Ngân hàng Việt Nam trước vận hội và thách thức mới

Thứ Tư 15:32 24-06-2009

Sự sụp đổ hàng loạt các ngân hàng danh tiếng của Mỹ, các ngân hàng lớn ở châu Âu cũng như trên thế giới cho thấy, khủng hoảng tài chính có thể xảy ra với bất kỳ ngân hàng hay tổ chức tài chính nào, nếu hệ thống không đủ phản ứng kịp thời với những cảnh báo rủi ro trước đó. Nhìn lại và tìm giải pháp khắc phục những yếu kém đang tồn tại trong ngành ngân hàng Việt Nam là một việc cần thiết, đặc biệt trong thời điểm này

Một số nét khái quát về ngành ngân hàng Việt Nam trong những năm qua

1- Những thành tựu đạt được

Trong những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Ngân hàng Nhà nước có nhiều nỗ lực trong việc điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, lãi suất và kiềm chế lạm phát, góp phần làm ổn định kinh tế và tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao. Đặc biệt từ sau khi hội nhập WTO, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã mở rộng rất nhanh và có những đóng góp quan trọng nhất định đối với công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia, chăm lo cho đội ngũ doanh nghiệp, góp phần phát triển các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, ngành ngân hàng rất chú trọng trong việc đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến thị trường và sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại. Bên cạnh các dịch vụ truyền thống, các ngân hàng cũng rất cố gắng trong việc đa dạng hóa các loại hình sản phẩm để cung cấp cho xã hội. Đây là một xu thế tất yếu khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập vào thế giới và các ngân hàng trong nước đang phải đối phó với sức ép cạnh tranh từ bên ngoài. Trình độ công nghệ cũng có những bước cải thiện giúp hiện đại hoá các phương tiện thanh toán. Hệ thống máy rút tiền tự động ATM đem đến nhiều tiện ích trong cuộc sống.

Một trong những thành tựu nổi bật của ngành ngân hàng là đã huy động được hàng nghìn tỉ đồng để đầu tư vào những chương trình kinh tế trọng điểm có ý nghĩa quan trọng của nền kinh tế. Nhiều công trình, dự án quan trọng của đất nước được hình thành từ nguồn vốn ngân hàng (như các dự án về dầu khí, công nghiệp đóng tàu, xi măng, sắt thép, thuỷ điện,....). Đặc biệt, ngành ngân hàng đã dành nguồn vốn đáng kể để đầu tư phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vốn ngân hàng đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Ngành ngân hàng cũng thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Vốn ngân hàng đã góp phần vực dậy hàng trăm doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản trở lại kinh doanh có hiệu quả, đem lại những đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, ngành cũng hỗ trợ tích cực và góp phần đạt được những thành tựu nổi bật trong nhiều hoạt động như xoá đói giảm nghèo, cho vay chương trình phát triển nhà ở Đồng bằng Sông Cửu Long; cho vay khắc phục hậu quả thiên tai; cho vay ưu đãi về lãi suất khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa; lập quỹ tín dụng đào tạo cho sinh viên, học sinh vay tiền dài hạn 10-15 năm, lãi suất bằng 50% lãi suất thương mại thông thường (trong thời gian đi học không thu lãi).

Ngành ngân hàng cũng chú trọng việc mở rộng, tăng cường hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế với các ngân hàng trong khu vực cũng như trên thế giới theo xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Duy trì tốt quan hệ với các tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tham gia Hiệp hội Ngân hàng các nước ASEAN...

2- Một số hạn chế, tồn tại và những vấn đề đặt ra cho ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng còn tồn tại một số hạn chế cơ bản cần nhanh chóng khắc phục để có thể đứng vững trước “cơn bão tài chính” ở Mỹ và đang có xu hướng lan rộng ra toàn cầu hiện nay.

