VCCI đề xuất ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Sáu 13:41 27-02-2009

Thực tế hiện nay, trong xây dựng cơ bản, các nhà đầu tư phải mất một khoảng thời gian lớn cho việc thực hiện tất cả các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật, điều này gây ra sự lãng phí lớn về thời gian cũng như tiền bạc[1]. Do đó, việc soạn thảo Luật sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản là hết sức cần thiết, một mặt góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động này trong thời gian qua do sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật liên quan cùng điều chỉnh, một mặt thúc đẩy sự phát triển của ngành xây dựng cơ bản của nước ta. Tuy nhiên, để thực sự đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi cho đối tượng thi hành luật, Dự thảo cần phải xem xét và tiến hành rà soát rất nhiều văn bản pháp luật liên quan đến xây dựng cơ bản (như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Đất đai, …) chứ không giới hạn trong một số văn bản nhất định như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp.

I.                   QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (sau đây gọi tắt là Dự thảo) cần đáp ứng các nguyên tắc sau:

-         Đảm bảo tính thống nhất của các văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;

-         Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho các đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh

Rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ quan, nhận thấy có nhiều quy định chưa đáp ứng được yêu cầu trên.

II.               GÓP Ý CỤ THỂ

1.      Sự không tương thích giữa các văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Hiện nay có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản  nhất là thủ tục đầu tư xây dựng công trình như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, … Tuy nhiên, còn có nhiều điểm không thống nhất giữa các văn bản pháp luật trên, đề nghị Dự thảo xem xét, nghiên cứu.

a)     Thời điểm bắt đầu thực hiện thủ tục

Quy định về thời điểm bắt đầu thực hiện thủ tục đầu tư giữa các văn bản pháp luật có liên quan không rõ ràng và có nhiều điểm mâu thuẫn.

Về các điểm không rõ ràng, ví dụ:

-         Luật Bảo vệ môi trường quy định: Các dự án phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt (khoản 4 Điều 22). Vậy thời điểm lập và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trước khi đăng ký hoặc thẩm tra dự án đầu tư, trước khi lập, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình;

-         Luật Đầu tư quy định: dự án đầu tư phải đăng ký hoặc thẩm tra trước khi thực hiện. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình thì việc lập và phê duyệt sẽ được tiến hành trước khi xin phép xây dựng và sau khi Thủ tướng cho phép đầu tư hoặc có thỏa thuận bổ sung về quy hoạch (đối với một số dự án);

Liệu có thể hiểu Báo cáo đánh giá tác động môi trường có phải là một công đoạn của quá trình thực hiện đầu tư?

Về các điểm không rõ về phạm vi áp dụng, ví dụ:

-         Luật Đất đai quy định: sau khi đạt được thỏa thuận về địa điểm nhà đầu tư sẽ lập hồ sơ thuê đất hoặc giao đất. Nhà đầu tư chỉ có thể hoàn chỉnh bộ hồ sơ thuê đất hoặc giao đất sau khi được sở tài nguyên và môi trường thẩm tra về nhu cầu sử dụng đất (đối với dự án đầu tư không phải ngân sách nhà nước, dự án có vốn đầu tư nước ngoài); có quyết định đầu tư (dự án đầu tư ngân sách nhà nước), giấy phép đầu tư (đối với dự án đầu tư nước ngoài). Tuy nhiên, giấy phép đầu tư cấp cho dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được thay bằng giấy chứng nhận đầu tư cấp theo Luật Đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư này được cấp không chỉ cho dự án có vốn đầu tư nước ngoài mà cả dự án đầu tư trong nước. Vì vậy, liệu dự án đầu tư trong nước có phải thẩm tra nhu cầu sử dụng đất nữa không và việc thẩm tra đó có thay thế cho các giấy phép đầu tư hay giấy chứng nhận đầu tư không?

