Ý kiến của Luật sư Trương Thị Hoà

Thứ Ba 16:19 15-09-2009

MT S Ý KIN
V
D THO LUT BO V NGƯỜI TIÊU DÙNG

1. Về đồng ý và tán thành

1.1 Các chính sách và nguyên tắc về Bảo vệ người tiêu dùng là phù hợp với xu hướng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay.

1.2 Các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân gồm : thương lượng, hòa giải, giải quyết bằng biện pháp hành chính, giải quyết tranh chấp tại trọng tài và giải quyết tranh chấp tại tòa án là phù hợp với chủ trương và nguyên tắc hòa giải trong Bộ luật dân sự của Việt Nam nhưng đồng thời có biện pháp giải quyết bằng trọng tài, bằng tòa án nếu thương lượng, hòa giải không thành. Biện pháp giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính là cách thức nâng cao trách nhiệm và quyền của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thương mại liên quan đến khiếu nại của người tiêu dùng.

1.3 Vấn đề quấy rối người tiêu dùng là một vấn đề mới được đề cập trong pháp luật về kinh doanh của Việt Nam để nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong các trường hợp thương nhân có các hành vi gây phiền toái cho người tiêu dùng, đôi khi xâm phạm đến một số quyền về nhân thân của người tiêu dùng như tiết lộ các dữ liệu về cá nhân của người tiêu dùng, không đảm bảo an toàn bí mật đối với các vấn đề liên quan đến quyền được bảo mật của người tiêu dùng, …

1.4 Vấn đề hợp đồng theo mẫu được đề cập tại Điều 407 Bộ luật dân sự. Đến nay theo Luật bảo vệ người tiêu dùng quy định chi tiết về điều kiện của hợp đồng theo mẫu là vấn đề rất quan trọng vì thương nhân ngày càng phát triển sử dụng loại hợp đồng theo mẫu. Có nhiều hợp đồng theo mẫu gây thiệt hại cho quyền lợi người tiêu dùng nhưng người tiêu dùng không có thời gian để nghiên cứu hợp đồng, không có điều kiện để bảo vệ vì hợp đồng theo mẫu không được đăng ký với cơ quan nhà nước.

1.5 Nói chung, dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng đã sâu sát thực tế về quyền lợi của người tiêu dùng, những trường hợp vi phạm, những biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng.

2. Về ý kiến đề nghị xem xét thêm

2.1 Về cấu trúc :

Chương VI “Quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng” và Chương VII “Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng”, đề nghị chuyển vị trí đến trước Chương V “Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân” để Chương V “Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân” trở thành Chương VII liên tục với Chương VIII “Xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng”.

2.2 Điều 35 “Giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài” thuộc mục 2 hòa giải và trọng tài. Đề nghị có mục riêng về giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài để nâng cao và phát huy vai trò của cách thức giải quyết trọng tài đối với tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân. Đồng thời quy định rõ ràng hơn về cách giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài như Hội đồng trọng tài quy chế của Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài vụ việc (ad hoc).

2.3 Điều 4 “Nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng” đề nghị bổ sung mục 9 : Trong mọi trường hợp, người tiêu dùng được tổ chức bảo vệ người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm.

2.4 Điều 9 “Hành vi ép buộc người tiêu dùng” đề nghị bổ sung mục 7 : Trường hợp người tiêu dùng bị thiệt hại do bị thông tin sai về thương nhân và về hàng hóa hoặc bị ngăn cản tìm hiểu thông tin về thương nhân và hàng hóa.

2.5 Điều 58 “Nguồn tài chính của quỹ bảo vệ người tiêu dùng” đề nghị bổ sung : Tiền bồi thường của thương nhân trong trường hợp không xác định được người tiêu dùng bị thiệt hại là ai.

2.6 Điều 62 “Quyền của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng”, mục 2 đề nghị bổ sung : Việc đại diện được thực hiện theo phương thức giản đơn bằng thư yêu cầu của người tiêu dùng.

2.7 Điều 64 “Điều kiện khởi kiện … của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng”, đề nghị bổ sung mục 3 : Trường hợp sản phẩm gây thiệt hại trong xã hội đối với nhiều người tiêu dùng nhưng không xác định được người tiêu dùng là ai.

2.8 Đề nghị bổ sung Điều luật quy định về quan hệ giữa cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, vì Điều 56 khoản 2 chỉ quy định về trách nhiệm tham vấn ý kiến của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cùng cấp trước khi ban hành quy định xử lý vi phạm là chưa đủ. Sự kết hợp giữa cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ làm cho quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ mạnh mẽ hơn.

2.9 Điều 67 khoản 1 mục b về phạt tiền đối với hành vi vi phạm Luật bảo vệ người tiêu dùng cần quan tâm đến mức độ xử phạt thỏa đáng để nâng cao tính khả thi của Luật này.

2.10 Để thực hiện Điều 66 khoản 3 về “Truy cứu trách nhiệm hình sự” trong Luật bảo vệ người tiêu dùng đề nghị cần quy định cụ thể hơn các trường hợp về vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng, trường hợp các cá nhân liên quan vi phạm Luật bảo vệ người tiêu dùng.

2.11 Để Luật bảo vệ người tiêu dùng được khả thi đề nghị bổ sung Chương IX “Điều khoản thi hành các điều luật quy định cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ (công thương, kế hoạch đầu tư, công an, …), Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, …

* *

*

Trên đây là một số ý kiến xin được đóng góp.

Xin lắng nghe ý kiến của Hội nghị.

Trân trọng.

Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA

Các văn bản liên quan