Dự Luật Bảo vệ người tiêu dùng gây tranh cãi

Thứ Hai 10:36 19-04-2010

Dự Luật Bảo vệ người tiêu dùng gây tranh cãi

Quy định, người tiêu dùng có quyền khởi kiện doanh nghiệp mà không cần chứng minh thiệt hại mâu thuẫn với Luật Dân sự và có thể dẫn đến trường hợp khách hàng cố tình lợi dụng để gây hại cho thương nhân.

Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng ban hành năm 1999 mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các quyền của người tiêu dùng như một “tuyên ngôn” mà chưa có những cơ chế cụ thể để thực thi các quyền này. Tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng nay, các đại biểu nhất trí việc ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng là cần thiết, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong dự thảo có nhiều quy định chưa thỏa đáng.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng nhấn mạnh, phạm vi điều chỉnh trong dự thảo chưa khái quát. Dự thảo mới chỉ đề cập tới hàng hóa dịch vụ chung chung mà chưa quan tâm tới hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hoặc dịch vụ công dược hưởng ưu đãi về thuế như tín dụng. Bởi trên thực tế, có những linh vực người tiêu dùng không thể định đoạt được như chất lượng sức khỏe, giáo dục, văn hóa. "Cần bổ sung các chế tài đối với những mặt hàng gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, sức khỏe", ông Thi nhấn mạnh.

Điều 51 dự thảo luật quy định, trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng và Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải đưa ra chứng cứ để chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Nghĩa vụ chứng minh không có lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh. Một số đại biểu cho rằng, quy định này mâu thuẫn với Luật dân sự. Trên thực tế, tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được hiểu là các tranh chấp dân sự nên được xử lý theo các quy định hiện hành về pháp luật tố tụng dân sự. Theo Luật dân sự, việc chứng minh có lỗi thuộc về trách nhiệm của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường, quy định người tiêu dùng có thêm lợi thế đi kiện trên dễ dẫn đến tình trạng khách hàng lợi dụng gây hại cho doanh nghiệp. Có thể dẫn đến trường hợp đơn kiện không đúng làm mất nhiều thời gian, công sức, tiền của của doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự luật cần phải bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì trong một số trường hợp, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hàng hóa mới là người có lỗi tạo ra sản phẩm gây tác động xấu tới khách hàng. Đại biểu Ksor Phước, Chủ tịch hội đồng dân tộc Quốc hội cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp khi bị làm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Theo ông Ksor Phước, doanh nghiệp và đại diện hợp pháp của doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng khi chính sản phẩm của mình bị làm giả làm nhái. "Doanh nghiệp cần công bố công khai và hợp tác điều tra làm rõ hành vi làm hàng giả để bảo vệ uy tin và thương hiệu của mình. Người tiêu dùng cũng cần phải được bổ sung quyền được tố cáo", ông Phước nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nội dung dự luật cần nghiên cứu làm rõ hơn các điều khoản để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình. Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng được Bộ Công Thương soạn thảo để thay thế Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 và dự kiến sẽ thông qua năm 2010.

Bách Hợp- Theo Vnexpress.net

 

Các văn bản liên quan