Phải đảm bảo tính nhanh gọn, tự quyết, bảo mật của hoạt động trọng tài

Thứ Sáu 09:51 10-10-2008

Góp ý vào Dự thảo luật Trọng tài thương mại: Phải đảm bảo tính nhanh gọn, tự quyết, bảo mật của hoạt động trọng tài
 
Các điều khoản của Luật Trọng tài thương mại (TTTM) phải luôn xuất phát từ nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Theo đó, luật phải đảm bảo các bên được quyền tự quyết, nhanh, tính bảo mật cao, chi phí thấp, thủ tục mềm dẻo. Dự thảo luật TTTM do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo, tương đối công phu, đã đáp ứng được một phần những yêu cầu trên.

Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ ngày 7.1.2007. Trong cam kết với WTO về dịch vụ trọng tài, hòa giải, sau thời hạn 3 năm kể từ ngày 7.1.2007, Việt Nam cho phép tổ chức Trọng tài nước ngoài được hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức chi nhánh. Tôi cho rằng, Luật Trọng tài thương mại (TTTM) nên có quy định về tổ chức trọng tài nước ngoài phù hợp với các cam kết của Việt Nam.

Nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước và tự quản của các tổ chức nghề nghiệp là một chủ trương quan trọng nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và làm giảm gánh nặng của Nhà nước. Xã hội hóa hoạt động trọng tài là mục đích đặt ra trong chủ trương chung về xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp. Theo tôi, Dự thảo nên có một phần quy định về tổ chức Trọng tài toàn quốc, đảm nhận một số chức năng quản lý trọng tài. Trước đây, Pháp lệnh TTTM năm 2003 có 1 chương về quản lý Nhà nước. Song trong Dự thảo luật TTTM, tôi không thấy có chương này. Câu hỏi đặt ra là có cần sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này hay không? Nếu có thì quản lý cái gì và cần phải có công cụ như thế nào để quản lý. Trọng tài viên có cần thiết phải có thẻ trọng tài hay không? Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm và quy định cụ thể hơn vấn đề quản lý trong lĩnh vực trọng tài trong Dự thảo. Ngoài ra, theo tôi chúng ta cần quản lý chất lượng Trọng tài viên. Nếu so sánh với luật sư, thì thẩm quyền của trọng tài viên là rất lớn. Luật sư chỉ có quyền đưa ra ý kiến chứ không có quyền ra quyết định. Trong khi đó, trọng tài viên được ra quyết định, thậm chí quyết định của Trọng tài viên là chung thẩm. Hoạt động trọng tài là hoạt động mang hàm lượng trí tuệ cao chúng tôi cho rằng, đội ngũ trọng tài viên phải được chuyên nghiệp hoá và cơ chế công nhận trọng tài viên là cần thiết.

Thương lượng, hoà giải như là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thay thế khá phổ biến ở nhiều nước. Tôi hy vọng trong Luật TTTM nên có những điều khoản về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hoà giải và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế này. 

Tính bảo mật là một nguyên tắc bất di bất dịch của hoạt động trọng tài. Tính chất kín trái ngược với tính công khai trong giải quyết tranh chấp của Toà án. Đây cũng là đặc tính đặc trưng của trọng tài. Do vậy, theo tôi, tính bảo mật phải được quy định thành điều khoản riêng. Bởi lẽ, không chỉ trọng tài viên mới cần giữ bí mật mà cả quá trình tố tụng trọng tài bao gồm các dữ liệu, chứng cứ và thậm chỉ cả các phán quyết của Trọng tài cũng phải được bảo mật. Luật TTTM phải đảm bảo tính bảo mật của tố tụng trọng tài. Thậm chí, cả khi các bên không có thoả thuận về tính bảo mật.

Một điểm nữa đáng lưu tâm là tôi cho rằng không nên quy định Toà án can thiệp sâu vào hoạt động tố tụng trọng tài. Vì như vậy sẽ làm chậm tố tụng trọng tài và có thể sẽ tước bỏ ưu thế đặc trưng của trọng tài so với Toà án. Đây là cách giải quyết tranh chấp nhanh, gọn. Ví dụ Điều 44 Dự thảo về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tôi cho rằng nên nghiên cứu thêm, trong những trường hợp nào nên cho phép Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Ngoài ra, cũng nên làm rõ thế nào là lợi ích công cộng. Phán quyết trọng tài sẽ không được công nhận nếu trái với lợi ích công cộng của nước CHXHCN VN. Nếu không làm rõ, quy định này rất dễ bị lợi dụng để từ chối hoặc bác phán quyết của trọng tài.
Tóm lại, tôi thấy rằng, Luật TTTM phải đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là: nhanh, các bên tự quyết, tính bảo mật cao, chi phí thấp, thủ tục mềm dẻo.

Nguyễn Thị Minh Phó vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) - theo đời sống pháp luật

Các văn bản liên quan