Ý kiến của TS. Dương Anh Sơn, Khoa Kinh tế, ĐHQG TP. HCM

Thứ Ba 16:18 15-09-2009

LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG- MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ

TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM VÀ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM

TS. Dương Anh Sơn, Khoa Kinh tế, ĐHQG TP. HCM

Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân mà dân là người tiêu dùng của xã hội. Một người có thể là nhà cung cấp của sản phẩm này và đồng thời là người tiêu dùng của sản phẩm kia. Mặt khác chính người tiêu dùng là động lực thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, định hướng cho các nhà sản xuất. Chính vì lẽ đó nên họ cần phải được pháp luật bảo vệ.

Người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay được bảo vệ bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau và trực tiếp là Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng năm 1999. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy quyền lợi của người tiêu dùng trong thời gian qua thường xuyên bị xâm hại mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xây dựng quá sơ sài, rất không rõ ràng.

Chính vì vậy nên để quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn thì việc xây dựng Luật bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Trong khuôn khổ bài viết tôi có một số ý kiến liên quan đến việc xây dựng Luật này.

1. Trước hết tôi muốn đề cập đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Khoản 1 Điều 3 (Dự thảo 4), quy định “người tiêu dùng” là các cá nhân, tổ chức mua hoặc sử dụng hợp pháp hàng hoá, dịch vụ không nhằm mục đích kinh doanh, trong khi đó pháp luật của một số nước quy định người tiêu dùng chỉ là cá nhân. Tôi cho rằng cách quy định tại dự thảo là phù hợp. Người tiêu dùng, theo tôi là một chủ thể của pháp luật, có thể là cá nhân và cũng có thể là tổ chức. Trong thực tiễn có nhiều tổ chức mua hàng hoá không phải vì mục đích kinh doanh kiếm lời mà chỉ để thoả mãn nhu cầu của tổ chức (ví dụ, các cơ quan nhà nước mua sắm thiết bị để phục vụ cho hoạt động của họ) và nếu pháp luật chỉ quy định người tiêu dùng chỉ là cá nhân thì quyền lợi của những chủ thể này khó có thể được bảo vệ. Bởi lẽ cá nhân hay một tổ chức không kinh doanh đều giống nhau trong mối quan hệ với thương nhân.

2. Vấn đề tiếp theo là bảo vệ người tiêu dùng trước khi giao dịch với thương nhân. Điều 8 quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin của thương nhân liên quan đến hàng hoá, dịch vụ mà họ cung cấp. Tôi cho rằng đối với người tiêu dùng thì những thông tin về thời hạn sử dụng, thời hạn hoạt động và những nguy hiểm mà người tiêu dùng có thể gặp phải khi hết thời hạn đó là rất quan trọng. Tuy nhiên trong Dự thảo 4 không tìm thấy sự thể hiện. Rõ ràng, mọi hàng hoá đều có thời hạn sử dụng, từ thực phẩm đến máy móc thiết bị. Theo nguyên tắc pháp luật không bắt buộc nhà sản xuất phải ghi rõ thời hạn sử dụng của hàng hoá (ngoại trừ thực phẩm, mỹ phẩm và các chế phẩm hoá học phục vụ cho nhu cầu hàng ngày), tuy nhiên đối với những loại hàng hoá mà nếu sau một thời hạn sử dụng nhất định có thể gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng và môi người khác thì pháp luật của một số nước bắt buộc nhà sản xuất phải thông báo cho người thiêu dùng thời hạn sử dụng của hàng hoá[1]. Không những thế pháp luật của Liên Bang Nga còn quy định nhà sản xuất phải có nghĩa vụ thông báo cho người tiêu dùng áp dụng những biện pháp cần thiết khi hết thời hạn nói trên và những hậu quả có thể xảy ra neếu không áp dụng các biện pháp đó hoặc sau khi hết thời hạn sử dụng hàng hoá sẽ gây nguy hiểm cho người tính mạng, sức khoẻ . Trong trường hợp nhà sản xuất không thông báo cho người tiêu dùng các thông tin nói trên chịu trách nhiệm không phụ thuộc vào thời điểm hàng hoá gây ra thiệt hại[2]. Trong trường hợp hàng hoá không ghi thời hạn sử dụng thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng cách quy định như trên trong pháp luật Liên Bang Nga là cần thiết. Bởi lẽ người nhà sản xuất, hơn ai hết biết và buộc phải biết các đặc tính, đặc điểm của hàng hoá mà họ sản xuất, còn người tiêu dùng hoàn toàn có thể không biết điều đó. Chính vì vậy, tôi cho rằng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam cần phải điều chỉnh vấn đề này.

