Góp ý của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam

Thứ Hai 11:40 01-09-2008

Góp ý của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam


Tập đoàn công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) trân trọng báo cáo như sau:

1. Về kế hoạch xuất khẩu than:

Với mục tiêu phát triển ổn định, bền vững, nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến kinh doanh than, trong các năm qua, TKV đã liên tục đạt được mức tăng trưởng, đáp ứng đủ nhu cầu than cho các hộ tiêu thụ than trong nước còn lại xuất khẩu để cân đối tài chính và đầu tư phát triển. Mực tiêu xuất khẩu hiện nay của TKV nhằm:

- Đảm bảo tăng trưởng sản lượng hàng năm hợp lý: Để đạt được mức sản lượng 45-48 triệu tấn vào năm 2010 và 55-60 triệu tấn vào năm 2015 theo chiến lược phát triển ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 89/2008/QĐ-TTg ngày 07/07/2008, thì TKV phải có mức tăng trưởng hợp lý hàng năm, vừa ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm đồng thời phải đầu tư khai thông mở mỏ, chuẩn bị lực lượng lao động, công nghệ…Vì đặc thù của ngành mỏ là không thể ngay một lúc tăng đột biến sản lượng, do đó mức sản lượng hiện nay là mốc mà TKV cần tường bước phải vượt qua. Năm 2008, dự kiến sản xuất 40-43 triệu tấn, sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước khoảng 20 triệu tấn số còn lại xuất khẩu.

- Xuất khẩu các loại than hiện nay thị trường trong nước chưa có nhu cầu sử dụng (các loại than cục, than cám 1,2,3a và than xấu mà công nghệ trong nước chưa sử dụng đến)

- Xuất khẩu để đảm bảo cân đối tài chính và có vốn để đầu tư phát triển vì giá bán than vào các hộ lớn hiện nay còn thấp hơn giá thành, TKV phải bù từ nguồn xuất khẩu.

Năm 2008 xuất khẩu than đã giảm khoảng 3 triệu tấn so với năm 2007, năm 2009 giảm tiếp 4 triệu tấn, đến năm 2010 chỉ còn khoảng 4-5 triệu tấn.

Khối lượng than xuất khẩu hiện nay là không lớn so với lượng nhập khẩu dự tính trong tương lai, vì thế xuất khẩu than chỉ là biện pháp tạm thời để giải quyết một số những bất hợp lý trong cơ cấu tiêu thụ của ngành than hiện nay. Về lâu dài lượng than xuất khẩu sẽ còn không đáng kể.

2. Về thuế xuất khẩu than:

Trong năm 2008, thuế xuất khẩu đã tăng 2 lần liên tục: từ 10% lên 15% và sau đó tăng tiếp từ 15% lên 20%. Do tăng thuế xuất khẩu như hiện nay thì năm 2008 dự kiến nộp ngân sách của TKV thực hiện trên 5700 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2007 (tương ứng tăng trên 2 000 tỷ đồng). Để đầu tư xây dựng các mỏ than mới, đến năm 2015 TKV cần khoảng 2,5 tỷ USD, do đó, TKV cần có lợi nhuận để đầu tư phát triển (riêng phần vốn đối ướng 20% ccần khoảng 1200 tỷ/ năm, tương ứng phải có lợi nhuận sản xuất than tối thiểu 2500 tỷ đồng/năm).

Trong khi năm 2007 lợi nhuận sản xuất than mới đạt 2 ngàn tỷ đồng thì với mức thuế suất như hiện nay thì dù giá xuất khẩu đã tăng, TKV đã phải phấn đấu tiết kiệm chi phí thì cũng rất khó đạt được lợi nhuận sản xuất then theo mức ở trên. Cụ thể là: Với giá xuất khẩu tăng khoảng 60-70% so với năm 2007 tuỳ theo chủng loại than (với tỷ lệ doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 60% doanh thu thì tính chung doanh thu than tăng khoảng 40-45%) thì cũng chỉ bù đắp phần tăng chi phí đầu vào, tăng thuế xuất khẩu và bù lỗ cho than trong nước:

- Do giá cả đầu vào tăng đến thời điểm hiện nay làm giá thành than tăng khoảng 30% so với năm 2007.

- Thuế xuất khẩu đã tăntg 10% so với năm 2007.

- Than bán cho 4 hộ lớn thấp hơn giá thành: 2400 tỷ đồng, TKV phải bù từ nguồn than xuất khẩu (cụ thể là: than bán cho điện hiện nay: giá bán cám 5: 319500đ/tấn, giá bán than cám 4b: 347 500đ/tấn trong khi giá thành năm 2008 là: 620 000đ/tấn, với sản lượng than bán cho điện năm 2008: 6,5 triệu tấn thì TKV phải bù riêng than cho điện khoảng 2 ngàn tỷ đồng; than bán cho xi măng, giấy, phân bón cũng phải bù vì giá bán chỉ bằng 80-85% giá thành..)

Trong điều kiện hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giá bán than phải giữ ổn định đến hết năm 2008. Vì vậy, nếu tăng thu thuế xuất khẩu thì khả năng bù lỗ cho than trong nước của mỗi tấn than xuất khẩu sẽ giảm đi, nếu không có khoản bù nào từ ngân sách thì để cân đối được tài chính và đầu tư phát triển thì phải tăng lượng than xuất khẩu. Điều này đi ngược lại mục tiêu của tăng thuế xuất khẩu là nhằm hạn chế sản lượng xuất khẩu khoáng sản như trong bản Dự thảo đưa ra. Trường hợp giá bán than trong nước được điều chỉnh theo cơ chế giá thị trường, khu vực và thế giới thì sản lượng than xuất khẩu sẽ giảm dần.
Vì vậy, TKV đề nghị giữ mức thuế suất 20% đối với than xuất khẩu như hiện nay.

Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trân trọng báo cáo và đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xem xét và đề nghị giữ mức thuế suất 20% đối với than xuất khẩu như hiện nay, tạo điều kiện cho Tập đoàn TKV phát triển, chuẩn bị tốt nguồn than đáp ứng cho nhu cầu tăng đột biến của Ngành điện và các ngành trong nước vào các năm 2011-2012.
 
 

Các văn bản liên quan