Ý kiến của TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Bộ môn Luật kinh doanh – Đại học Quốc gia

Thứ Năm 15:26 09-10-2008

MỘT SỐ GÓP Ý VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Đảm bảo tính minh bạch
1.1.  Cần qui định  rõ “tổ chức” bị xử phạt vi phạm là doanh nghiệp và các cá nhân để phù hợp với  nội dung của Nghị định  qui định xử phạt đối với doanh nghiệp và cá nhân có liên quan.
1.2    Điều 2, Khoản  của Nghị định này  "Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do người có thẩm quyền thực hiện theo qui định tại Nghị định này"  cần phải được cụ thể hoá bằng điều khoản cơ quan có thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền theo mức xử phạt.
 
2. Đảm bảo tính thống nhất của các văn bản pháp luật
2.1   Điều 5 Khoản 3 qui định "phạt tiền 50.000.000 đồng đối với hành vi: mức vốn góp của tổ chức, cá nhân chiếm 10% vốn điều lệ trở lên không theo đúng danh sách đã đăng ký tại hồ sơ xin cấp phép".  
 
Dự thảo có chỉ dẫn trích Khoản 1, Điều 7 Nghị định 46 nhưng không chính xác. Phải kiểm tra lại. Ngoài ra, cần xem xét mối liên quan với Điều 23 khoản 1 điểm b của Nghị định này (theo điểm 2.2 dưới đây).
 
2.2  Điều 23 khoản 1 điểm b chưa chuẩn xác so với qui định tại Thông tư 156 
Điểm 1.1, khoản 1, mục X Thông tư 156.
“1.1.1 Một cổ đông cá nhân được sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ
 1.1.2 Một cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ”
1.1.3 Cổ đông và những người liên quan của cổ đông đó không được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ”.  
Dựa trên cơ sở pháp lý này,  cần điều chỉnh Điều 23, Khoản 1 điểm b của Dự thảo là : "Doanh nghiệp bảo hiểm duy trì một cổ đông là tổ chức sở hữu trên 20% vốn điều lệ; một cổ đông là cá nhân sở hữu trên 10% vốn điều lệ và cổ đông và những người liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ".
 
3. Đảm bảo tính chính xác  các thuật ngữ pháp lý
3.1  Cần qui định rõ hơn về Điều 6, Khoản 1 điểm b
Dự thảo: "Không hoàn tất các thủ tục khi DNBH và DNMGBH chính thức hoạt động theo Điều 9 Nghị định 45/2007/NĐ-CP"
Cần qui định: Không công bố thông tin trong thời hạn và theo hình thức qui định theo Điều 9 Khoản 1 NĐ 45/2007/NĐ-CP.
 
3.2  Thống nhất các thuật ngữ chỉ DNBH
Điều 11, Khoản 2 điểm d: Dự thảo "Nhà tái bảo hiểm.... " nên chuyển thành "Doanh nghiệp tái bảo hiểm không nằm trong danh sách dự kiến được nhượng tái bảo hiểm "
 
3.3 Điều 15:  Khoản 1, điểm a: thay chữ"làm tổn hại " thành "gây thiệt hại"
 
3.4  Khoản 1 điểm b: nên bỏ cụm từ "tranh giành khách hàng dưới các hình thức ": bởi ngăn cản , lôi kéo, mua chuộc đe doạ nhân viên hoặc khách hàng đã là hành vi vi phạm theo Luật cạnh tranh
 
4. Cụ thể hóa thời hạn đình chỉ các hoạt động với tư cách là biện pháp xử phạt bổ sung
4.1  Theo Dự thảo: "Đình chỉ có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính do không hoàn tất thủ tục trước khi DNBH và DNMGBH chính thức hoạt động" . Tùy theo tính chất của hành vi, có thể qui định khoảng thời gian áp dụng.
 
4.2  Cần qui định rõ thời gian đình chỉ hoạt động có thời hạn tại  Điều 11 Khoản 3 điểm a
 
4.3  Cần qui định rõ thời gian đình chỉ hoạt động có thời hạn tại  Điều 29, Khoản 4 điểm a.
 
5. Bổ sung để cho điều khoản logic
5.1  "trong thời hạn 3 tháng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải thực hiện điều chỉnh hoạt động tái bảo hiểm theo đúng qui định của pháp luật"
thành
"Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải điều chỉnh hoạt động tái bảo hiểm theo đúng qui định của pháp luật"
 
5.2 . Chỉnh sửa câu để điều khoản rõ hơn
Điều 12 Khoản 1, điểm a, b
Điểm a
"Tiến hành việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm khi không đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển giao theo qui định tại Điều 75 Luật kinh doanh bảo hiểm" thành "" Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm khi không đáp ứng đầy đủ các điều kiện chuyển giao theo Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm" 
 
Điểm b. "Tiến hành việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm khi không đáp ứng đầy các thủ tục chuyển giao theo qui định tại Điều 76 Luật kinh doanh bảo hiểm" thành "Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm không đúng thủ tục chuyển giao theo Điều 76 Luật Kinh doanh bảo hiểm "  
  
6. Xem xét căn cứ qui định

Điều 13  qui định "Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có trụ sở ở Việt nam hoặc doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bảo hiểm tại Việt nam trái với các qui định pháp luật ” 

Đối với vế gạch chân: trên thực tế, khó có thể xử lý đối với hành vi của cá nhân và tổ chức trong trường hợp ngay tình không biết doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động trái với qui định của pháp luật. Đây là vấn đề đặt ra để xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chứ không phải người mua bảo hiểm nước ngoài do hợp đồng bảo hiểm giao kết là giữa doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài hoạt động trái với qui định của pháp luật  với tổ chức và cá nhân mua bảo hiểm hợp đồng vô hiệu. 

Bởi vậy, nên bỏ vế "và của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bảo hiểm tại Việt nam trái với các qui định của pháp luật.
 
7 - Qui định mức xử phạt dao động đối với các hành vi vi phạm các qui định trong bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm Điều 14 Dự thảo.
Lý do là : vi phạm do chậm bồi thường từ phía Tổng giám đốc và người có liên quan ở mức độ khác nhau và cần qui định mức xử phạt theo thời hạn chậm nộp.
 
8. Tăng mức phạt để tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.
Dự thảo Điều 26 Khoản 1:
“Phạt tiền 50.000.000 đồng đối với Doanh nghiệp bảo hiểm,… phạt tiền 50.000.000 đồng đối với Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm: không hạch toán tách biệt khoản vốn đầu tư từ nguồn vốn của chủ sở hữu và đầu tư từ dự phòng nghiệp vụ”
 
Nên tăng mức trên tối đa là 70.000.000 đồng. 
  
9. Đảm bảo hiệu lực của văn bản do cấp trên ban hành 
Cần nghiên cứu để điều chỉnh tổng thể phạm vi điều chỉnh của Nghị định và thông tư để đảm bảo Nghị định Chính phủ có hiệu lực cao hơn, không hướng dẫn qui định của Thông tư.
 

Các văn bản liên quan