực tế là chúng ta đã điều tiết lãi suất cơ bản bằng công cụ khác. Thí dụ như lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, thí dụ như tăng dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước.

Nên theo tôi cần phải để trong tình hình chúng ta phấn đấu để cho nền kinh tế của chúng ta trở thành nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và Chính phủ ta các vị lãnh đạo của ta đi các nước cũng mong yêu cầu các nước trên thế giới công nhận nền kinh tế của ta là nền kinh tế thị trường. Do đó các tổ chức tín dụng ở Việt Nam ngay từ bây giờ phải theo quy luật kinh tế thị trường, theo quy luật tiền tệ, do đó tôi đề nghị bỏ lãi suất cơ bản.

Vậy ta bỏ lãi suất cơ bản như thế ta có bị ràng buộc bởi quy định 150% tại Khoản 1, Điều 476 của Bộ luật dân sự không? Theo tôi là không. Bởi vì Khoản 2, Điều 12 dự thảo đã quy định "trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường thì Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ các tổ chức tín dụng của nhau với khách hàng và các quan hệ tín dụng khác", như thế ở đây là mở lối rồi. Nghĩa là trong tình hình cần thiết thì Ngân hàng Nhà nước có thể quy định một cơ chế lãi suất áp dụng cho các quan hệ lãi suất khác. Nghĩa là ví dụ như cho vay nặng lãi thì ta có một cơ chế áp dụng và đó là cơ sở để các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý các hành vi cho vay nặng lãi.

Trên đây là những ý kiến chúng tôi đóng góp với 2 nội dung mà đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đã gửi xin ý kiến. Xin cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội.

Các văn bản liên quan