Những quy định trên dẫn đến một thực tế là không thể thực hiện được thủ tục đầu tư, thủ tục đầu tư xây dựng công trình trước khi thực hiện thủ tục về đất đai vì để thực hiện 2 thủ tục này cần có thông tin về địa điểm đầu tư. Tuy nhiên, cũng không thể thực hiện được việc giao đất, cho thuê đất nếu chưa thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình. Thủ tục xin phép xây dựng chỉ có thể thực hiện sau khi hoàn thành các thủ tục về đất đai bởi vì trong hồ sơ xin phép xây dựng phải có bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất. Còn giữa thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình thì không rõ thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau.

b)     Hồ sơ thực hiện thủ tục

Khi tiến hành thủ tục đầu tư xây dựng công trình, nhà đầu tư phải lập rất nhiều hồ sơ. Đối chiếu với quy định của các văn bản pháp luật liên quan có nhiều hồ sơ có nội dung giống nhau nhưng tên gọi khác nhau. Ví dụ: “văn bản đăng ký đầu tư”, “giải trình kinh tế kỹ thuật” theo Luật Đầu tư và “báo cáo kinh tế - kỹ thuật”, “thuyết minh cơ sở” theo Luật Xây dựng.

-         Văn bản đăng ký đầu tư, các nội dung cần phải có gồm: a) Tư cách pháp lý nhà đầu tư; b) Mục tiêu, quy mô, địa điểm thực hiện dự án đầu tư; c) Vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án; d) Nhu cầu sử dụng đất và cam kết bảo vệ môi trường; e) Kiến nghị ưu đãi đầu tư;

-         Giải trình kinh tế kỹ thuật, các nội dung cần phải có gồm: a) Mục tiêu, địa điểm đầu tư; b) Nhu cầu sử dụng đất; c) Quy mô đầu tư, vốn đầu tư; d) Tiến độ thực hiện dự án; e)Giải pháp công nghệ, giải pháp về môi trường;

-         Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, các nội dung cần phải có gồm: Sự cần thiết đầu tư; mục tiêu xây dựng công trình; địa điểm xây dựng; quy mô, công suất; cấp công trình; nguồn kinh phí xây dựng công trình; thời hạn xây dựng; hiệu quả công trình; phòng chống cháy, nổ, bản vẽ thiết kế thi công và dự toán công trình;

-         Thuyết minh cơ sở, các nội dung cần phải có gồm: Mục tiêu, địa điểm, quy mô, công suất, công nghệ, các giải pháp kinh tế - kỹ thuật, nguồn vốn và tổng mức đầu tư, chủ đầu tư và hình thức quản lý dự án, hình thức đầu tư, thời gian, hiệu quả, phòng, chống cháy, nổ, đánh giá tác động môi trường;

Đây là những tài liệu có nội dung nhìn chung là trùng nhau, nhưng tên gọi khác nhau. Điều này có thể dẫn đến trường hợp nhà đầu tư có thể phải chuẩn bị nhiều loại tài liệu có nội dung giống nhau nhưng dưới tên gọi khác nhau, có thể gây tốn kém cho nhà đầu tư trong việc chuẩn bị các hồ sơ để thực hiện các thủ tục, có thể gây cách hiểu khác nhau giữa các nhà đầu tư, giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước với nhau.

c)     Tiêu chí giải quyết thủ tục

Các tiêu chí giải quyết thủ tục được quy định trong các văn bản pháp luật liên quan có nhiều tiêu chí trùng nhau, ví dụ:

-         Căn cứ cấp giấy chứng nhận đầu tư (theo trình tự thẩm tra dự án – quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư) và căn cứ giao đất, cho thuê đất (Điều 31 Luật Đất đai) đều có tiêu chí là: a) Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; b) Phù hợp với quy hoạch xây dựng; c) Nhu cầu sử dụng đất. Việc thẩm tra các tiêu chí nói trên trong trường hợp cấp Giấy chứng nhận đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, còn trong trường hợp xin giao đất, cho thuê đất do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo quy định tương ứng của pháp luật về đất đai, …

-         Căn cứ thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư và thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình đều có chung việc thẩm định sự phù hợp quy hoạch về xây dựng, …

Điều này dẫn đến hiện tượng, cùng một tiêu chí nhưng thẩm định nhiều lần, theo trình tự, thủ tục và thẩm quyền khác nhau. Do đó có thể mâu thuẫn về kết quả giải quyết, lúc đầu thì đồng ý, sau đó không đồng ý, cơ quan này chấp thuận, cơ quan khác có thể không chấp thuận, gây khó khăn lúng túng cho nhà đầu tư.

2.      Tính minh bạch trong các quy định trong các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng

Khi xem xét các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nhận thấy có hồ sơ chưa cụ thể, thiếu rõ ràng, điều này gây khó khăn lớn và có thể phát sinh những tiêu cực trong quá trình thực thi.