Tính từ thời điểm cuối năm 2006, đã có nhiều biến động lớn xảy ra đối với ngành ngân hàng Việt Nam. Những biến động này bao gồm cả những chuyển biến tích cực trong giai đoạn chuẩn bị gia nhập và sau gia nhập WTO, cũng như những hoạt động sôi nổi khác nhờ sự phát triển tốt của nền kinh tế và sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, có nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong những hoạt động này. Một số nguy cơ đã được nhận thấy khi bước sang năm tài khóa 2008 và đang được để tâm khắc phục, nhưng một số nguy cơ mang tính căn bản khác hoặc chưa được nhìn nhận, hoặc được nhìn nhận nhưng lại thiếu quyết tâm và khả năng để khắc phục. Một số vấn đề cần nói đến là:

Sự bùng nổ thành lập ngân hàng mới: Chỉ tính từ nửa cuối năm 2006, Ngân hàng Nhà nước liên tục nhận được hồ sơ xin thành lập mới ngân hàng với con số thống kê đến hết tháng 11/2007 là 20 bộ. Con số này tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2008 và sau đó giảm dần do chính sách siết chặt quản lý của Chính phủ. Hiện tượng bùng nổ thành lập ngân hàng mới do một số nguyên nhân như tâm lý đón đầu cơ hội khi Việt Nam gia nhập WTO, hay do sự cởi mở của Nhà nước sau một thời gian dài quản lý chặt chẽ. Tốc độ phát triển của con số các ngân hàng mới cũng đồng nghĩa với việc đem lại những xáo trộn trong ngành ngân hàng và sự nảy sinh những lo ngại về năng lực quản lý và cạnh tranh của các ngân hàng mới.

 Tăng trưởng tín dụng nóng rồi sau đó siết chặt tín dụng: Có thể nói, mức độ tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2007 và vài tháng đầu năm 2008 được xem là “nóng”. Điều đó cũng dẫn đến tình trạng “nóng” trong các hoạt động đầu tư của xã hội và là một trong những nhân tố thúc đẩy lạm phát, bên cạnh những yếu tố khách quan khác. Việc tăng trưởng tín dụng ồ ạt cũng đã nâng nợ xấu tại một số ngân hàng lên một cách rõ rệt, đặc biệt là ở lĩnh vực cho vay đầu tư với thị trường bất động sản. Tuy vậy, trong những tháng sau đó, Nhà nước đã thực thi một số biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát cùng một loạt các quyết định quản lý hành chính nên tăng trưởng tín dụng đã giảm đi.

Được bảo hộ: Hiện nay ngành ngân hàng đang được bảo hộ khá nhiều. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế là, cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO, sức ép cạnh tranh đến từ các ngân hàng nước ngoài đang ngày càng gia tăng. Do vậy, phải chuẩn bị đối mặt với sự cạnh tranh khi bị giảm bảo hộ là việc cần thiết đối với các ngân hàng trong nước hiện nay.

Chất lượng dịch vụ của ngân hàng trong nước còn yếu kém: Hiện tượng nhân viên làm việc đủng đỉnh trong khi khách hàng đang chờ đợi là hiện tượng còn khá phổ biến tại một số ngân hàng trong nước. Còn có những ngân hàng yêu cầu khách hàng phải đến rút tiền đúng nơi gửi, vì thông tin của khách hàng chưa được “post” lên mạng của ngân hàng. Những hạn chế tương tự như vậy gay nhiều phiền toái cũng như cảm giác không hài lòng cho khách hàng.

 Công nghệ lỗi thời: Mặc dù gần đây các ngân hàng trong nước đã đẩy mạnh việc hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin ngân hàng, tuy nhiên hiệu quả của những đầu tư không đồng đều. Đặc biệt, tại các ngân hàng thương mại nhà nước, việc đầu tư thường được chú trọng nhiều vào “bề nổi” là các hệ thống thông tin, nhưng lại không tiếp cận được vấn đề cốt lõi là tạo lập cơ sở nguyên tắc nghiệp vụ và quản trị để tận dụng tối đa những tiện ích do các hệ thống công nghệ thông tin mang lại.

