Hiệp hội tư vấn xây dựng Việt Nam góp ý

Thứ Sáu 14:02 10-04-2009

     Hiệp hội tư vấn xây dựng Việt Nam hoan nghênh chủ trương của Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và tạo điều kiện cho chúng tôi được tham gia góp ý dự thảo. Dưới đây là các ý kiến được tiếp thu, tổng hợp từ đóng góp của các hội viên:

1.     Về sự cần thiết ban hành LUẬT. Các thành viên hiệp hội tư vấn xây dựng Việt Nam hoàn toàn nhất trí và hoan nghênh chủ trương của Quốc hội ban hành Luât sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (LUẬT). Đây là việc làm cần thiết nhằm tháo gỡ những rắm rối, vướng mắc về thủ tục thực hiện và góp phần thúc đẩy đầu tư.

2.     Về ĐIỀU 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng:

-         Nhất trí về sự cần thiết sủa đổi Điều 7 như dự thảo, tuy vậy các khoản 2 và 3 cần được quy định rỏ ràng năng lực hành nghề của cá nhân trong tổ chức, doanh nghiệp: ở vị trí nào, công việc nào cần có chứng chỉ hành nghề, tránh tình trạng yêu cầu tràn lan làm khó khăn cho doanh nghiệp và kỹ sư tư vấn.

-         Về sửa đổi Điều 40, đề nghị bổ sung trường hợp do biến động bất thường giá vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, tỉ giá hối đoái đối với phần vốn có sử dụng ngoại tệ hoặc do Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách mới có quy định được thay đổi mặt bằng giá đầu tư xây dựng công trình. (như Điều 14 Nghị định12/CP).

           Vấn đề điều chỉnh dự án đầu tư và tổng mức đầu tư dự án cần được xem xét sửa đổi phù hợp với thực tế. Thời gian qua những chậm trể trong đầu tư có nguyên nhân do khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh dự án và điều chỉnh tổng mức đầu tư. Yếu tố biến động giá nguyên liệu, vật tư luôn diễn ra, vì vậy cần linh hoạt điều chỉnh có kiểm tra, kiểm soát.

-         Nhất trí bổ sung Điều 40a về đánh giá, giám sát dự án đầu tư xây dựng công trình.

-         Nhất trí sửa đổi các Điều 43, Điều 54 như nội dung của dự thảo.

-         Về sửa đổi Điều 55, xin có ý kiến: Việc thi tuyển kiến trúc chỉ nên khuyến khích. Đề nghị nên sửa như Điều 15 Nghị định 12/CP.

-         Nhất trí nội dung sửa đổi Điều 55 của dự thảo.

3.     Về ĐIỀU 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư: 

          -    Về Điều 29.  Đầu tư có điều kiện. Nhất trí với nội dung sửa đổi.

-         Về các Điều 32 và Điều 38, Chính phủ cần thống nhất với các Bộ, Ngành, các địa phương ban hành danh mục và chế độ ưu đãi đầu tư, quy định rỏ phạm vi áp dụng và đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.

-         Về Điều 45. Thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước. Cần nghiên cứu thống nhất quản lý đầu tư từ trung ương đến địa phương, kết hợp với công tác thẩm định và giám sát đầu tư (cả các dự án đầu tư vốn nhà nước và các nguồn vốn khác) với mục đích là quản lý nguồn tài nguyên, môi trường. Nên bổ sung nội dung này vào LUẬT.

-         Về sửa đổi điểm a, khoản 1 Điều 49. Nghiên cứu thủ tục thẩm tra các dự án đầu tư để đạt mục đích nêu trên (Điều 45) cho các loại dự án.

-         Về Điều 50.Đề nghị nên thống nhất một Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Chúng tôi ủng hộ việc sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

-         Về Điều 84. Theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động đầu tư.

Từ “ đầu tư” bản thân đã là động từ, vậy có cần thiết phải thêm động từ “hoạt động” nữa không.

Trách nhiệm giám sát, đánh giá đầu tu là của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng cần quy định rỏ ràng tránh chồng chéo, cơ quan nào cũng có quyền kiểm tra nhưng cuối cùng không cơ quan nào chịu trách nhiệm trước Nhân dân và trước pháp luật.

4.     Về ĐIỀU 4. Sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu:  

-         Cần nghiên cứu sửa đoạn “…để làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phê duyệt các nội dung nêu trên quyết định theo quy định của Luật Đấu thầu” trong đó có từ “trên” và cụm từ “các nội dung nêu trên Quyết định” cho sát nghĩa.

-         Về Điều 11. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

Nhât trí với nội dung sửa đổi điểm a, khoản 1 và khoản 2 Điều 11. Đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi các điểm c, d của Điều 11 hoặc có giải pháp điều chỉnh nội dung các quy định này phù hợp với thực tế mô hình tổ chức và hoạt động của các Doanh nghiệp tư vấn hiện nay.

