Quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước

Thứ Ba 11:01 09-12-2008

Dự thảo nghị định hình thành, tổ chức, hoạt động và quản lý đối với tập đoàn kinh tế nhà nước đang được dư luận quan tâm. Tám tập đoàn kinh tế nhà nước: Dầu khí, Điện lực, Bưu chính - Viễn thông, Dệt may, Cao su, Công nghiệp tàu thủy, Than - Khoáng sản và Bảo Việt đang nắm giữ trên hai phần ba trong tổng số 400.000 tỉ đồng do 96 doanh nghiệp nhà nước sở hữu.

Quản lý tập đoàn kinh tế gồm hai nội dung chủ yếu: một là quản trị kinh doanh gắn với quyền của chủ sở hữu và hai là quản lý nhà nước do cơ quan quản lý nhà nước thực thi.

Đại diện chủ sở hữu tại các tập đoàn là hội đồng quản trị. Theo dự thảo Nghị định thì việc quản trị kinh doanh được thực hiện tại tập đoàn thông qua công ty mẹ. Mục đích quản trị kinh doanh là nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đầu tư kinh doanh cho chủ sở hữu vốn và kiểm soát hoạt động của các công ty mà chủ sở hữu vốn đầu tư vào.

Hội đồng quản trị công ty mẹ quyết định: việc đầu tư vào các công ty con; nhân sự chủ chốt, chiến lược phát triển, quản trị nội bộ, kiểm soát hoạt động quyết định phân phối kết quả kinh doanh lần đầu và những khoản đầu tư lớn của công ty con (điều lệ hoạt động của công mẹ).

Đại diện chủ sở hữu đối với các tập đoàn là Chính phủ. Hiện nay quyền quản trị, tương tự như hội đồng quản trị công ty mẹ trong tập đoàn thực hiện đối với công ty con, do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Việc đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn cần có quy định cụ thể, đầu tư ở mức độ nào thì do Hội đồng quản trị quyết định và đến mức nào thì do Thủ tướng Chính phủ quyết định và phải gắn với đề án sử dụng vốn có hiệu quả.

Vấn đề đặt ra tiếp theo là làm thế nào vừa bảo đảm được quyền tự chủ, chủ động trong kinh doanh của doanh nghiệp lại vừa bảo đảm được quyền quản trị của chủ sở hữu nhà nước.

Gần đây một số chuyên gia kinh tế đề cập đến kinh tế thực (sản xuất và trao đổi các mặt hàng hữu hình) và kinh tế tiền tệ, tài chính. Kinh tế tiền tệ, tài chính cần được giám sát và can thiệp khi cần của Nhà nước nhiều hơn là kinh tế thực. Việc kiểm soát hoạt động của ngân hàng thuộc tập đoàn kinh tế đầu tư chéo vào tập đoàn phải tuân thủ điều 79, Luật Các tổ chức tín dụng...

Ngành viễn thông sở dĩ đã có bước tiến cả về công nghệ, chất lượng dịch vụ lẫn giá cước là do có sự cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông. Ngành điện, phát điện cần tạo ra sự cạnh tranh, việc bán lẻ điện cần có sự kết hợp giữa tự do hóa và sự can thiệp của chủ sở hữu, nhưng mạng truyền dẫn thuộc độc quyền nhà nước và cần được kiểm soát mạnh.

Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, điều hành hoạt động của các tập đoàn nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng và bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các tập đoàn.

Các tập đoàn kinh tế và đại diện chủ sở hữu là những địa chỉ tiêu tiền ngân sách, tức là tiền của dân thì phải có trách nhiệm giải trình trước cơ quan dân cử là Quốc hội. Dự thảo nghị định cần quy định việc các tập đoàn phải gửi báo cáo thường niên đã được kiểm toán đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khi cần ủy ban có quyền yêu cầu các tập đoàn điều trần.

ANH THƯ - TBKTSG 8/12/2008

Các văn bản liên quan