- Khả năng quản lý rủi ro còn yếu kém: Có thể nói, cho đến thời điểm này, đây là một đặc điểm nổi bật của nhiều ngân hàng Việt Nam. Hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đều có lịch sử phát triển chỉ khoảng 20 năm (khoảng thời gian quá non trẻ so với con số 158 năm tuổi của Lehman Brothers- ngân hàng Mỹ vừa bị phá sản). Tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới của kinh tế Việt Nam cũng chỉ chừng ấy năm. Hệ thống pháp luật về phòng ngừa rủi ro và nghiệp vụ quản trị rủi ro trong ngành tài chính vẫn còn lỏng lẻo và yếu. Nhiều ngân hàng vẫn chưa chú trọng đầy đủ đến vấn đề quản lý rủi ro tác nghiệp và rủi ro thị trường.

 Ảo tưởng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường bất động sản: Ở Mỹ, phần lớn những gì ngành tài chính Mỹ đang phải trải qua lúc này đều xuất phát từ khủng hoảng của thị trường bất động sản và từ đó lan ra các lĩnh vực khác. Trước năm 2007, ở Việt Nam cũng đã có những dấu hiệu tương tự. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và một loạt các biện pháp khác đã giúp ngành ngân hàng không rơi vào vùng mất an toàn trong việc cho vay đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi rủi ro đều đã được loại bỏ. Hiện nay, đã có một số dấu hiệu cho thấy ngành ngân hàng bắt đầu hoạt động “thoáng” hơn. Do vậy, bảo đảm sự giám sát chặt chẽ nhằm lành mạnh hóa các nguồn vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản là việc vô cùng quan trọng đối với các ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ hiện nay có nguyên nhân từ cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn (bắt đầu bằng sự cố “nổ bong bóng bất động sản”. Một trong các hệ quả của việc này là kéo theo sự mất giá trị của các chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp, càng làm cho thị trường tài chính thiếu vốn trầm trọng.

Đối với Việt Nam, hiện tượng “thổi phồng” giả tạo do những kẻ đầu cơ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bong bóng bất động sản”. Nếu thị trường bất động sản vỡ sẽ ảnh hưởng đến các hệ thống dịch vụ khác, trong đó có ngành ngân hàng. Vì vậy, yêu cầu có một cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và ngành ngân hàng trở nên một yêu cầu cấp thiết.

Tâm lý an toàn giả tạo cũng là một yếu tố gây bất lợi. Ở Mỹ, trong một thời gian dài tồn tại một tâm lý chung là quá tin tưởng vào độ an toàn của các ngân hàng lớn. Cả khách hàng Mỹ cũng như giới ngân hàng đều tin tưởng rằng, các ngân hàng lớn, có “tuổi đời” cao luôn được kiểm soát một cách chặt chẽ và luôn có sự bảo trợ của nhà nước. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng, những ngân hàng lớn mặc dù có những bộ phận chuyên trách cho công tác quản lý rủi ro nhưng do tính chất phức tạp của công việc nên vẫn tồn tại những lỗ hổng lớn. Sự tin tưởng này nhiều khi tạo nên cảm giác an toàn giả tạo cho mọi thành viên, kế cả những thành viên cấp cao nhất. Mặt khác, sự bảo trợ của nhà nước chỉ có thể thực hiện được nếu quy mô của khủng hoảng còn nằm trong tầm kiểm soát và nếu nhà nước có khả năng tài chính đủ mạnh.