       Xin được trình bày sâu thêm quan điểm của các hội viên hiệp hội: Trước hết cần khẳng định: nội dung quy định tại các điểm c và d là đúng, nhưng đúng với môi trường khi các Doanh nghiệp đã chuyển đổi hoàn toàn độc lập với sự quản lý của Nhà nước, của các Tổng công ty, Công ty, Tập đoàn kinh tế….Hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động của các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong đó có việc cổ phần hóa các DNNN nhưng vì nhiều lý do khác nhau (chủ trương của các Bộ, Ngành, các Địa phương; bán cổ phần nhiều lần để người lao động trong các doanh nghiệp có thể mua được…) nên tỉ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp này vẫn còn trên 30%. Trong ngành tư vấn hiện nay có ba Tổng công ty (bên dưới có nhiều công ty) được tổ chức, hoạt động theo mô hình công ty Mẹ-Con và có nhiều công ty cổ phần tại các Bộ, Ngành, các Tỉnh, Thành phố, Tổng công ty có vốn nhà nước trên 30% vì các lý do như trên. Cũng nên quan tâm lịch sử hình thàmh và phát triển của các DNNN, trước đây thành lập với mục tiêu để thực hiện nhiệm vụ đầu tư XDCB của Bộ, Ngành, Địa phương , đến nay tuy có thay đổi nhiều theo cơ chế thị trường nhưng vẫn còn cần  cho mục tiêu này. Các DNNN ngành tư vấn sẽ chuyển đổi để trở thành doanh nghiệp độc lập về tổ chức và tài chính với các cơ quan quản lý Nhà nước, với các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế theo lộ trình cổ phần hóa của Chính phủ… Nhưng trước mắt thực hiện theo quy định của các điểm c và d thì các Tổng công ty, Công ty trên sẽ vô cùng bất lợi, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động.

       Vì vậy chúng tôi khẩn thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, các Ngành, các Địa phương xem xét giải quyết quy định này phù hợp với lộ trình cổ phần hóa DNNN của Đảng và chính phủ.

-         Về các Điều 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56 nên sửa đổi phù hợp     

Các Luật Xây dựng, Thương mại và nên phù hợp với “Các điều kiện hợp đồng của FIDIC”  của Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn đã được nhiều nước và các tổ chức quốc tế công nhận và áp dụng.

     Riêng Điều 57. Điều chỉnh hợp đồng. Về việc điều chỉnh giá hợp đồng, chúng tôi nhất trí nội dung sửa đổi, tuy vậy nên tham khảo, vận dụng “Các điều kiện hợp đồng của FIDIC”.

5.     Về ĐIỀU 5. Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Doanh nghiệp

           Hoan nghênh dự thảo bỏ nội dung chứng chỉ hành nghề đối với Giám Đốc, Tổng giám đốc trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp tại các khoản 4 Điều 16 và khoản 5 các Điều 17, 18, 19 . Tuy vậy xin đề nghị: trong quá trình soạn thảo cần làm rỏ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp và chứng chỉ hành nghề của cá nhân trong doanh nghiệp. Chứng chỉ hành nghề chỉ dành cho cá nhân trong quả trình thực hiện công việc yêu cầu phải có bằng chứng về năng lực công việc.

           Vì vậy việc đưa các khoản trên vào nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh của Doanh nghiệp là không hợp lý, vì: 

-            Dễ bị hiểu nhầm chứng chỉ hành nghề trở thành điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp. Thực tế lao động trong các doanh nghiệp luôn biến động, có kê khai vào hồ sơ cũng chỉ là hình thức.

-            Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều lĩnh vực công việc khác nhau (như trong hoạt độnh xây dựng), có công việc cần chứng chỉ hành nghề, có công việc không cần chứng chỉ hành nghề; đối với công việc yêu cầu chứng chỉ hành nghề, khi triển khai thực hiện mới cần người có chứng chỉ hành nghề. Ngay trong các công việc có yêu cầu người có chứng chỉ hành nghề cũng chỉ yêu cầu người ở vị trí nào cần phải có chứng chỉ.

6.     Về ĐIỀU 6.  Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

        Nhất trí nội dung sửa đổi trong dự thảo.

7.     Về ĐIỀU 7. Bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Đất đai

Đề nghị nên bổ sung, sửa đổi điều 48. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vào Luật.

8.     Về ĐIỀU 8  Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Nhà ở.

Nhất trí nội dung sửa đổi của dự thảo và đề nghị đưa vào Luật.

9.     Về ĐIỀU 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Quan điểm của chúng tôi việc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là cần thiết, nhưng không cần thiết phải song hành với việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thời điểm hợp lý để lập và phê duyệt là sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt và trước khi triển khai thực hiện.

10.  Về thống nhất từ và ngữ trong các luật.

Hiện nay có nhiều việc tuy cùng một nội nhưng  các luật sử dụng nhiều từ, cụm từ khác nhau, như Luật Xây dựng dùng cụm từ “ Dự án đầu tư xây dựng công trình, Luật Đấu thầu dùng cụm từ “Báo cáo nghiên cứu khả thi”, Luật Đầu tư dùng cụm từ “Dự án đầu tư” gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi tiến hành công việc không biết chọn cụm từ nào cho đúng để được để hợp ý các cơ quan quản lý khi xét duyệt hay hưởng các chế độ, chính sách. Đề nghị LUẬT này cần nghiên cứu, xem xét thống nhất và chuẩn hóa các từ dùng trong các luật. Theo chúng tôi nên trưng cầu ý kiến như việc góp ý xây dựng các vă bản pháp luật.

    

 

                                                        Hà nội, ngày 09 tháng 4 năm 2009

                                                            NGUYỄN VĂN CHÂU

                                                          Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký

Các văn bản liên quan