Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luật – Kiên Giang

Thứ Tư 09:18 26-05-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin phép được có một số ý kiến về dự án Luật trọng tài thương mại.

Thứ nhất, đối với 8 nội dung theo gợi ý của Đoàn Chủ tịch kỳ họp tôi xin được phát biểu như sau.

Ý kiến thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài, tôi cũng tán thành ý kiến của của đại biểu Nguyễn Đăng Trừng - Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã phân tích rất sâu sắc, tôi xin không nhắc lại.

Nội dung thứ hai về quản lý Nhà nước về trọng tài tại Điều 15, tôi tán thành với nội dung đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy định như vậy vừa đề cao được vai trò quản lý của Nhà nước cũng như tôn trọng và phát huy được tính tự chủ của các Trung tâm trọng tài với tư cách là các tổ chức nghề nghiệp và xã hội nghề nghiệp.

Ý thứ ba, về phạm vi, trách nhiệm của trọng tài viên Điều 22. Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn về quy định của dự thảo luật cho rằng trọng tài viên sẽ phải chịu trách nhiệm kể cả trong trường hợp lỗi vô ý, không hạn chế chỉ có trường hợp lỗi cố ý. Quan điểm cá nhân tôi, tôi tán thành với dự thảo luật đã được thể hiện tại Điều 22. Bởi vì trọng tài viên ở đây do các bên tự nguyện lựa chọn, khi đã lựa chọn rồi thì họ phải tìm xem những người nào có đủ các điều kiện, có uy tín, có năng lực để giải quyết quyền lợi cho họ căn cứ vào thỏa thuận trọng tài và các quy định của pháp luật, cho nên đều xuất phát từ ý chí, nguyện vọng, tính chủ động lựa chọn của các bên. Bây giờ đặt ra là vô ý, ở đây chúng tôi thấy có một điểm là chúng ta ban hành luật này trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế rất sâu, rộng. Ngay các đối tác nước ngoài khi lựa chọn hoặc người nước ngoài muốn tham gia trở thành trọng tài viên của các Trung tâm trọng tài Việt Nam đặt các điều kiện, các quyết định phải chịu trách nhiệm kể cả trong trường hợp vô ý, có lẽ chúng tôi thấy vấn đề này chúng tôi rất băn khoăn. Chúng tôi có tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài thì luật nhiều nước người ta cũng chỉ quy định lỗi cố ý thôi, còn nếu quy định trọng tài viên phải chịu trách trong cả lỗi vô ý thì rất là khó cho các trọng tài viên.

Ý thứ tư là thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trong việc thu thập chứng cứ Điều 47, tôi thấy liên quan đến tiếp tục kế thừa và khắc phục hạn chế của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, việc quy định cho Hội đồng trọng tài được thu thập chứng cứ chúng tôi thấy rất cần thiết, đảm bảo tính chủ động của Hội đồng trọng tài vì là một cơ quan tài phán tư được thành lập, được quyền ra phán quyết, nếu như không quy định được quyền thu thập chứng cứ nó không phù hợp.

Về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Điều 50 tôi thấy với 6 biện pháp quy định như vậy là nó cũng phù hợp, bởi vì là một tổ chức tài phán tư được xem xét để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở các yêu cầu của các bên, vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như trong Điều 50 là phù hợp, vì nó khác Tòa án là yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bộ luật tố tụng dân sự là Tòa án áp dụng để giải quyết các vụ việc về dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác mà luật quy định thuộc thẩm quyền của Tòa án, nên Tòa án áp dụng đối với các bên và với người thứ ba. Trong Điều 50 quy định là Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên trong vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đang giải quyết, chứ không có tính chất cưỡng chế đối với người thứ ba, ví dụ các bên đang tranh chấp nhưng để hạn chế, ngăn cản một trong các bên rút tiền, chuyển tiền ra khỏi tài khoản để tẩu tán tài khoản tại ngân hàng thì theo yêu cầu của một bên Hội đồng trọng tài hoàn toàn ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm không cho bên đó chuyển tiền ra khỏi tài khoản. Nhưng ở đấy nó sẽ có một cái vướng là vậy thì đối với ngân hàng Hội đồng trọng tài không thể buộc cưỡng bức ngân hàng phải là đóng tài khoản của đương sự đó lại thì lại liên quan đến vấn đề tòa án. Cho nên đặt ở đây là vai trò của tòa án hỗ trợ trọng tài là hết sức cần thiết. Cái này không chỉ bây giờ mới đặt ra mà ngay trong Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 cũng đã có quy định là Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để hỗ trợ Hội đồng trọng tài giải quyết các vụ tranh chấp.

Bây giờ chúng ta trong việc này chỉ có khác là vẫn quy định tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để hỗ trợ Hội đồng trọng tài trong một số các trường hợp nhưng mà vẫn mở rộng quyền cho Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với 6 biện pháp, với điều kiện hết sức cụ thể quy định tại Điều 50. Còn cũng có ý kiến một số vị đại biểu cho rằng áp dụng như vậy có mâu thuẫn gì với Khoản 2, Điều 99 của Bộ luật tố tụng dân sự không, rồi các quyết định trong Bộ luật tố tụng dân sự có mâu thuẫn với luật này hay không, thì chúng tôi cho rằng là hoàn toàn không mâu thuẫn. Là vì Khoản 2, Điều 99 của Bộ luật tố tụng dân sự là áp dụng trong trường hợp là đương sự khởi kiện vụ án đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện thì có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với các điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 99, ví dụ cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ ngay bằng chứng, để bảo vệ giữ nguyên hiện trạng, tránh trường hợp là một trong các bên lại tẩu tán phá mất hiện trạng là tẩu tán bằng chứng sau này không thể khôi phục lại thì vấn đề cần phải can thiệp nhanh từ phía tòa án.

Đối với trọng tài thì khi mà đương sự người ta nộp đơn khởi kiện cho trọng tài thì Hội đồng trọng tài chưa được thành lập, mà Hội đồng trọng tài chưa được thành lập mà người ta đã nộp đơn rồi, quyền lợi đang bị xâm phạm cần phải có sự can thiệp thì lúc đó đề nghị yêu cầu cơ quan nào thì không thể khác được là ngoài tòa án, nhưng yêu cầu Tòa án thì vẫn phải căn cứ vào các điều kiện như chúng tôi vừa báo cáo tại Khoản 2, Điều 99 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đối với những trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì đương nhiên Tòa án sẽ áp dụng các quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự về điều kiện, về trình tự thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Chúng tôi xin được trình bày về mối quan hệ giữa Tòa án và Hội đồng trọng tài, đặc biệt là sự cần thiết hỗ trợ từ phía Tòa án. Vì thời gian phát biểu đã hết, lát nữa tôi xin đăng ký phát biểu tiếp để đảm bảo thời gian của đại biểu khác. Xin hết.

Các văn bản liên quan