Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Tự Nam – Đồng Tháp

Thứ Ba 16:43 25-05-2010

 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Trước khi tham gia góp ý vào dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chúng tôi nghĩ đến một câu thơ của Bác Hồ, chúng tôi xin đọc câu thơ đó, bởi vì chúng tôi hiểu nó thể hiện được rất nhiều nội dung mà chúng ta đang quan tâm. Bác Hồ có viết:

"Nước ta ở vào xứ nóng, khí hậu tốt

Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu

Nhân dân dũng cảm và cần kiệm

Các nước anh em giúp đỡ nhiều"

Như vậy đấy là tình hình cả đất nước, cả về thiên nhiên, tài nguyên lẫn về tính cách con người, do thời gian có thể nói một số yếu tố nó đã giảm đi rồi, cho nên tôi nghĩ rằng trong thời điểm hiện nay việc ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả theo chúng tôi là rất cần thiết và hơn nữa là qua nghiên cứu báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ chúng tôi thấy đây là một trong những báo cáo mà Chính phủ có ba lần nhắc đến việc phải sử dụng tiết kiệm không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà tiết kiệm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, với cách đặt vấn đề đó thì chúng tôi thấy rất đồng tình với luật này, tuy nhiên chúng tôi xin tham gia mấy ý kiến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, trong dự thảo luật ở Điều 1 có quy định phạm vi điều chỉnh là luật này quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quyền nghĩa vụ của tổ chức hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thưa Quốc hội, trong 48 điều của dự thảo luật này có đến 30 điều và các khoản nói đến cụm từ "có trách nhiệm ", về cụm từ này chúng tôi sẽ phân tích sau nhưng chúng tôi xin đề nghị là trong phạm vi điều chỉnh phải có nêu về trách nhiệm. Chính vì lẽ đó chúng tôi xin đề nghị Khoản 1, Điều 1 của phạm vi điều chỉnh phải quy định là luật này quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chính sách biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quyền nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Điểm thứ hai, về trách nhiệm quản lý Nhà nước, trong các điều luật khi quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước thì chúng ta thấy dự thảo có nói đến trách nhiệm của Bộ khoa học, công nghệ, trách nhiệm của Bộ xây dựng, trách nhiệm của Bộ giao thông vận tải, của Bộ công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhưng chúng tôi thấy còn trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành khác. Chúng tôi xin ví dụ: Tại Khoản 5, Điều 45, khi nói về trách nhiệm của Bộ công thương có nói rằng tham gia tuyên truỳên phổ biến giáo dục pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chúng tôi thấy ở trong này còn phải có trách nhiệm của Bộ thông tin truyền thông, trách nhiệm của Bộ giáo dục và đào tạo, trách nhiệm của Bộ văn hóa thể thao và du lịch còn các bộ khác nữa. Đấy là những Bộ quản lý Nhà nước có trách nhiệm rất quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như trong các hoạt động, ở Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch trong các hoạt động thông tin quảng cáo làm sao vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả. Ví dụ, đã có lúc chúng ta bàn đến chuyện bây giờ thiết kế ánh sáng ở tháp Rùa như thế nào. Nó chạy theo các đường viền của tháp hay là những cụm đèn chiếu hắt lên tháp để phô diễn tất cả những vẻ đẹp kiến trúc của tháp. Đấy chỉ là một điều nhỏ trong hàng loạt hoạt động quảng cáo và tuyên truyền. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng có trách nhiệm của các Bộ quản lý Nhà nước rất quan trọng. Cho nên chúng tôi xin đề nghị cũng phải bổ sung thêm trách nhiệm của các Bộ như vậy.

Điểm thứ ba, về tổ chức thực hiện, các đại biểu trước như đại biểu Nguyễn Văn Phúc cũng đã nêu về hoạt động kiểm toán. Ở đây chúng tôi chỉ xin đề nghị một ý, tức là đối với luật này hoạt động thanh tra, kiểm tra và trong đó có hoạt động kiểm toán, trong này có quy định Bộ Công thương sẽ quy định về trình tự, thủ tục kiểm toán, chúng tôi xin đề nghị nếu có thể được thì trình tự, thủ tục kiểm toán phải được quy định ngay trong luật này.

Một điểm nữa về giải thích từ ngữ liên quan đến 2 điều: Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và Điều 2 về đối tượng áp dụng. Chúng tôi xin đề nghị trong này có dùng đến từ "tổ chức". Lâu nay trong các luật chúng ta đều có quy định là cơ quan, tổ chức, đơn vị và sau đây gọi là cơ quan, tổ chức. Nếu ở luật này không có quy định như thế thì chúng tôi thấy từ "tổ chức" cũng không rõ. Cho nên chúng tôi xin đề nghị cũng thể hiện cho đúng với tinh thần quy định ở các dự thảo luật trước. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan