Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Quang Xuân – Đồng Tháp

Thứ Tư 09:47 26-05-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có một số ý kiến như sau:

Điểm thứ nhất, tôi cũng bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Từ kỳ thứ 6 tôi nghĩ có nhiều điểm mới đã được tiếp thu, chỉnh lý tương đối cụ thể. Ví dụ, Điều 15 về quản lý Nhà nước về trọng tài cũng xác định giao cho Bộ Tư pháp, tôi cũng bày tỏ sự chia sẻ. Điều 72 như đã điều chỉnh hay Điều 48. Tôi nghĩ những tiếp thu đó rất đáng trân trọng và hoan nghênh.

Thứ hai, tôi xin có một số bình luận về một vài ý kiến các đồng chí nêu trước.

Thứ nhất, Điều 4 về nguyên tắc tiến hành không công khai. Tôi nghĩ đây không phải một Tòa án, mà như giải thích, giải trình và chúng ta cũng đã chia sẻ nhiều ý kiến đây là giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Có nghĩa là nguyên tắc tự nguyện rất cao, nguyên tắc đến với trọng tài là phải hai bên tự nguyện cùng đến, cho nên là trên thế giới họ giải quyết vấn đề này hầu hết là không công khai. Nhưng dự thảo Luật tôi nghĩ nêu như thế này là xác đáng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, vấn đề này bỏ ngỏ cho những cái linh hoạt cho việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Về Điểm 50, tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc hai ý kiến. Ý kiến đại biểu Đào đoàn Hà Nội và ý kiến của đại biểu Luật đoàn Kiên Giang. Hai cách đề cập khác nhau nhưng tôi nghĩ có những nội dung chúng ta cân nhắc để sửa đổi.

Về Điều 22 tôi cũng nói thêm đây là phạm vi trách nhiệm của trọng tài viên. Trong này có nói đến nhiệm vụ của trọng tài viên, ví dụ trách nhiệm về các hành vi của mình khi cố ý vi phạm các quy định của pháp luật. Tôi tìm mãi trong dự thảo Luật này không thấy quy định về nhiệm vụ của trọng tài viên ở đâu cả. Tôi nghĩ nên chăng phải có thêm một điều khoản để nói về nhiệm vụ của trọng tài viên. Các đồng chí thử tìm thêm xem có thấy cụ thể nhiệm vụ không nhưng tôi thấy nên có quy định về nhiệm vụ, như thế cho rõ để cho trọng tài viên dựa vào đó để có chương trình hành động của mình, dựa vào đó để có cách tiếp cận của mình và dựa vào đó để vươn lên phấn đấu trình độ của mình.

Ý kiến cuối cùng tôi nghĩ đây là một luật mà dính đến yếu tố nước ngoài rất nhiều và dựa vào luật mẫu của Liên Hợp Quốc thì đã thể hiện được nội dung và tất cả các phần đã cân đối, tôi nghĩ là nếu chúng ta điều chỉnh một số điểm nữa, có thể thông qua sớm luật này vì sẽ thêm văn bản pháp lý nữa để bổ sung vào bộ hồ sơ hội nhập và thực hiện cam kết hội nhập của nước ta đối với Tổ chức thương mại thế giới. Bên cạnh các luật về hội nhập, luật thực hiện cam kết, đặc biệt các luật liên quan đến thương mại có cả Luật giải quyết tranh chấp thương mại có các yếu tố nước ngoài rất nhiều. Hiện nay ta đang có vụ kiện tôm với Hoa Kỳ tại Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng ta đã từng kiện cá da trơn lên tòa của Mỹ, tôi nghĩ sự kiện tranh chấp vừa qua, trọng tài ra đời sẽ nâng vai trò của chúng ta lên một bước, tức là ngày mai yếu tố nước ngoài sẽ sử dụng luật này để giải quyết những tranh chấp. Chính vì vậy tôi nghĩ trình độ, tiêu chuẩn của trọng tài viên là yếu tố rất quan trọng. Người ta có sử dụng trọng tài của mình hay không phụ thuộc bản lĩnh và trình độ cũng như uy tín của trọng tài. Chúng tôi nghĩ nay mai chúng ta giải quyết trong ASEAN, giải quyết trong khu vực thương mại tự do FTA đang đàm phán về ký kết với nhiều đối tác trong khu vực và thế giới, yếu tố nước ngoài rất quan trọng.

Vì vậy trong Điều 20 tiêu chuẩn của trọng tài viên có nêu thêm tiêu chuẩn nữa là vấn đề ngoại ngữ hay không? Anh làm trọng tài cho quốc tế rồi phải nâng cấp lên, trọng tài viên phải là người có uy tín, phải có trình độ và có năng lực, giờ làm trọng tài thông qua phiên dịch sẽ mất đi 15 - 20%, thậm chí là 30%. Vậy có nên nêu thêm điều khoản tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ, bây giờ người ta dùng tiếng Anh nhiều hoặc chúng ta dùng 1 trong 6 tiếng của Liên hợp quốc sử dụng bây giờ, bắt buộc phải sử dụng một loại ngoại ngữ trong công việc của mình như thế tôi nghĩ nó sẽ vươn tầm lên quốc tế. Nếu nặng quá, khó quá thì chúng ta bớt đi một chút là ưu tiên tiêu chuẩn để cử các trọng tài có trình độ ngoại ngữ có thể sử dụng trong phán quyết của mình. Tôi nghĩ hội nhập quan trọng và luật này rất quan trọng. Ở đây chúng ta có Điều 10, Điều 20, đặc biệt là một chương riêng về người nước ngoài, Chương VII tổ chức và hoạt động trọng tài nước ngoài tại Việt Nam v.v... Yếu tố để làm thế nào cho nó ngang tầm với trọng tài quốc tế và nó có tính chất, uy tín để sử dụng trong tranh chấp thương mại là rất cần thiết. Tôi xin góp ý kiến như vậy. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan