Bỏ quy định lãi suất: Vì dân hay vì lợi ích cục bộ?

Thứ Ba 08:51 24-11-2009

Bỏ quy định lãi suất:

Vì dân hay vì lợi ích cục bộ?

- Phiên thảo luận sáng ngày (16/11) về Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi nóng ngay từ đầu bởi ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Thái Nguyên) về việc dự thảo luật đã bỏ quy định về lãi suất cơ bản trong luật hiện hành.

4 lần bị Thường vụ Quốc hội "bác"

Theo bà Nga, lãi suất cơ bản là một nội dung quan trọng, là vấn đề chính trị, xã hội, thể hiện vai trò định hướng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, nhằm góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

Khoản 12, điều 9 Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành quy định: "Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh".

Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật đều dùng công cụ lãi suất cơ bản với mục tiêu góp phần điều tiết thị trường lãi suất.

Gần đây nhất, ngày 11/11, báo Lao Động đăng một tin rất đáng chú ý: Ngân hàng Trung ương Nga sẽ cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản trong tháng này. Trong 6 tháng qua ngân hàng này đã cắt giảm lãi suất cơ bản 8 lần, dự kiến sắp tới lãi suất cho vay sẽ ở mức thấp kỷ lục là 9,25%.

Lãi suất cơ bản được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Đây là công cụ để Nhà nước định hướng và kiểm soát lãi suất thị trường.

Lãi suất cơ bản cũng là tiêu chí để Nhà nước xác định mức trần lãi suất cho vay của các tổ chức, cá nhân, trong đó có các tổ chức tín dụng.

Theo điều 476 Bộ luật Dân sự, mức trần này không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản.

Đây cũng là tiêu chí để xác định mức của nghĩa vụ dân sự theo quy định tại điều 305, 436, 474, 576, 709 Bộ luật Dân sự.

Lãi suất cơ bản là tiêu chí để xác định mức lãi suất cao nhất nên đây là căn cứ để xác định tội cho vay lãi nặng theo điều 163 của Bộ luật Hình sự.

"12 năm qua, bằng quy định về lãi suất cơ bản trong hệ thống pháp luật, Nhà nước đã thể hiện vai trò định hướng của mình trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội về cho vay vốn, để các quan hệ này diễn ra một cách trật tự, lành mạnh, ổn định cơ bản thị trường tiền tệ, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cho vay lãi nặng, mang tính bóc lột", bà Nga khẳng định. 

"Về quyết định nhập vàng khi giá vàng lên đỉnh, nếu công bố sớm hơn một chút thì đâu đến nỗi giá vàng của mình cao hơn 5 triệu đồng một lạng so với thế giới. Như thế làm giàu cho ai và thiệt hại như thế nào?"

         ĐBQH Nguyễn Lân Dũng

Theo bà Nga, từ 2006 đến nay, tình trạng các tổ chức tín dụng cho vay vượt trần lãi suất cơ bản trở nên phổ biến, đặt các ngân hàng thương mại trước một nguy cơ bất lợi lớn về mặt pháp lý. Đó là nếu người đi vay khởi kiện thì các hợp đồng này sẽ bị tòa án tuyên vô hiệu và hậu quả là các ngân hàng sẽ không nhận được phần lãi theo thỏa thuận.

Bà Nga góp ý, để giải quyết tình trạng vi phạm trên, với vai trò là thành viên Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực này, thay vì phải xử lý các tổ chức vi phạm và làm bình ổn thị trường lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước lại "ra tay" cứu các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lần lượt điểm lại bốn lần Ngân hàng can thiệp về chuyện lãi suất.

Ngày 22/11/2006, Thống đốc Lê Đức Thúy đề nghị Thường vụ QH khóa XI, trình QH ra nghị quyết cho phép các tổ chức tín dụng không bị điều chỉnh bởi quy định về trần lãi suất tại Điều 476 Bộ luật dân sự.

Ủy ban Pháp luật không đồng ý.

Ngày 15/2/2007, ông Thúy lại "đổi hướng" bằng cách đề nghị Ủy ban Thường vụ QH giải thích điều 476 theo hướng là điều luật này không điều chỉnh các tổ chức tín dụng.

Ủy ban Pháp luật không đồng ý vì quy định đã rõ, không thể giải thích theo ý muốn chủ quan của Ngân hàng.

Không dừng lại ở đó, đến ngày 23/3/2008, vị Thống đốc kế nhiệm, ông Nguyễn Văn Giàu tiếp tục trình Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa Bộ luật Dân sự theo hướng quy định lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng không tuân theo Bộ luật Dân sự, mà tuân theo quy định của Pháp luật về ngân hàng.

Hơn thế nữa, Thống đốc NHNN còn đề nghị cho phép áp dụng hồi tố sau khi sửa luật để hợp thức hóa cho những vi phạm của các tổ chức tín dụng đã xảy ra từ ngày 1/1/2006 đến nay.

