Một cách nhìn khác về tập đoàn kinh tế

Thứ Hai 14:49 26-10-2009

Một cách nhìn khác về tập đoàn kinh tế

 

Khái niệm tập đoàn kinh tế được nhắc nhiều ở Việt Nam từ năm 2005 khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập thí điểm Tập đoàn kinh tế. Nhiều bài báo, phát biểu, nhận xét đã được đưa ra để đánh giá các mặt được, chưa được của mô hình doanh nghiệp này. Ở bài trao đổi này, TS Nguyễn Đức Kiên muốn cung cấp một cách nhìn khác về mô hình tổ chức sản xuất của khu vực doanh nghiệp này.

Có thể nói, ở mỗi thời kỳ chúng ta có cách gọi tên mô hình khác nhau, nhưng xét về bản chất kinh tế của doanh nghiệp thì mô hình sơ khai của tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước được hình thành từ Nghị quyết Trung ương 3, khoá IV của Đảng với tên gọi: "Liên hiệp các xí nghiệp", là "trong công nghiệp, ở những nơi có điều kiện cần tổ chức các liên hiệp xí nghiệp có đủ quyền hạn và trách nhiệm là những đơn vị kế hoạch, đơn vị kinh doanh của ngành...".

Như vậy, ngay từ đầu, chúng ta đã khẳng định sự tôn trọng quy luật khách quan của nền kinh tế, bước đầu hình thành ý tưởng tách quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh, xác định rõ nhiệm vụ của mô hình sản xuất mới của doanh nghiệp. Sau một thời gian ngắn tổ chức thực hiện, Hội nghị Trung ương 6, khoá IV tiếp tục cụ thể hoá quá trình tổ chức liên hiệp xí nghiệp: "tổ chức sản xuất phải theo hướng từng bước thực hiện tập trung hoá, chuyên môn hoá, hiệp tác hoá và liên hiệp hoá nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao... Các liên hiệp xí nghiệp phải hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh tế.

Việc tổ chức liên hiệp các xí nghiệp phải được tiến hành chu đáo, vững chắc, đạt hiệu quả kinh tế thiết thực, không để trở thành cấp trung gian hình thức".

Lần đầu tiên cụm từ "tập đoàn kinh tế" được xuất hiện trong Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII: "Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích và thực hiện từng bước vững chắc, phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế, việc đổi mới các liên hiệp xí nghiệp, các tổng công ty theo hướng tổ chức các tập đoàn kinh tế, khắc phục tính chất hành chính trung gian".

Việc nghiên cứu và tìm hiểu quá trình hình thành, sử dụng cụm từ "tập đoàn kinh tế" trong các nghiên cứu, văn kiện của Đảng chính là cơ sở để có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá khách quan về mô hình tổ chức sản xuất này. Như một số đoạn trích đã nêu trên, chứng tỏ tư duy về mô hình tổ chức sản xuất của nhóm doanh nghiệp cũng phát triển với quá trình đổi mới tư duy kinh tế phù hợp với thực tế phát triển lực lượng sản xuất, phát triển đời sống xã hội và bối cảnh kinh tế quốc tế. Muốn thực hiện công nghiệp hoá theo hướng hiện đại thì phải đẩy mạnh quá trình tích tụ và tập trung nguồn lực. Tương ứng với quá trình này là những doanh nghiệp có quy mô ngày một lớn, có năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Từ thực tế chúng ta thấy quá trình triển khai đã được tiến hành khá thận trọng: từ văn bản có tính pháp lý thấp (quyết định của Thủ tướng) qua một số năm mới ban hành văn bản cao hơn (Nghị quyết của Chính phủ) và cuối cùng là văn bản pháp quy cao nhất để hình thành tập đoàn kinh tế (Luật Doanh nghiệp năm 2005). Tuy vậy, có thể nêu ra một số vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện:

- Luật doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ mới chỉ là khung cho các tập đoàn của mọi thành phần kinh tế nhưng chưa nêu được các quy định có tính chất đặc thù của tập đoàn kinh tế, Tổng công ty sử dụng vốn nhà nước. Nói cách khác là chưa có sự ràng buộc đối với Chính phủ với tư cách là Người quản lý vốn tại doanh nghiệp Nhà nước.

Có thể đưa ra một ví dụ: Để giúp cho 62 huyện nghèo nhất cả nước nhanh chóng vượt khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm hỗ trợ trực tiếp các địa phương này về xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Qua một thời gian ngắn thực hiện được địa phương và nhân dân 62 huyện ghi nhận chuyển biến bước đầu quan trọng về hiệu quả hỗ trợ.

Vấn đề đặt ra ở đây là: Quyết định đó là của cơ quan quản lý nhà nước hay của chủ sở hữu?

Khi thực hiện quyết định này thì tập đoàn kinh tế, tổng công ty lấy nguồn từ đâu và hạch toán cuối năm như thế nào? Nếu là từ lợi nhuận trước thuế thì có sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp có chủ sở hữu khác nhau, làm tăng chi phí của doanh nghiệp nhà nước?

Còn nếu lấy lợi nhuận sau thế, thì cần phải đối chiếu với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Lao động (vì liên quan đến quỹ lương, thưởng của người lao động).

Còn đây là từ nguồn vận động đóng góp của người lao động trong doanh nghiệp thì phải theo Luật Mặt trận tổ quốc và các quy định hiện hành về đóng góp và phân phối, quản lý nguồn kinh phí từ thiện này.

- Trong quá trình nghiên cứu, tổng kết mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chúng ta chưa làm rõ được vấn đề: Mô hình tập đoàn có phải là mô hình tiên tiến nhất cần phải đạt đến trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hay không? Trong nền kinh tế thị trường có tồn tại các loại mô hình sản xuất kinh doanh khác của doanh nghiệp nữa hay không?

Đặt ra câu hỏi này cũng là chúng ta tự trả lời về các mô hình tổ chức của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.

- Còn một vấn đề nữa, theo tôi rất quan trọng. Nếu nói theo khoa học kinh tế chính trị, đó là mối tương quan giữa lực lượng sản xuất, với quan hệ sản xuất. Do xuất phát điểm thấp nên chúng ta tiến hành quá trình công nghiệp hoá không như các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Quá trình phát triển và mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đều bỏ qua quá trình tích luỹ tiền tư bản, không chỉ dựa vào lợi nhuận trong quá trình sản xuất kinh doanh của bản thân doanh nghiệp mà chủ yếu dựa vào nguồn vốn của chủ sở hữu là nhà nước.

Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đã đặt ra cho từng thời kỳ kỳ mà nhà nước với tư cách chủ sở hữu cấp vốn hay bảo lãnh vay để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất.

Chính vì vậy, đội ngũ những người làm quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn có những hạn chế nhất định so với yêu cầu của chủ sở hữu khi mở rộng hoặc đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh.

Do đó khi chuyển sang mô hình mới, chủ sở hữu không phân giao nhiệm vụ rõ ràng, quyền lợi và quyền hạn chưa đồng bộ đã làm phát sinh những hạn chế không đáng có trong quá trình này, chưa tạo được sự đồng thuận của đội ngũ những người làm quản trị doanh nghiệp.

Ba nhóm vấn đề vừa nêu nếu được xử lý tốt, người viết tin rằng sẽ tạo được sự đột phá trong xây dựng và phát triển các tập đoàn, tổng công ty có sử dụng vốn nhà nước.

  • TS Nguyễn Đức Kiên - Theo Tuần Việt Nam ngày 25/10/2009

 

 

Các văn bản liên quan