Người tiêu dùng có thêm lợi thế đi kiện

Thứ Hai 10:37 19-04-2010

Người tiêu dùng có thêm lợi thế đi kiện

Theo Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, khách hàng có quyền khởi kiện doanh nghiệp mà không cần chứng minh thiệt hại. Muốn thắng kiện, thương nhân phải chứng minh mình không có lỗi.

Ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, trong nhiều trường hợp việc chứng minh mình bị thiệt hại rất khó. Ví dụ, xăng là một sản phẩm có tiêu chí chất lượng phức tạp, bắt người tiêu dùng chứng minh thiệt hại là một điều phi thực tế. Trong trường hợp này, muốn thắng kiện, doanh nghiệp phải chứng minh họ không có lỗi. Tổng Cục đo lường chất lượng sẽ là đơn vị giám sát doanh nghiệp.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ, việc khởi kiện sẽ được giải quyết trong toà án 1 cấp với thủ tục rút gọn. Cụ thể, trong 3 ngày, kể từ nhận được đơn khởi kiện, tòa án nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thụ lý vụ án. Trong vòng 10 ngày, phải xét xử công khai.

Dự thảo Luật lần này lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Trong mối quan hệ mua bán, sản xuất, người tiêu dùng luôn luôn ở thế yếu, không có quyền quyết định giá cả và chịu tất cả mọi sự rủi ro cũng như không được đàm phán trong giao kết hợp đồng. Để bảo vệ người tiêu dùng, luật đã quy định 8 nguyên tắc. Theo dự thảo mới, khách hàng được góp ý phản ánh với thương nhân về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ...

Đối tượng của luật hướng chủ yếu đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp lớn. Bởi trên thực tế, Việt Nam có khoảng hơn 2 triệu thương nhân buôn bán lẻ và người dân có thói quen mua ở các cửa hàng này mà không cần hóa đơn, chứng từ. Bởi vậy việc kiểm soát các đối tượng này rất khó khăn. Nhà buôn bán nhỏ lẻ không nằm trong phạm vi điều chỉnh luật.

Trong trường hợp người tiêu dùng muốn thông qua tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, phải có đủ 100 người ký vào đơn mới có thể khởi kiện doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, pháp lệnh về khiếu nại tố cáo của công dân lại cấm khiếu kiện tập thể. "Dự thảo đang mâu thuẫn với pháp lệnh khiếu nại tố cáo. Đây là một vướng mắc lớn mà ban soạn thảo phải cân nhắc", ông Vĩnh cho hay.

Một số ý kiến cho rằng, luật cần bổ sung thêm điều khoản khôi phục quyền lợi của người tiêu dùng. Nhà nước phải khuyến cáo trường hợp thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận. Ngoài ra, cần phải có các quy định về ứng xử của người tiêu dùng khi mua phải hàng hóa kém chất lượng cũng cần

Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng được Bộ Công Thương soạn thảo từ 1/6/2009 để thay thế Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999. Dự thảo luật đang lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan và dự kiến sẽ thông qua năm 2010.

Hoàng Lan - Theo Vnexpress

 

Các văn bản liên quan