VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về XP VPHC trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Thứ Ba 14:42 07-10-2008
Về việc lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 118/2003/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

I.                   Về quan điểm tiếp cận

Trên cơ sở yêu cầu của sự phát triển kinh tế, tính phù hợp với thực tiễn, và những yêu cầu cơ bản về pháp lý đối với một văn bản pháp luật, Dự thảo cần đảm bảo đồng thời và ở mức tốt nhất có thể các nguyên tắc cơ bản sau đây:
(i)  Đảm bảo hạn chế tối đa các vi phạm hành chính, đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước và đồng thời đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các chủ thể trong lĩnh vực bảo hiểm;
(ii)  Đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình thực thi;
(iii) Đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, chính xác và hợp lý của hệ thống pháp luật.

Về cơ bản, các quy định trong Dự thảo đã đáp ứng được những yêu cầu trên, tuy nhiên, còn một số điểm cần được xem xét, hoàn thiện.

II.              
Góp ý cụ thể
1.      Về tính phân hoá trách nhiệm đối với các vi phạm

Theo Điều 6 của Pháp lệnh xử phạt hành chính thì “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Một người thực hiện nhiều vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng vi phạm, nhưng tổng hợp hình thức phạt chung không được vượt quá mức cao nhất của mức xử phạt được pháp luật quy định áp dụng  đối với vi phạm nặng nhất. Nhiều người cùng thực hiện một vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.” Doanh nghiệp bảo hiểm là một chủ thể pháp lý riêng biệt, nếu doanh nghiệp này vi phạm pháp luật thì bản thân doanh nghiệp phải là chủ thể chịu trách nhiệm. Việc quy định mức phạt tiền đối với cả doanh nghiệp và người quản lý, điều hành doanh nghiệp về cùng một hành vi là không thỏa đáng, vì thực chất thì hành vi vi phạm của doanh nghiệp và hành vi vi phạm của mỗi người quản lý, điều hành doanh nghiệp là khác nhau, được sự điều chỉnh của các quy phạm và nghĩa vụ khác nhau.

Đề nghị xem lại nội dung của tất cả các Điều, khoản quy định về mức xử phạt tiền đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và người có chức danh quản lý, điều hành các doanh nghiệp đó (hầu hết các điều khoản trong Dự thảo).  

Hơn nữa, đề nghị không nên quy định theo hướng phân biệt giữa đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài như trong Dự thảo Nghị định, vì trên nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm đều bị xử lý, không phân biệt quốc tịch của người vi phạm. Riêng đối với những trường hợp đặc biệt, ví dụ người vi phạm có thân phận ngoại giao, hoặc thuộc diện được miễn trừ trách nhiệm pháp lý hành chính theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia thì đương nhiên phải áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế.

2.      Về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Về nguyên tắc xử phạt, đề nghị không nên nhắc lại trong Nghị định này vì đây là những nguyên tắc chung đã được quy định rõ trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Việc nhắc lại những quy định này chỉ làm cho Nghị định trở nên rườm rà hơn và kém hiệu lực hơn, trừ khi có lý do thỏa đáng để chứng minh rằng đây là những nguyên tắc đặc thù chỉ áp dụng cho việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Về thời hiệu xử phạt, cần xem lại nội dung quy định tại khoản 3 Điều 3 Dự thảo Nghị định, vì quy định như vậy là chưa thỏa đáng và không rõ ràng, không hiểu thời hiệu xử phạt sẽ là bao lâu kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới, hoặc từ ngày chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt vi phạm hành chính. Hơn nữa, nếu quy định như vậy thì chẳng khác gì bỏ qua hành vi vi phạm cũ và chỉ trừng phạt đối với hành vi vi phạm mới. Thực chất, trong trường hợp này cần phải coi việc tiếp tục vi phạm như là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính và cần có hình thức xử phạt cao hơn đối với người vi phạm, chứ không đơn thuần chỉ là “tính lại” thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. 