Thường vụ Quốc hội không đồng ý và yêu cầu xem xét cùng một lúc cả Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng và Bộ luật Dân sự, với mục đích đảm bảo đồng bộ về chính sách.

Cuối cùng, ngày 14/4/2008, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu lại ký tờ trình, trình Thường vụ Quốc hội sửa điều 476 Bộ luật Dân sự theo hướng nâng trần lãi suất cho vay bằng 200% lãi suất cơ bản.

Ủy ban Pháp luật tiếp tục phản bác và khẳng định, nguyên nhân của những vi phạm trong thời gian qua của các ngân hàng thương mại trong việc cho vay vượt trần lãi suất không phải do quy định về lãi suất cơ bản trong Luật Ngân hàng Nhà nước, cũng không phải do lỗi của điều 476, mà do Ngân hàng Nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm, chưa sử dụng tốt công cụ này để điều tiết ổn định thị trường tiền tệ và do các tổ chức tín dụng không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Dân sự.

"Với mục đích giúp các ngân hàng thương mại tránh hậu quả pháp lý do vi phạm trần lãi suất cho vay đã, đang và sẽ xảy ra, sau 4 lần trình Thường vụ Quốc hội không thông qua được, lần này Ngân hàng Nhà nước lấy danh nghĩa Chính phủ chọn một giải pháp khác là lặng lẽ bỏ quy định về lãi suất cơ bản tại điều 9 của luật hiện hành, không hề có một lời giải thích là vì sao phải bỏ", bà Nga nói.

Đồng thời, tại điều 91, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng đang được xem xét lần, này, Ngân hàng Nhà nước đã đưa các tổ chức tín dụng thoát khỏi trần lãi suất trong Bộ luật Dân sự.

Theo bà Nga, cả hai dự thảo này đều để một van khóa rất mù mờ là trong trường hợp cần thiết hoặc trường hợp có diễn biến bất thường của thị trường, Ngân hàng Nhà nước có quy định về cơ chế xác định lãi suất của các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, cơ chế lãi suất và trần lãi suất là hai vấn đề khác nhau, trường hợp cần thiết là trường hợp nào cũng không thấy quy định rõ, do đó sẽ rất khó kiểm soát thị trường lãi suất.

Bà Nga khẳng định, từ năm 2006 đến nay, Ngân hàng Nhà nước theo đuổi một mục tiêu rất kiên trì là đưa các tổ chức tín dụng thoát khỏi sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, hợp thức hóa cho các vi phạm của các tổ chức tín dụng về tự do hóa lãi suất.

"Một câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là việc kiên trì đề nghị sửa đổi luật như vậy nhằm mục tiêu bảo vệ cho lợi ích của ai, của Nhà nước, của nhân dân để ngăn chặn việc cho vay lãi nặng, ổn định thị trường tiền tệ, hay bảo vệ lợi ích cục bộ của các tổ chức tín dụng?", bà Nga băn khoăn.

Theo ĐB này,  nếu bỏ quy định về lãi suất cơ bản Nhà nước sẽ mất vai trò định hướng, thị trường lãi suất có thể dẫn đến cuộc chạy đua lãi suất huy động và lãi suất cho vay, gây rối loạn thị trường, đẩy người dân và doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao và góp phần làm mất giá đồng Việt Nam.

Mặt khác, sẽ không kiểm soát được tình trạng cho vay lãi nặng của các tổ chức tín dụng và vay lãi nặng trong dân cư.

Và quan trọng là sẽ làm vô hiệu hóa 6 điều của Bộ luật Dân sự, 1 điều của Bộ luật Hình sự và đẩy hoạt động của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án vào bế tắc vì không còn căn cứ để giải quyết, đặc biệt trong các vụ án dân sự.

Bà Nga đề nghị Chính phủ giải trình rõ điều này, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa nội dung bỏ lãi suất cơ bản trong Luật Ngân hàng Nhà nước và nội dung tự do hóa lãi suất trong điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng để thảo luận và xin ý kiến của Quốc hội.

Các ĐBQH phát biểu sau đó đã bày tỏ thái độ đồng thuận với bà Nga.

Nên hay không có Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ?

Trong 18 ý kiến phát biểu sáng nay, các ĐBQH cũng đề nghị luật phải làm rõ vai trò độc lập của Ngân hàng Nhà nước và về vai trò của Hội đồng chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, việc không thành lập Hội đồng trong thời điểm này là phù hợp vì trong cơ chế hiện nay Hội đồng này cũng làm cho tính độc lập và tính tự chủ của Ngân hàng Trung ương bị hạn chế.

Ông Phúc cho rằng, cần thành lập một Hội đồng về chính sách tiền tệ hay một Hội đồng quản lý đặt ngay trong ngân hàng và do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm chủ tịch.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Hội đồng chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phải có thẩm quyền quyết định chứ không phải là cơ quan tư vấn cho Thống đốc.

Dự án luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện để thông qua vào kỳ họp sau của Quốc hội.

·         Lê Nhung - Theo VietNamnet ngày 16/11/2009

 

Các văn bản liên quan