Tâm lý an toàn giả tạo cũng đang tồn tại tại Việt Nam. Đây là một điều nguy hiểm vì tại những thị trường mới nổi như Việt Nam thì năng lực giám sát và khả năng xử lý sự cố còn rất nhiều hạn chế, chưa nói đến khả năng tài chính của chúng ta cũng rất hạn hẹp. Tâm lý của cộng đồng cũng chưa được thử thách. Do vậy, nếu có sự cố xảy ra với chỉ một trong bốn ngân hàng thương mại lớn của chúng ta hiện nay thì khả năng xảy ra khủng hoảng dây chuyền là rất lớn.

Các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng sẽ khó khăn hơn: Một đặc trưng của ngành ngân hàng hiện đại là tính liên thông cao, do vậy, từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, sẽ có thêm nhiều khó khăn đặt ra cho các ngân hàng trong nước do tính liên thông giữa các ngân hàng. Những khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính và sự đổ vỡ của hàng loạt các ngân hàng hàng đầu tại Mỹ chắc chắn sẽ là bài học cho các ngân hàng của Việt Nam. Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đều chưa có khả năng cạnh tranh giành thị trường quốc tế nên ảnh hưởng của những gì đang xảy ra tại Mỹ đối với ngân hàng nước ta phần lớn mới chỉ là là những tác động gián tiếp. Sắp tới, các ngân hàng quốc tế sẽ cơ cấu lại cách thức giao dịch với những ngân hàng khác theo xu hướng thắt chặt các yêu cầu an toàn, vì vậy, các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng sẽ trở nên khó khăn hơn; chi phí cho các giao dịch liên ngân hàng cũng sẽ tăng cao. Hiện tại, trong thị trường liên ngân hàng, một số công ty và ngân hàng của Việt Nam đã phải vay của ngân hàng nước ngoài với lãi suất cao hơn trước.

3- Một số giải pháp nhằm duy trì sự phát triển ổn định và bền vững cho ngành ngân hàng Việt Nam

Nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và quản lý của Nhà nước

Thực tế cho thấy, sự thiếu minh bạch và thiếu giám sát chặt chẽ là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “bong bóng bất động sản” hay những thông tin thất thiệt trên thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường tài chính nói chung. Những hoạt động của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản lại là những yếu tố cơ bản dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ hay nguy cơ khủng hoảng tài chính của một nền kinh tế. Vì vậy, khả năng giám sát thị trường và sự quản lý của Nhà nước là yếu tố quan trọng hàng đầu trong vấn đề này.

Cần một cơ chế giám sát rủi ro

Ngân hàng là một trong những ngành nhiều rủi ro, vì vậy, cần có một cơ chế giám sát rủi ro. Các sản phẩm của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất sơ khai, nhưng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các sản phẩm bày sẽ được đa dạng hóa và phát triển rất nhanh. Vì vậy, Nhà nước cần có một cơ chế giám sát theo kịp với sự biến đổi của thị trường này, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ổn định của ngành ngân hàng. Trên thực tế, hệ thống quản lý rủi ro của các ngân hàng trong nước chưa được chú ý một cách thích hợp, đặc biệt tại các ngân hàng mới thành lập, do áp lực của lợi nhuận và doanh số. Tình hình khả quan hơn đối với các ngân hàng lớn và có kinh nghiệm hoạt động lâu năm.

Tuy nhiên, trong số đó cũng có ngân hàng lớn như Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), số lượng nhân viên làm công việc giám sát rủi ro chỉ chiếm khoảng 2%. Hiện nay, do việc kinh doanh của phần lớn các ngân hàng trong nước vẫn  chủ yếu dựa vào các loại hình dịch vụ truyền thống nên chưa có vấn đề gì lớn xảy ra, ngoại trừ một số nợ xấu tập trung ở lĩnh vực bất động sản và một số lĩnh vực khác. Song tình hình có thể thay đổi rất nhanh trong tương lai khi các ngân hàng Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thế giới.

