Dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế Nhà nước: Chưa rõ hình hài

Thứ Ba 15:01 18-11-2008

Xung quanh Dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế Nhà nước: Chưa rõ hình hài
 
Thay vì cơ chế thí điểm, các tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) sẽ có khung pháp lý để hoạt động, đó là thông tin từ cuộc hội thảo “ Hình thành và quản trị tập đoàn kinh tế Việt Nam - Đổi mới khung pháp luật và cơ chế quản lý đối với TĐKTNN” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 12/8.

Khó hiểu định nghĩa ‘tập đoàn kinh tế”

Dự thảo Nghị định về việc tổ chức hoạt động và giám sát các TĐKTNN đưa ra định nghĩa rất dài dòng về TĐKTNN cùng những đặc điểm nhận dạng có lẽ lần đầu tiên nhiều người mới được tiếp cận. Theo đó, “ TĐKTNN là nhóm các công ty, liên kết chủ yếu dưới hình thức công ty mẹ - công ty con, có từ 2 cấp danh nghiệp trở lên, tạo thành tổ hợp kinh doanh gắn bó lâu dài với nhau vì lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác; trong đó doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ giữ vai trò chi phối hoặc ảnh hưởng trực tiếp, hoặc gián tiếp đối với các doanh nghiệp thành viên. TĐKTNN không có tư cách pháp nhân, các công ty tham gia thành viên tập đoàn có tư cách pháp nhân…”

Với sự rối rắm và khó hiểu trên, chỉ riêng cái định nghĩa đã là tâm điểm của rất nhiều ý kiến và nếu chiếu theo những quy định này thì những cái tên đã có, đã thành thương hiệu như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, tập đoàn Điệu lực Việt Nam…sẽ phải đổi thành Công ty TNHH tập đoàn Dầu khí Việt Nam hay Công ty cổ phần Tập đoàn điện lực…?Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ, nhiều lãnh đạo tập đoàn đã phản đối cách đặt tên kỳ cục như vậy và cho rằng đó là sự lãng phí tiền của, công sức để xây dựng thương hiệu bấy lâu nay…

Lên tập đoàn: Không phải cứ muốn là được

Lần đầu tiên, danh mục ngành nghề kinh doanh chính của TĐKTNN được đưa ra tại Dự thảo Nghị định. Điều này cũng có nghĩa các Tcôn ty nhà nước, DNNN chưa được “lên” tập đoàn, muốn “lên đời” tập đoàn phải lưu tâm đến bản danh mục này.

Công ty mẹ của các TĐKTNN phải đáp ứng điều kiện: Do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ hoặc giữ cổ phần vốn góp chi phối, có vốn điều lệ không thấp hơn 7.000 tỷ đồng và các điều kiện về nhân lực, ngành nghề, công nghệ, thị trường…

Nếu chiếu theo Dự thảo này thì tới đây rất có thể nhiều Tcông ty nhà nước sẽ được “lên” tập đoàn, ví dụ như Công ty TNHH/ cổ phần Tập đoàn thép Việt Nam…và các DNNN này có nhiều lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề nhưng không thuộc đối tượng được “lên đời”, chưa kể “tai tiếng” nhà nước ôm đồm bấy lâu nay vẫn chưa cải thiện được qua Nghị định này.

Lại cảnh chồng chéo “cha chung”…?

Một trong những bất cập của các quy định hiện hành là có quá nhiều cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Tập đoàn kinh tế. “Tiếng” là quản lý nhà nước theo thẩm quyền, nhưng ngay cùng một lĩnh vực có quà nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia quản lý, như lĩnh vực quản lý tài chính, ngoài Bộ Tài chính thì các tập đoàn còn chịu sự giám sát của Bộ quản lý chuyên ngành. Dự thảo cũng quy định người được cử đại diện chủ sở hữu vốn sẽ theo gõi, giám sát về tình hình kinh doanh, tài chính, kết quả hoạt động tại doanh nghiệp, phải xin ý kiến Thủ tướng trước khi họp hành, biểu quyết các vấn đề tại doanh nghiệp…Đáng chú ý là dự thảo quy định trách nhiệm của từng Bộ trong việc giám sát, quản lý các tập đoàn. Như Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì giám sát công ty mẹ thành lập doanh nghiệp mới, góp vốn vào doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực có nguy cơ rủi ro; Bộ Nội vụ theo dõi, đánh giá năng lực cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp; Bộ Tài chính giám sát, đánh giá hoạt động tài chính, kết quả kinh doanh của công ty mẹ, việc vay và đầu tu vốn trong lĩnh vực kinh doanh chính cũng như ngoài lĩnh vực…

Xem ra, với những quy định như Dự thảo thì cái cảnh “chồng chéo”, “cha chung…” vẫn chưa được cải thiện, chua kể Thủ tướng sẽ có thêm nhiều việc…Mong muốn một cơ chế thông thoáng để các TĐKTNN phát triển dường như bị siết chặt hơn, và theo lãnh đạo một tập đoàn lớn thì Nghị định này “ đang phấn đấu quay lại Luật DNNN trước đây”…

Thanh Lan - Theo Báo Pháp luật Việt Nam ngày13.8.2008

Các văn bản liên quan