Có luật, doanh nghiệp sẽ mặn mà với trọng tài?

Chủ Nhật 12:40 16-08-2009
 

Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Luật gia Việt Nam vừa tổ chức hội thảo góp ý về dự thảo Luật Trọng tài Thương mại tại Hà Nội.

Với đa số ý kiến khẳng định, dự thảo luật đã thể hiện rõ nguyên tắc được quốc tế công nhận, đây là một trong số ít những dự thảo khi đưa ra thảo luận lấy ý kiến đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia.

Băn khoăn chuyện đặt tên

Đồng tình với đa số nội dung của Luật Trọng tài Thương mại song một số ý kiến cho rằng nên rút gọn tên gọi thành "Luật Trọng tài". GS. TSKH Đào Trí Úc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam lý giải: Trước hết, đề xuất này xuất phát từ sự cần thiết phải mở rộng thẩm quyền tài phán của trọng tài. Thứ hai, cách đặt tên này cũng giúp tránh được các tranh chấp không cần thiết liên quan đến việc xác định thẩm quyền của trọng tài, chẳng hạn xác định nội hàm của thuật ngữ "hoạt động thương mại" như theo quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại, phân biệt giữa hoạt động thương mại và các hoạt động khác không mang bản chất thương mại…Thứ ba, việc đặt tên là "Luật Trọng tài" cũng phù hợp với thực tiễn pháp luật các nước và thông lệ quốc tế. Thứ tư, mặc dù trong quá trình xây dựng "Luật Trọng tài, ban soạn thảo và tổ biên tập đã tích cực tham khảo luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài Thương mại Quốc tế, tuy nhiên việc sử dụng tên gọi là Luật Trọng tài là phù hợp hơn đối với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam so với việc sử dụng tên gọi là Luật Trọng tài thương mại quốc tế. "Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không chỉ giới hạn ở các giao dịch qua biên giới mang bản chất thương mại, mà còn các giao dịch tư không mang bản chất thương mại, các giao dịch tư trong nước"- GS. TSKH Đào Trí Úc nói thêm.

Từ những phân tích thuyết phục trên, đa số các ý kiến tại hội thảo đã nhất trí với đề xuất rút gọn tên gọi để mở rộng nội dung Luật về trọng tài. Luật sư Trần Quang Mỹ - Trung tâm Trọng tài Thương mại Á Châu còn khuyến nghị không nên hạn chế về quốc tịch trọng tài, nhưng cần phải hạn chế thành lập các tổ chức trọng tài.

Có luật, trọng tài sẽ có tiếng nói

Doanh nghiệp không mặn mà với trọng tài, thậm chí chưa có niềm tin với hệ thống giải quyết các tranh chấp là thực tế được nhiều đại diện doanh nghiệp phản ánh. "Hoạt động giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại các trung tâm trọng tài thương mại Việt Nam là bức tranh ảm đạm, không mấy lạc quan" - GS.TSKH Đào Trí Úc nói. Do đó, việc ban hành luật riêng về trọng tài sẽ giúp cho pháp luật về trọng tài của Việt Nam tiến gần hơn tới các chuẩn mực quốc tế, cụ thể là Luật Trọng tài mẫu quốc tế UNCITRAL.

Song để trọng tài thực sự phát huy được vai trò và khẳng định được tiếng nói của mình trong quá trình giải quyết các tranh chấp, GS. TSKH Đào Trí Úc cho rằng, cần mở rộng thẩm quyền của trọng tài phù hợp với tính chất của các quan hệ kinh tế - xã hội hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Theo đó, ngoài thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại, trọng tài sẽ được mở rộng thẩm quyền ra nhiều lĩnh vực, theo yêu cầu của các bên và các bên tranh chấp không chỉ là tổ chức, cá nhân kinh doanh. Với tính chất là hình thức "tài phán tư", trọng tài cần được tạo điều kiện để có thể giải quyết tất cả các tranh chấp tư, bao gồm cả các tranh chấp hợp đồng và ngoài hợp đồng, trừ những quan hệ liên quan đến lợi ích công và trật tự công cộng.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức trọng tài, hội đồng trọng tài và toà án, một hệ thống trọng tài hoạt động hiệu quả không chỉ giúp ích cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn giảm bớt gánh nặng công việc cho toà án. Trọng tài sẽ không thể hoạt động hiệu quả nếu như không nhận được sự hỗ trợ của hệ thống tư pháp hiện hành ở Việt Nam cũng là quan điểm của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa. Xem xét dưới góc độ xã hội, sự hậu thuẫn của toà án đối với các trọng tài và ngược lại sẽ góp phần gia tăng niềm tin của doanh nghiệp và xã hội với hệ thống công lý.

 Theo Kinh tế Đô thị

Các văn bản liên quan