Thực tế cho thấy, những ngân hàng lớn của Mỹ như Lehman Brothers hay các công ty bất động sản như Fannie Mae, Freddie Mac đổ vỡ là do dấn quá sâu vào những nghiệp vụ mang tính rủi ro quá cao như cho vay thế chấp dưới chuẩn, và quá tin tưởng vào tính bền vững của tổ chức mà thiếu đi sự giám sát chặt chẽ. Hiện nay, ở nước ta, chưa có cơ quan quản lý dịch vụ tài chính  một cách độc lập, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải làm công việc này. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước nên có một bộ phận chuyên trách thông tin để chủ động cung cấp những nguồn tin chính thức và trung thực cho công chúng. Việc giám sát cũng còn nhiều hạn chế, mặt khác, pháp luật về ngân hàng của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, do vậy, sự tự giác, tự giám sát của bản thân các ngân hàng càng trở nên quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Nâng cao khả năng quản trị và trình độ công nghệ ngân hàng: Khả năng quản trị và mức độ hiện đại hóa công nghệ là một nhân tố quan trọng. Nếu quản lý rủi ro góp phần ngăn chặn những đổ vỡ đột ngột thì khả năng quản trị và mức độ hiện đại hóa công nghệ sẽ có ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh. Do các ngân hàng Mỹ chưa có sự hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam, do vậy sẽ không có một khoảng trống đáng kể nào tại thị trường hiện nay xảy ra do sự đổ vỡ các ngân hàng tại Mỹ. Điều đó có nghĩa là, sẽ không có những xáo trộn lớn với việc một số ngân hàng chớp thời cơ để giành giật thị trường. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng trong nước không nâng cao được khả năng quản trị và hiện đại hóa công nghệ thì những ưu thế có được do được bảo hộ sẽ dần mất đi. Và sẽ càng khó khăn hơn cho các ngân hàng trong nước khi các ngân hàng nước ngoài (như HSBC hay Standad Chatered Bank) đã bắt đầu được Chính phủ nước ta cấp phép mở chi nhánh tại Việt Nam, nếu như những hạn chế này không được cải thiện. Nâng cao chất lượng dịch vụ là yếu tố quan trọng đối với bất cứ một lĩnh vực kinh doanh nào, và ngành ngân hàng không phải ngoại lệ.

Phát huy vai trò tích cực của các phương tiện thông tin đại chúng

Thực tế vừa qua cho thấy, ảnh hưởng của tin đồn và sự mất niềm tin rất lớn, vì vậy, khi có những biến động trên thị trường tài chính, các phương tiện truyền thông đại chúng phải là nơi cung cấp những nguồn tin trung thực, chính xác và kịp thời, tránh tình trạng người dân và các nhà đầu tư không biết dựa vào thông tin nào là “chuẩn” nên nghe ngóng và tin theo những tin đồn thất thiệt. Trong một số trường hợp, sự thiếu trung thực của một số phương tiện thông tin đại chúng đã khiến người dân mất niềm tin, dẫn đến tình trạng sau đó họ hành động ngược lại với những nguồn tin này. Việc này đặc biệt quan trọng khi có những biến động xảy đến với ngành ngân hàng. Cần phải tránh xảy ra tình trạng khách hàng nghe tin đồn và kéo nhau đến rút tiền hàng loạt, khi ấy, sự đổ vỡ của ngân hàng là khó tránh khỏi, nếu không có những “phao cứu trợ” đủ mạnh.

Xuất phát từ thực tế này, cần sớm có một chế tài mạnh, vừa bảo đảm thông tin đầy đủ, trung thực và kịp thời, vừa tránh được tình trạng “đầu cơ thông tin” để trục lợi, “thông tin nội gián”..., làm người dân khó phân biệt giữa thông tin rò rỉ, nội gián với những thông tin “vỉa hè” thất thiệt, nhất là trong thời kỳ thị trường vốn, thị trường chứng khoán đang ngày càng phát triển và trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế nước nhà.

Nguồn: http://www.saga.vn/Taichinh/Thitruong/Nganhang/14854.saga

Các văn bản liên quan