Để cho rõ ràng hơn, chúng tôi cho rằng cần quy định lại khoản 3 Điều 3 theo hướng phân biệt rõ cách xử lý trong 2 trường hợp:
-         Nếu việc tiếp tục vi phạm diễn ra trong thời hiệu quy định tại khoản 1 và 2 Điều 3 nhưng người vi phạm chưa bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm trước thì thời hiệu xử phạt được xác định như thế nào.
-         Nếu việc tái phạm diễn ra trong thời hiệu quy định tại khoản 1 và 2 điều 3 nhưng người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trước thì hành thời hiệu xử phạt được quy định như thế nào.

3.      Đảm bảo tính thống nhất của các văn bản pháp luật

Khoản 3 Điều 5 qui định "phạt tiền 50.000.000 đồng đối với hành vi: mức vốn góp của tổ chức, cá nhân chiếm 10% vốn điều lệ trở lên không theo đúng danh sách đã đăng ký tại hồ sơ xin cấp phép". Dự thảo có chỉ dẫn trích Khoản 1, Điều 7 Nghị định 46 nhưng không chính xác. Phải kiểm tra lại. Ngoài ra, cần xem xét mối liên quan với Điều 23 khoản 1 điểm b của Nghị định này. Điều 23 khoản 1 điểm b chưa chuẩn xác so với qui định tại Thông tư 156. Điểm 1.1, khoản 1, mục X Thông tư 156.
-         “1.1.1 Một cổ đông cá nhân được sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ
-         1.1.2 Một cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ”
-         1.1.3 Cổ đông và những người liên quan của cổ đông đó không được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ”.  
Dựa trên cơ sở pháp lý này, cần điều chỉnh Điều 23, Khoản 1 điểm b của Dự thảo là : "Doanh nghiệp bảo hiểm duy trì một cổ đông là tổ chức sở hữu trên 20% vốn điều lệ; một cổ đông là cá nhân sở hữu trên 10% vốn điều lệ và cổ đông và những người liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ".

4.      Phân định giữa vi phạm hành chính và vi phạm hợp đồng giữa các chủ thể

Đề nghị xem lại quy định tại Điều 13 về việc xử phạt vi phạm đối với cá nhân, tổ chức có hành vi mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có trụ sở tại Việt Nam hoặc của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam trái pháp luật. Quy định này là không thỏa đáng, vi phạm quyền tự do giao kết hợp đồng của công dân, pháp nhân theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự, hơn nữa cũng vi phạm các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam.

Đề nghị xem lại quy định tại khoản 1 và 2 Điều 14 vì các hành vi này vốn dĩ không phải là vi phạm hành chính mà thực chất là vi phạm hợp đồng, hoặc vi phạm các quy định của Điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp bảo hiểm. Với các hành vi này, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm dân sự đối với khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm, còn người quản lý của doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm vật chất theo quy định của pháp luật lao động đối với doanh nghiệp, chứ không thể xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hành chính. Tương tự như với điểm c, khoản 3 Điều 14.
Đề nghị xem lại quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 22 vì không phù hợp với nội dung của khoản 1 điều này (vốn dĩ quy định về hành vi vi phạm của doanh nghiệp bảo hiểm và Tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm).

5.      Cụ thể hóa thời hạn đình chỉ các hoạt động với tư cách là biện pháp xử phạt bổ sung
Theo Dự thảo: "Đình chỉ có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính do không hoàn tất thủ tục trước khi DNBH và DNMGBH chính thức hoạt động". Tùy theo tính chất của hành vi, có thể qui định khoảng thời gian áp dụng.
-         Cần qui định rõ thời gian đình chỉ hoạt động có thời hạn tại  Điều 11 Khoản 3 điểm a.
-         Cần qui định rõ thời gian đình chỉ hoạt động có thời hạn tại  Điều 29, Khoản 4 điểm a.

