Hiệp hội đầu tư xây dựng năng lượng góp ý 10 vấn đề

Thứ Năm 14:25 04-12-2008

 Sau khi nghiên cứu dự thảo nghị định “Hình thành, tổ chức, hoạt động và quản lý đối với tập đoàn kinh tế nhà nước”, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tham gia ý kiến như sau:

Tại Việt Nam ta đã có một số tập đoàn kinh tế lớn ra đời hoạt động nhưng Nhà nước chưa có văn bản pháp luật nào cho mô hình hoạt động này. Vì vậy việc ban hành Nghị định về hình thành, tổ chức, hoạt động và quản lý đối với tập đoàn kinh tế nhà nước là vấn đề hết sức cần thiết, cấp bách.

Tuy nhiên, về nội dung dự thảo Nghị định chúng tôi thấy chưa thỏa mãn sự mong muốn để cho các tập đoàn hoạt động và cho các cơ quan quản lý nhà nước tham gia quản lý như thế nào. Sau đây là một số nội dung cụ thể:

1/ Về tên gọi

Chúng tôi đồng tình với tên gọi Nghị định này là “Tập đoàn kinh tế nhà nước”. Song, trong thực tế hiện nay đang có một số tổ chức kinh tế hoạt động thực chất là công ty cổ phần nhưng cũng có tên là tập đoàn thì xử lý thế nào?

2/ Về điều kiện và tiêu chí thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước

Đề nghị nên quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí ngành nghề, quy mô, lĩnh vực phạm vi hoạt động của tập đoàn, quy định cụ thể mức vốn điều lệ, giá trị tổng tài sản, hiệu quả hoạt động của ngành nghề chính đó ít nhất 5 năm trước khi hình thành tập đoàn và lịch sử, truyền thống của ngành nghề đã trải qua.

3/ Về tổ chức, quản lý, giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước

Đề nghị quy định rõ trong Nghị định chức năng quản lý, giám sát của các Bộ, ngành đến đâu, chịu trách nhiệm đến đâu đối với tập đoàn kinh tế nhà nước. Để tránh tình trạng thiếu rõ ràng về đầu mối buông lõng quản lý, giám sát của nhà nước, đồng thời tránh tình trạng quản lý chồng chéo gây khó cho tập đoàn, cho doanh nghiệp, và cơ quan nào chịu trách nhiệm đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước, của công ty mẹ.

4/ Về đầu tư ngược, đầu tư chéo trong tập đoàn kinh tế nhà nước

Chúng tôi cho rằng chỉ cần hạn chế đầu tư ngược từ công ty con lên công ty mẹ, còn việc đầu tư chéo giữa các đơn vị thành viên với nhau, đầu tư của tập đoàn kinh tế và công ty mẹ đối với các công ty con thì không nên hạn chế.

Tuy nhiên cần xem xét điều kiện trong quy định điều 3, khoản 2 của Nghị định này thì “tập đoàn kinh tế nhà nước không có tư cách pháp nhân”, vậy pháp nhân trong khi tham gia đầu tư như thế nào?

5/ Về đa dạng hóa ngành nghề trong tập đoàn kinh tế

Quan điểm của chúng tôi không nên hạn chế đầu tư các ngành nghề ngoài ngành nghề chính mà nên quy định tỷ lệ hạn chế để tránh tình trạng chạy theo lợi nhuận của ngành nghệ ngoài mà mà bỏ lơ ngành nghề chính (nên quy định tỷ lệ đầu tư vào các ngành nghề ngoài ngành nghề chính không quá 20% vốn điều lệ).

6/ Về điều kiện chuyển đổi, hoạt động theo tập đoàn kinh tế nhà nước

Tại điều 9 khoản 5 nên bỏ cụm từ “và không có lỗ lũy kế tính đến”, vì đã quy định công ty hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm liền trước thời điểm chuyển đổi, nghĩa là không còn có lỗ lũy kế đối với doanh nghiệp đó nữa.

7/ Về trình tự thủ tục xây dựng và triển khai đề án hình thành, phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước

Tại điều 11 khoản 2 tiết b, đề nghị quy định phương án hoạt động kinh doanh của tập đoàn kinh tế nhà nước trong 5 năm tới có định hướng cho 10 năm 20 năm sau.

8/ Về quyền và nghĩa vụ của người đại diện trực tiếp chủ sở hữu Nhà nước tại công ty mẹ

Tại điều 19 của dự thảo nghị định “hình thành, tổ chức, hoạt động và quản lý đối với tập đoàn kinh tế nhà nước” thì qui định người đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ, thực hiện theo các điều 64,65,66 Luật doanh nghiệp hoặc điều 30, 36, 43, 63, 64, 65, 66, 67, 68… Luật doanh nghiệp nhà nước… Nhưng nếu theo các điều nêu trên trong luật doanh nghiệp nhà nước và luật doanh nghiệp thì quyền của chủ sở hữu của công ty được quy định rõ, phạm vi quyền hạn rộng, cụ thể. Còn dự thảo nghị định này thì chủ sở hữu chưa được quy định rõ.

9/ Về hiệu lực thi hành

Đề nghị quy định Nghị định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, không nên chờ ngày đăng công báo, vì pháp luật chưa quy định ràng buộc công báo phải đăng sau bao nhiêu ngày kể từ ngày ký, do đó nếu công báo đăng chậm hoặc đăng rồi mà luân chuyển đến cơ quan thi hành chậm thì Nghị định chậm được thực hiện.

10/ Sau tất cả những nội dung cụ thể đã tham gia vào nội dung dự thảo Nghị định nêu trên, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam rất mong muốn:

a/ Có một nghị định của Chính phủ về “Hình thành, tổ chức, hoạt động và quản lý đối với tập đoàn kinh tế nhà nước” xác định thật rõ quyền hạn, trách nhiệm, của tổ chức hoạt động tập đoàn kinh tế nhà nước đối với Công ty mẹ và mối quan hệ nghĩa vụ của công ty mẹ với tập đoàn kinh tế nhà nước. Quy định rõ chức năng, trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang bộ đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, với công ty mẹ. Vì trong dự thảo nghị định này vẫn chưa xác định rõ và còn mâu thuẫn với các Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 và Luật doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2006.

b/ Góp ý với Ban soạn thảo trong dự thảo nghị định có nhiều từ sai và quá nhiều lỗi chính tả, cụ thể ở các điều 3,4,5,9,11,13,14.15,17,18,19,20,23.

Trên đây là một số nội dung của Hiệp hội Năng lượng VIệt Nam xin góp ý để Ban soạn thảo nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, đáp ứng lòng mong mỏi của các Tập đoàn kinh tế, của các cơ quan quản lý nhà nước, của các Hiệp hội. 

Các văn bản liên quan