Việc giảm vốn điều lệ cho Công ty cổ phần

Thứ Ba 14:18 16-12-2008

Việc giảm vốn điều lệ cho Công ty cổ phần

---------------------

Ths.Ls.Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Trưởng VPĐD Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp tại TP.HCM

  

Sự thống nhất pháp luật điều chỉnh các loại hình kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế (nhà nước, dân doanh và nước ngoài) chung trong Luật doanh nghiệp là một bước đột phá mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với tiến trình đổi mới nhưng với Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 về đăng ký kinh doanh và Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 hướng dẫn một số điều Luật doanh nghiệp thì chưa đủ sức để đưa luật doanh nghiệp vào cuộc sống, thực tiễn vận hành Luật doanh nghiệp đã và đang đặt ra một yêu cầu cần sửa đổi luật doanh nghiệp để cho các doanh nghiệp có thể hoạt động ngày càng tốt hơn.  

 

Trên tinh thần đó hôm nay Bộ Tài chính và VCCI  tổ chức góp ý cho Thông tư hướng dẫn điều chỉnh tăng, giảm vốn điều lệ và quản lý cổ phiếu quỹ trong công ty cổ phần nhằm thực hiện việc tăng giảm vốn cho Công ty cổ phần, chúng tôi có một số ý kiến góp ý như sau :

 

1)-Có nên quy định việc giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần hay không ?

Như chúng ta đã biết hiện nay số vốn đăng ký góp của các cá nhân khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là con số ảo do nhiều nguyên nhân khác nhau do các ông chủ “dzỏm” muốn cho oai với con số đã đăng ký hoặc do sự nhận thức không đầy đủ hoặc thiếu thông tin khi lập thủ tục đăng ký kinh doanh (không phân biệt số vốn đăng ký góp và số vốn cần huy động qua cổ phần chào bán) nên đã đăng ký gộp số vốn đăng ký góp vào số chào bán hoặc một số doanh nghiệp cần tăng số vốn lên để đủ vay ngân hàng chứ thật sự là không có vốn.

Hậu quả dẫn đến là khi các doanh nghiệp đăng ký vốn ảo này, cần huy động vốn hoạt động kinh doanh thì không được hạch toán khoản lãi vay huy động vốn trong giá thành chi phí sản xuất kinh doanh vì quy định không được hạch toán chi phí lãi vay đối với phần vốn tự có (đăng ký góp), song song đó số vốn ảo đã được thống kế trên mạng đăng ký kinh doanh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của đồng vốn nội lực trong vòng quay sản xuất kinh doanh (thực tế là không có đúng số vốn của nguồn nội lực) 

Do đó theo chúng tôi Luật cần quy định cởi trói những ách tắc nêu trên cho doanh nghiệp nhưng trình tự thủ tục quy định cần chặt chẻ và phù với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

2)-Luật doanh nghiệp có cho phép giảm vốn điều lệ đối với công ty cổ phần hay không ?

            Việc giảm vốn điều lệ Công ty cổ phần được quy định khá cụ thể tại Luật doanh nghiệp và Nghị định 139/NĐ-CP ngày 5/9/2007 như sau :

Điều 84/Luật doanh nghiệp (2005) Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập

Khoản 4. Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 15/Nghị định 139/NĐ-CP ngày 5/9/2007

Khoản 3. Sau ba năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu số cổ phần được quyền chào bán quy định tại khoản 4 Điều 84 của Luật Doanh nghiệp không được bán hết thì công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã phát hành.

            Theo hai điều luật trên được hiểu Luật doanh nghiệp không cho phép Công ty cổ phần được quyền giảm số vốn điều lệ mà các cổ đông sáng lập đã đăng ký góp và chỉ được giảm số cổ phần còn chào bán nhưng sau 3 năm vẫn không bán được.Quy định luật như trên theo chúng tôi là phù hợp để đảm bảo trách nhiệm hữu hạn của các nhà kinh doanh sau khi đăng ký kinh doanh.Đặc biệt đối với các công ty đã bán cổ phiếu ra công chúng thì lại rất khó quản lý cho việc giảm vốn,vì tính chất cổ đông hết sức đa dạng, chuyển đổi khi mua bán cổ phiếu.

            Dự thảo Thông tư tại Phần III về giảm vốn điều lệ mục 1 quy định

1. Các trường hợp giảm vốn điều lệ.

1.1. Giảm vốn điều lệ khi nhu cầu về vốn của công ty giảm do công ty thay đổi ngành nghề kinh doanh, tổ chức lại với quy mô nhỏ hơn trước.

1.2. Bị buộc phải huỷ bỏ cổ phiếu quỹ.

1.3. Giảm vốn điều lệ khi công ty kinh doanh thua lỗ và có số lỗ luỹ kế bằng 50% vốn của các cổ đông trở lên nhưng chưa mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

            Dự thảo Thông tư quy định như vậy được hiểu theo hướng không phân biệt là được giảm nguồn chào bán mà được giảm tất cả bao gồm cả nguồn đăng ký góp. Theo chúng tôi là chưa ổn vì Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật doanh nghiệp của Bộ tài chính không thể quy định trái với Luật doanh nghiệp (khoản 4 điều 84) và Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 (khoản 3 điều 15) như đã viện dẫn nêu trên.Do đó chúng tôi không đồng tình với quy định của dự thảo

 

3)-Thực tiễn thực hiện việc giảm vốn tại cơ quan đăng ký kinh doanh tại TPHCM

            Qua tiếp cận việc áp dụng pháp luật doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi được biết hầu như chưa có trường hợp công ty cổ phần nào được giảm vốn theo quy định của điều 84 khoản 4 Luật doanh nghiệp và khoản 4 điều 15 của Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007.

            Gấn đây nhất công văn số 5625/BKH-PTDN ngày 1/8/2008 của Bộ Kế hoạch Đầu tư do Ông Chánh Văn phòng Trần Tường  Lâm ký phát hành trả lời cho công văn 03922/KHĐT-ĐKKD ngày 27/6/2008 của Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM vẫn khẳng định :

Việc điều chỉnh giảm vốn của công ty cổ phần được thực hiện trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp

 

4)-Một số kiến nghị :

            Như đã phân tích nêu trên việc quy định giảm vốn điều lệ cho loại hình Công ty cổ phần là cần thiết với thực tế Việt Nam nhưng muốn quy định vần đề này cần phải thận trọng, vì nếu không xem xét lại dự thảo nêu trên thì Thông tư chưa được ban hành sẽ chết yểu giống như các văn bản của Bộ Giao thông vận tải về đưa xe là tài sản cá nhân vào Hợp tác Xã và Bộ Y Tế quy định về người lùn và ngực lép không được lái xe gắn máy vừa qua hoặc giả định Thông Tư được ban hành thì cũng không thể thực hiện được trong thực tế vì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không thực hiện nếu Thông tư của Bộ Tài chính trái với Luật Doanh nghiệp và các Nghị định của Chính phủ.

Theo chúng tôi trước tiên cần phải kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật doanh nghiệp để đảm bảo tính thống nhất và hiệu lực pháp lực khi áp dụng pháp luật thực tiễn.

            Bước kế tiếp cần có bước điều tra cẩn thận trong việc quy định các điều kiện cần thiết cho giảm vốn điều lệ, các hình thức điều chỉnh vốn điều lệ, các trình tự thủ tục phải thực hiện khi giảm vốn điều lệ

Sau cùng là ban hành các văn bản dưới luật điều chỉnh thì phù hợp hơn với cách triển khai như hiện nay./

Các văn bản liên quan