Dự thảo Luật Trọng tài thương mại: Tiệm cận Luật Trọng tài quốc tế

Thứ Sáu 09:44 10-10-2008

Dự thảo Luật Trọng tài thương mại: Tiệm cận Luật Trọng tài quốc tế

Theo quan điểm của Phó tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC) Vũ Ánh Dương, Luật trọng tài thương mại Việt Nam cần trả lời được các câu hỏi như: Pháp luật trọng tài Việt Nam có dựa trên các quy định của Luật Trọng tài mẫu UNCITRAL không? Các bên có được tự do lựa chọn trọng tài viên không? Toà án hỗ trợ, giám sát trọng tài như thế nào, có toàn diện và đầy đủ không? Thời gian toà án giải quyết công việc trọng tài như thế nào…

Tuy nhiên, ngay phần bình luận chung đầu tiên của tổ chức Star – Vietnam thì dường như Dự thảo Luật Trọng tài thương mại đã trả lời khá tốt các câu hỏi này. Theo Star, dự thảo Luật Trọng tài thương mại của Việt Nam đang được soạn thảo có sự tiến bộ về nhiều mặt. Dự thảo đã thể hiện rất rõ nguyên tắc được quốc tế công nhận. Đó là những quy tắc áp dụng đối với quy trình tố tụng trọng tài sẽ do các bên thoả thuận. Dự thảo giúp cho pháp luật về trọng tài của Việt Nam tiến gần hơn tới các chuẩn mực quốc tế, cụ thể là Luật Trọng tài mẫu quốc tế UNCITRAL. Thậm chí dự thảo có một điểm khác biệt quan trọng so với luật mẫu đó là mở rộng phạm vi áp dụng với mọi loại hình tranh chấp chứ không hạn chế ở các tranh chấp thương mại.

Mở rộng thẩm quyền trọng tài

Nhìn chung, các quốc gia trên thế giới đều quan niệm trọng tài là mô hình giải quyết tranh chấp quan trọng. Tổng thư ký Trọng tài Quốc tế (ICC) Jactson Fry đã khẳng định, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn có nhiều ưu thế, trong đó nổi bật là tính nhanh gọn, bí mật và phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm… Ông cũng nhấn mạnh, đây là con đường mà các DN nước ngoài tin tưởng và các DN Việt Nam cũng nên tin tưởng lựa chọn.

Đồng quan điểm này, Giám đốc Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) khu vực Châu Á khuyến cáo, trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ làm ăn với các nước trên thế giới, là thành viên WTO, một sân chơi mà vấn đề tranh chấp thương mại diễn ra thường xuyên thì ngay từ lúc này, các DN Việt Nam cần có một cái nhìn nghiêm túc về những ưu thế của trọng tài.

Những quan điểm trên phù hợp với kiến nghị của GS TSKH Đào Trí Úc – Phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam: “cần mở rộng thẩm quyền của trọng tài phù hợp với tính chất của các quan hệ kinh tế – xã hội hiện nay trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Theo đó, ngoài thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại, Luật cần mở rộng các lĩnh vực dân sự, lao động theo yêu cầu của các bên và các bên tranh chấp không chỉ là tổ chức, cá nhân kinh doanh. Với tính chất là hình thức tài phán tư, trọng tài cần được tạo điều kiện để có thể giải quyết tất cả các tranh chấp tư, bao gồm cả các tranh chấp hợp đồng và ngoài hợp đồng, trừ những quan hệ liên quan đến lợi ích công và trật tư cộng cộng”.

Bổ sung giải quyết tranh chấp tên miền

Thực tế hiện nay, việc giải quyết tranh chấp tên miền đang gặp rất nhiều bất cập. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa đề cập tới các điều khoản về trọng tài khi hợp đồng ở thời điểm ký kết, chỉ có một bên tham gia. Chính vì vậy, tổ chức Star bình luận: “theo thông lệ quốc tế, nếu một hợp đồng có chứa điều khoản về trọng tài nhưng khi ký hợp đồng đó chỉ có một bên tham gia thì điều khoản đó vẫn được coi là một thoả thuận trọng tài ràng buộc. Chẳng hạn trường hợp, một cá nhân hay tổ chức đăng ký sử dụng một tên miền Internet,  hầu hết các cơ quan nhà nước và mọi tổ chức quốc tế phê chuẩn việc đăng ký tên miền đều yêu cầu người đăng ký tên miền phải giải quyết bằng thủ tục trọng tài mọi tranh chấp có thể phát sinh trong tương lai liên quan tới các quyền đối với tên miền đó”.

Ở Việt Nam, hiện chưa có khả năng giải quyết bằng trọng tài các tranh chấp về tên miền bởi các hợp đồng tên miền chưa được coi là thoả thuận giữa các bên tranh chấp. Đây là một bất cập cần được khắc phục. Tổ chức Star kiến nghị, dự thảo Luật cần thừa nhận các điều khoản trọng tài nêu trong các hợp đồng tiên miền là các thoả thuận trọng tài có tính ràng buộc. Một lựa chọn khác, dự thảo Luật có thể quy định cho phép các tranh chấp về tên miền giữa các bên “không có thoả thuận” được giải quyết bằng Trung tâm hoà giải và trọng tài của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) - đây là cơ quan thường xuyên được sử dụng và rất có hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp tên miền.

Để Luật Trọng tài Thương mại sớm đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao khi Luật có hiệu lực, ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, chúng ta không nên hạn chế số lượng trọng tài ở các địa phương, mà nên có tiêu chí cho trọng tài viên. Thêm nữa, cần có một chế định hỗ trợ thực thi các quyết định của trọng tài.

Theo diễn đàn doanh nghiệp

Các văn bản liên quan