Trích ý kiến của đại biểu Vũ Thị Phương Anh – Quảng Nam về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:37 05-06-2009

Qua nghe Tờ trình về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, tôi cơ bản nhất trí với những nội dung đã trình bày. Để góp phần hoàn chỉnh dự án luật sửa đổi, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau.

Thứ nhất, về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp ở Khoản 1, Điều 154, tôi cơ bản thống nhất với đại biểu Nguyễn Danh vừa phát biểu. Tôi xin phân tích thêm, phần này quy định như vậy là cần thiết, vì để bảo hộ thị trường dịch vụ Việt Nam, trước đây có thể nói pháp luật của ta không cho phép các tổ chức nước ngoài có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ này. Luật sở hữu trí tuệ đã mở cửa cho thị trường dịch vụ này và cho các công ty nước ngoài.

Thị trường dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp ở nước ta hiện nay đa phần là khách nước ngoài, vì vậy đơn đăng ký của người nước ngoài chiếm tỷ lệ rất lớn và bắt buộc phải nộp qua đại diện. Nếu các công ty luật nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam chỉ mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện mà được phép cung cấp dịch vụ này thì nguy cơ việc làm của các tổ chức Việt Nam sẽ bị chuyển dịch phần lớn sang các tổ chức ở nước ngoài. Các nước sẽ không mở cửa thị trường này, vì vậy việc bảo vệ thị trường của Việt Nam vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa bảo đảm sự bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam trên bình diện quốc tế.

Vấn đề thứ hai, về thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp ở Điều 119, theo tôi việc kéo dài thời hạn thẩm định nội dung đăng ký sáng chế, kiểu sáng công nghiệp, nhãn hiệu là cần thiết. Vì đây là một quá trình phức tạp và đòi hỏi đủ thời gian để đảm bảo các vấn đề sau đây, việc này nghiên cứu dựa trên các quy định, vì thời gian có hạn nên tôi không nêu ra. Tôi xin phép nêu một số lý do sau đây:

Thứ nhất, việc thực hiện các công việc có khối lượng lớn, chuyên môn sâu gồm tra cứu thông tin và so sánh đánh giá đối tượng đăng ký theo các tiêu chuẩn bảo hộ.

Thứ hai, tiếp cận đủ các đơn nộp sau nhưng có quyền ưu tiên theo Công ước Pari mà Việt Nam đã gia nhập từ năm 1949 và để tránh nguy cơ gây tranh chấp về quyền ưu tiên dẫn đến việc hủy bỏ văn bằng, sau đó sẽ gây phiền toái, tốn kém cho các chủ thể được hưởng quyền ưu tiên, gây mất ổn định và tổn hại cho việc đầu tư để khai thác quyền sở hữu công nghiệp cho người được cấp bằng sai, tạo thêm gánh nặng công việc cho các cơ quan sở hữu trí tuệ.

Thứ ba, tạo cơ hội sử dụng được kết quả thẩm định của nước ngoài nhất là đối với các sáng chế thuộc công nghệ cao mà khả năng của chúng ta chưa thẩm định được.

Thứ tư, giải tỏa được sức ép về thời gian do sự gia tăng đột biến về số đăng ký sở hữu công nghiệp của các chủ thể trong và ngoài nước để tránh tạo ra kết quả thẩm định không chính xác, kéo theo các đơn khiếu nại khiến công tác thẩm định ngày càng trở nên phức tạp và gây thiệt hại cho chính chủ khi xin đăng ký sở hữu công nghiệp.

Khi kéo dài thời hạn như vậy qua thẩm tra thấy có một số ý kiến, tuy nhiên ý kiến cá nhân chúng tôi thấy rằng việc kéo dài như vậy không ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của doanh nghiệp do ngày nộp đơn là cơ sở để xác định quyền ưu tiên so với người khác. Nếu chúng ta nộp đơn tại Việt Nam ngày 1/1/2000, cũng có cái đó nộp tại Pháp vào ngày 2/1 thì chúng ta phải chờ đủ thời gian mới được. Trong thời gian chờ cấp bằng thì quyền lợi của người nộp đơn vẫn được thừa nhận. Các nước hiện nay không quy định thời gian cụ thể cho việc thẩm định đơn. Thời hạn xử lý của Việt Nam không thể ngắn hơn thời hạn xử lý trung bình của một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc.

Các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tự động hóa trong quy trình xử lý để nâng cao năng suất lao động thì có thể áp dụng được. Theo tôi thời gian như vậy là hoàn toàn hợp lý.