6.      Xem xét căn cứ qui định

Điều 13  qui định "Phạt tiền 30.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có trụ sở ở Việt nam hoặc doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bảo hiểm tại Việt nam trái với các qui định pháp luật ” 

Đối với vế gạch chân: trên thực tế, khó có thể xử lý đối với hành vi của cá nhân và tổ chức trong trường hợp ngay tình không biết doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động trái với qui định của pháp luật. Đây là vấn đề đặt ra để xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chứ không phải người mua bảo hiểm nước ngoài do hợp đồng bảo hiểm giao kết là giữa doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài hoạt động trái với qui định của pháp luật với tổ chức và cá nhân mua bảo hiểm hợp đồng vô hiệu. Do đó, đề nghị bỏ vế "và của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bảo hiểm tại Việt nam trái với các qui định của pháp luật.

7.      Đảm bảo hiệu lực của văn bản do cấp trên ban hành 

 Một số quy định của Dự thảo hướng dẫn các quy định của văn bản pháp luật thấp hơn (Ví dụ Thông tư 156). Đề nghi Ban soạn thảo nghiên cứu để điều chỉnh tổng thể phạm vi điều chỉnh của Nghị định và thông tư để đảm bảo Nghị định Chính phủ có hiệu lực cao hơn, không hướng dẫn qui định của Thông tư.

8.      Bổ sung để đảm bảo tính lô gích cho quy định

Đề nghị sửa điểm b, khoản 4 Điều 11 "trong thời hạn 3 tháng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải thực hiện điều chỉnh hoạt động tái bảo hiểm theo đúng qui định của pháp luật" thành "Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải điều chỉnh hoạt động tái bảo hiểm theo đúng qui định của pháp luật".
Đề nghị chỉnh sửa câu để điều khoản rõ hơn tại điểm a, b, khoản 1 Điều 12 Khoản 1:
-         Điểm a: sửa "Tiến hành việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm khi không đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển giao theo qui định tại Điều 75 Luật kinh doanh bảo hiểm" thành " Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm khi không đáp ứng đầy đủ các điều kiện chuyển giao theo Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm"
-         Sửa điểm b "Tiến hành việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm khi không đáp ứng đầy các thủ tục chuyển giao theo qui định tại Điều 76 Luật kinh doanh bảo hiểm" thành "Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm không đúng thủ tục chuyển giao theo Điều 76 Luật Kinh doanh bảo hiểm "  

9.      Đảm bảo tính chính xác  các thuật ngữ pháp lý

-         Cần qui định rõ hơn về Điều 6, Khoản 1 điểm b Dự thảo "Không hoàn tất các thủ tục khi DNBH và DNMGBH chính thức hoạt động theo Điều 9 Nghị định 45/2007/NĐ-CP". Cần qui định thành “Không công bố thông tin trong thời hạn và theo hình thức qui định theo Điều 9 Khoản 1 NĐ 45/2007/NĐ-CP.”

-         Đề nghị thống nhất các thuật ngữ chỉ doanh nghiệp bảo hiểm, điểm d, khoản 2 Điều 11 Dự thảo "Nhà tái bảo hiểm...."  nên chuyển thành "Doanh nghiệp tái bảo hiểm không nằm trong danh sách dự kiến được nhượng tái bảo hiểm "

-         Điểm a, khoản 1 Điều 15, đề nghị thay cụm từ "làm tổn hại " thành "gây thiệt hại"

-         Điểm b Khoản 1, đề nghị bỏ cụm từ "tranh giành khách hàng dưới các hình thức" bởi ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc đe doạ nhân viên hoặc khách hàng đã là hành vi vi phạm theo Luật cạnh tranh.

10. Một số nội dung góp ý khác

-         Điều 17 khoản 2 mục a có sự nhầm lẫn giữa bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
-         Đề nghị Ban soạn thảo xem xét đưa thêm Quy định xử phạt đối với việc đóng góp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới cho đồng nhất với xử phạt đóng góp kinh phí phòng cháy chữa cháy mặc dù vấn đề này đã được quy định tại NĐ sửa đổi NĐ115.

Các văn bản liên quan