Ví dụ:

-         Luật Đầu tư quy định, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư phải có báo cáo năng lực tài chính (do nhà đầu tư tự lập và tự chịu trách nhiệm); giải trình kinh tế - kỹ thuật và bản giải trình đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng nhưng lại không quy định về hình thức và nội dung chi tiết;

-         Pháp luật về đất đai quy định, trong hồ sơ xin giao đất, thuê đất phải có văn bản thoả thuận về địa điểm hoặc văn bản cho phép đầu tư hoặc văn bản đồng ý cho xây dựng công trình (điểm b khoản 2 Điều 125 Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003). Không có quy định nào về việc cấp hay “cho phép đầu tư” và “đồng ý cho xây dựng công trình”. Điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi tiến hành thủ tục trên thực tế và có thể tạo ra sự tuỳ tiện cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ trong việc nhận và xử lý hồ sơ;

-         Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, trong quá trình lập và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhà đầu tư phải xin ý kiến Uỷ ban nhân dân và Mặt trận tổ quốc cấp xã về giải pháp bảo vệ môi trường và việc thực hiện dự án tại địa phương. Tuy nhiên, pháp luật về môi trường không đưa ra tiêu chí để trên cơ sở đó Mặt trận tổ quốc xã và Uỷ ban nhân dân xã cho ý kiến về dự án;

-         Pháp luật đất đai không đưa ra tiêu chí cụ thể về việc xác minh mức độ chấp hành pháp luật về đất đai của người sử dụng đất trong quá trình thực hiện các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất của Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất đang làm thủ tục giao đất, cho thuê đất khi liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất đã giao, đã cho thuê. Tương tự với như vậy đối với việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất;

3.      Đơn giản hóa thủ tục hành chính

 Trong quá trình tiến hành thủ tục đầu tư, có một số quy định về thủ tục không cần thiết, gây phiền phức cho nhà đầu tư cũng như không có tính hiệu quả về mặt quản lý từ phía các cơ quan nhà nước.

-         Đề nghị bãi bỏ quy định về đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước. Việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đầu tư tạo ra những điều bất hợp lý như: Chi phí quá lớn mà Nhà nước phải bỏ ra (về nhân lực, cơ sở vật chất, …), những chi phí mà xã hội phải bỏ ra (thời gian, tiền bạc của nhà đầu tư) để làm các thủ tục (dù chỉ là đăng ký) đối với hàng triệu dự án đầu tư, trong khi hiệu quả đạt được lại rất nhỏ (việc quản lý trực tiếp đối với các dự án thông qua quy định về đăng ký không giúp Nhà nước quản lý được chất lượng của các dự án, cũng không kiểm soát được hiệu quả triển khai dự án sau đó);

-         Xem xét để bãi bỏ quy định về chứng chỉ hành nghề của Tổng giám đốc, giám đốc (từ Điều 16 đến Điều 19 Luật Doanh nghiệp);

-         Sửa Luật Đầu tư theo hướng: tách Giấy chứng nhận đầu tư (như là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) thành: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài;

-         Ngoài ra, một số chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị nếu được, tách thủ tục đầu tư thành hai loại, loại đầu tư xây dựng công trình có gắn với đất đai và loại đầu tư không xây dựng công trình, không gắn với đất đai với các thủ tục khác nhau, hồ sơ khác nhau, điều kiện khác nhau. Cũng có ý kiến cho rằng với các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cần phân biệt các loại dự án, theo nguyên tắc dự án chỉ cần “tiền đăng, hậu kiểm” và dự án “tiền kiểm, hậu kiểm”.

Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đề nghị Dự thảo xem xét cải tiến theo hướng tạo tính liên thông giữa các cơ quan nhà nước tiến hành thủ tục, quy định một cơ quan nhà nước tiếp nhận và trả hồ sơ.


[1] Theo khảo sát của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hôi, tổng thời gian từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi khởi công công trình đối với dự án nhóm A là 42 tháng, nhóm B là 29 tháng và nhóm C là 23 tháng. Nếu cộng thêm thời gian thi công khoảng 5-7 năm nữa thì một dự án nhóm A có thể mất hơn 10 năm mới hoàn thành.

Các văn bản liên quan