Thứ ba, về vai trò của cơ quan tổ chức Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định ở Khoản 2, Điều 201. Khoản 2, Điều 201 dự thảo quy định một nguyên tắc rằng giám định là lĩnh vực hành nghề có điều kiện, chỉ có tổ chức cá nhân đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật mới được hoạt động giám định sở hữu trí tuệ ở Khoản 2 này. Luật không quy định cụ thể, các điều kiện đó giao cho Chính phủ thẩm quyền lại ở Khoản 5, theo tôi giao cho Chính phủ là hợp lý. Tuy nhiên khi ra thẩm định này thì chúng tôi xin đề nghị Chính phủ cần phải có nghiên cứu, rà soát để có ra thẩm định cho nó phù hợp, bởi vì chúng ta đã có Pháp lệnh về giám định tư pháp, mặt khác nhu cầu về giám định thì nó bao gồm cả giám định hành chính và giám định nhân sự ở trong này. Hiện nay đối với Việt Nam chúng ta cũng nhận thấy trong thời gian qua đã có sự quan tâm đầu tư, chính vì vậy hiện nay nguồn lực chuyên gia của chúng ta cũng rất lớn, để tận dụng được nguồn lực chuyên gia và phát huy được năng lực của các chuyên gia, kinh nghiệm chuyên môn hiện nay tập trung ở các cơ quan Nhà Nước song song với xã hội hóa, hoạt động giám định cần được giao cho các tổ chức sự nghiệp của Nhà nước thực hiện. Tuy nhiên tình trạng chung của Nhà nước ta hiện nay là nhiều hoạt động sự nghiệp và cung cấp dịch vụ công vẫn do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện và đang từng bước được phân cấp trong chia tách hành chính hiện nay. Do đó cơ quan quản lý Nhà nước cần phải thành lập các tổ chức sự nghiệp độc lập để thực hiện chức năng giám định về sở hữu trí tuệ như vậy đảm bảo chuyên môn hóa sâu cũng như đi sâu vào trong lĩnh vực này, đảm bảo tính chính xác được cao, đây là lĩnh vực lớn.

Vấn đề thứ tư, về mức xử phạt Khoản 4, Điều 214 về phương án thay thế cơ chế xác định mức phạt hiện nay từ 1 đến 5 lần giá trị hàng xâm phạm, bằng cơ chế chung theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đến 500 triệu đồng thì chúng tôi có một số ý kiến sau đây:

 Có thể nói là cơ chế riêng về mức phạt tính theo giá trị hàng xâm phạm của Luật sở hữu trí tuệ thì khác với Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng thống nhất đối với các lĩnh vực, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính mới được sửa đổi năm 2008 đã khắc phục được nhược điểm này bằng quy định là nâng mức phạt tối đa lên 500 triệu đồng đủ lớn để răn đe và trừng phạt, cơ chế riêng về mức phạt thì khác với Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính sẽ gây bất cập về thẩm quyền xử phạt và theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008, chỉ có chánh thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền mới được phạt vượt khung của pháp lệnh là trên 500 triệu đồng. Điều này không khả thi vì nó sẽ dẫn đến hai thái cực đó là những vụ việc như vậy sẽ dồn quá tải về các đơn vị lớn như các Bộ hoặc Trung ương và không làm xuể, hoặc các cơ quan khác sẽ cố ý phạt ở mức thấp trong thẩm quyền của mình.

Về mức phạt thì xác định theo giá trị hàng xâm phạm gây nên nghịch lý về tương quan giữa mức phạt và mức độ nghiêm trọng của vi phạm khi giá trị hàng xâm phạm tỷ lệ nghịch với mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm, trong đó hàng xâm phạm giá trị thấp do kém chất lượng hoặc khi hàng có giá trị sử dụng ở mức phạt càng thấp thì thậm chí mức phạt không đáng kể và không có tính răn đe cao. Cho nên ngược lại, hàng xâm phạm có giá trị lớn do bản thân hàng hóa có giá trị cao và chất lượng không thua kém hàng thật thì mức phạt này càng lớn và có thể lớn tới mức không khả thi. Cho nên cơ chế phạt theo giá trị hàng xâm phạm thì có thể phá vỡ ranh giới và gây nên sự khập khiễng giữa hệ thống pháp luật hành chính. Như vậy, việc sửa đổi thì tôi hoàn toàn thống nhất với ý đó. Riêng vấn đề này, tôi xin đề nghị phải có một quy chế riêng để hạn chế việc hàng giả, hàng nhái để đảm bảo được chất lượng.

Các văn bản liên quan