Hiệu lực trọng tài, những vấn đề cần bàn

Thứ Sáu 09:43 10-10-2008

Góp ý vào Dự thảo Luật Trọng Tài Thương mại: Hiệu lực trọng tài, những vấn đề cần bàn
 
Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 (Pháp lệnh) cũng ghi nhận sự tồn tại của Thoả thuận trọng tài (TTTT). Theo đó, TTTT có thể là điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc là một thoả thuận riêng. Pháp lệnh cũng thừa nhận việc điều khoản trọng tài tồn tại độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, huỷ bỏ hợp đồng, sự vô hiệu của hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực của điều khoản trọng tài. Cách tiếp cận này của Pháp lệnh cho thấy sự tiệm cận của pháp luật về trọng tài của Việt Nam với pháp luật và thông lệ quốc tế về trọng tài.

Theo Ths Nguyễn Vũ Hoàng - Trường đại học Kinh tế Quốc dân, xác định hiệu lực pháp lý của TTTT là một yếu tố cần thiết. Bởi lẽ, về nguyên tắc, TTTT tồn tại độc lập  với hợp đồng. Hợp đồng có thể bị vô hiệu nhưng TTTT  vẫn có giá trị pháp lý. Đây là nguyên tắc quan trọng của trọng tài, đảm bảo tối đa quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp. Đồng thời cũng chỉ rõ thêm tính chất tài phán tư của hình thức giải quyết tranh chấp này.

Tuy nhiên, còn có một số vấn đề về TTTT cần được hoàn thiện trong quá trình xây dựng luật Trọng tài thương mại (TTTM). Thứ nhất, nếu TTTT tạo thành một phần của thoả thuận khác, không phải là một điều khoản của hợp đồng, liệu thoả thuận TTTT có thể được coi như một thoả thuận độc lập và có thể tồn tại hay không, nếu thoả thuận chính vô hiệu. Thứ hai, các bên trong TTTT tiếp tục thoả thuận những vấn đề liên quan đến trọng tài, liệu thoả thuận này có được coi là một phần của TTTT hay không?

Thứ ba, về thời điểm xác lập TTTT. Nếu điều khoản trọng tài là một bộ phận của hợp đồng thì điều khoản này cũng có hiệu lực pháp luật. Câu hỏi đặt ra là liệu có thể áp dụng những quy định về giao dịch dân sự và hợp đồng dân sự để xác định thời điểm hình thành TTTT hay không. Hay chỉ cần ghi nhận điều này trong một văn bản pháp luật riêng biệt về trọng tài, luật TTTM cần phải có quy định cụ thể về vấn đề này. Thứ tư, Pháp lệnh quy định, việc thay đổi, gia hạn, huỷ bỏ hợp đồng, sự vô hiệu của hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực của điều khoản trọng tài. Vậy nếu hợp đồng không thể thực hiện được, không rơi vào những trường hợp trên, giá trị pháp lý của điều khoản trọng tài như thế nào? Cuối cùng là việc nếu các bên không lựa chọn được luật áp dụng cho TTTT, hiệu lực của thỏa thuận sẽ được xác định theo luật nào? Luật Hợp đồng, luật của nơi tiến hành trọng tài, hay luật của nơi thi hành quyết định trọng tài?

Về hình thức, Pháp lệnh quy định "TTTT phải được lập bằng văn bản. Thỏa thuận trọng tài thông qua thư, điện báo, telex, fax, thư điện tử hoặc hình thức văn bản khác thể hiện rõ ý chí của các bên giải quyết vụ tranh chấp bằng trọng tài được coi là TTTT bằng văn bản".

Về nguyên tắc, thẩm quyền của trọng tài được xác định theo TTTT và  pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, liên quan đến thẩm quyền của trọng tài, còn một số vấn đề cần được hoàn thiện trong Dự thảo luật TTTM. ở nhiều nước, tranh chấp thuộc thẩm quyền của trọng tài có thể là tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng hoặc không từ quan hệ hợp đồng như CH Síp, Liên bang Nga, Ailen, Scốtlen, Hàn Quốc, Nhật Bản...). Luật Mẫu về Trọng tài Thương mại Quốc tế của UNCITRAL cũng ghi nhận vấn đề này: "TTTT là thỏa thuận mà các bên cam kết giải quyết bằng trọng tài mọi tranh chấp phát sinh hoặc có thể phát sinh giữa các bên về quan hệ pháp lý xác định, dù là quan hệ hợp đồng hay không phải là quan hệ hợp đồng...". Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài cũng quy định: "Mỗi nước thành viên sẽ công nhận một thỏa thuận dưới hình thức văn bản. Theo đó các bên cam kết giải quyết bằng trọng tài mọi tranh chấp đã hoặc có thể phát sinh giữa các bên từ một quan hệ pháp lý xác định, dù là quan hệ hợp đồng hay không, liên quan đến một đối tượng có khả năng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài...". Có thể nói, đây là vấn đề còn bỏ ngỏ trong Pháp lệnh. Những quy định của Pháp lệnh chưa cho phép xác định liệu những tranh chấp phát sinh từ quan hệ ngoài hợp đồng có thể được giải quyết bằng trọng tài hay không. Thực tế cho thấy, rất nhiều dạng quan hệ có thể mang tính chất thương mại, nhưng lại không thuộc về hợp đồng, trong số đó có thể kể đến các hành vi làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại cho bên kia trong quan hệ tiền hợp đồng, các quan hệ phát sinh từ hoạt động hàng hải như đâm va… Pháp lệnh đã bỏ sót trường hợp các bên cùng hủy TTTT. Theo quy định tại Pháp lệnh, tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài, nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có TTTT. Trong trường hợp vụ tranh chấp đã có TTTT, nếu một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp TTTT vô hiệu. Trong trường hợp các bên cùng hủy quyết định trọng tài, việc giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài không thể thực hiện được và các bên có quyền khởi kiện vụ tranh chấp ra tòa án. Hiện nay thẩm quyền giải quyết tranh chấp của TTTM nhìn chung bị giới hạn bởi định nghĩa "hoạt động thương mại". Vậy nếu các bên có thỏa thuận về giải quyết tranh chấp cạnh tranh bằng trọng tài, liệu trọng tài có thẩm quyền giải quyết hay không? Mong rằng, những vấn đề nêu trên cần được quy định cụ thể trong Luật TTTM

Theo Đời sống Pháp luật- Thiên Long ngày 18/8/2008
  

Các văn bản liên quan