3. Điều 445 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định, bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Dự thảo 4 Luật bảo vệ người tiêu dùng cũng có quy định tương tự (Khoản 1 Điều 16). Thực tiễn pháp luật cho thấy chỉ trong một số trường hợp đặc biệt pháp luật mới bắt buộc người bán phải đưa ra thời hạn bảo hành cho hàng hoá, còn thông thường là do thoả thuận của các bên. Có thể thấy rằng, thời hạn bảo hành thường nhà sản xuất hoặc người bán tự quy định, tức là họ tự nguyện bị ràng buộc với chất lượng của hàng hoá. Việc nhà sản xuất hay người bán cam kết bảo hành cho hàng hoá có thể được hiểu là người bán cam kết đảm bảo chất lượng của hàng hoá. Điều này làm tăng sự tin tưởng của người mua vào sản phẩm, hàng hoá.

Theo Điều 446BLDS 2005 thì trong thời hạn bảo hành nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền. Tất nhiên theo tôi thì quy định nói trên của là rất không rõ ràng, bởi lẽ người mua có được quyền yêu cầu đổi hàng hoá hư hỏng trong thời hạn bảo hành ngay hay không khó có thể xác định được. Chính vì thế mà trong thực tiễn các doanh nghiệp thường không đồng ý cho đổi hàng hoá mà chỉ thực hiện sữa chữa.

Trong dự thảo 4 Luật Bảo vệ người tiêu dùng vấn đề trách nhiệm đối với hàng hoá bị hỏng trong thời hạn bảo hành cũng được đặt ra. Tuy nhiên khác với cách quy định trong BLDS, Khoản 6 Điều 16 Dự thảo 4 Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định rõ ràng hơn, cụ thể “Trường hợp thương nhân đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện quá ba lần trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được khuyết tật thì phải đổi hàng hóa, linh kiện mới tương tự cho người tiêu dùng hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng”. Tuy nhiên theo tôi, nếu quy định như dự thảo thì trong trường hợp hàng hoá bị hỏng trong thời hạn bảo hành, trước hết người tiêu dùng chỉ có quyền yêu cầu sửa chữa, nếu sau lần thứ ba mà hàng hoá vẫn không thể sửa chữa được thì mới có quyền yêu cầu đổi hàng hoá mới. Như trên đã nói, nhà sản xuất tự cam kết bảo hành có nghĩa là họ cam kết với khách hàng-người tiêu dùng rằng, hàng hoá do họ sản xuất đảm bảo chất lượng và vì có sự cam kết như vậy nên người tiêu dùng- khách hàng mới chấp nhận mua. Thực tiễn cho thấy rằng, người tiêu dùng mua sản phẩm của công ty A mà không mua sản phẩm của công ty B mặc dù hai sản phẩm hoàn toàn giống nhau chỉ vì sản phẩm của A được bảo hành, còn B thì không. Mặt khác, với cách quy định trên của Dự thảo thì sẽ như thế nào nếu sau ba lần sửa chữa hàng hoá vẫn bị hỏng nhưng đã hết thời hạn bảo hành? Theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 của Dự thảo thì thời hạn bảo hành chỉ được tính lại trong trường hợp đổi hàng hoá.

Tôi cho rằng, cách quy định như trên là quá ưu ái đối với nhà sản xuất và tất nhiên là xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Khác với quy định tại Điều 446 BLDS và khoản 6 Điều 16 Dự thảo 4 Luật Bảo về người tiêu dùng, liên quan đến vấn đề này luật của Liên Bang Nga có cách quy định hoàn toàn khác. Thậy vậy theo quy định của khoản 6, Điều 5 và khoản 1 Điều 18 Luật bảo vệ người tiêu dùng thì, trong trường hợp khuyết tật của hàng hoá được phát hiện trong thời hạn bảo hành thì người tiêu dùng có quyền lựa chọn áp dụng một trong các chế tài sau: Sửa chữa miễn phí, bồi thường chi phí sửa chữa, giảm giá hoặc yêu cầu đổi hàng…. Tôi cho rằng sẽ là hợp lý nếu khoản 6 Điều 16 Dự thảo 4 Luật bảo vệ người tiêu dùng được xây dựng giống pháp luật Liên Bang Nga.

4. Trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm cũng là một trong những vấn đề khá mới trong pháp luật Việt Nam hiện nay. Vì vậy tôi cho rằng vấn đề này được pháp luật bảo vệ người tiêu dùng điều chỉnh là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên quy định tại Điều 17 của Dự thảo 4 về miễn giảm trách nhiệm sản phẩm, theo tôi, là cần phải xem xét kỹ hơn. Điểm b, khoản 1, Điều 17 quy định, thương nhân được xem xét miễn trách nhiệm sản phẩm nếu trình độ khoa học, kỹ thuật chung tại thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông không cho phép thương nhân phát hiện khuyết tật sản phẩm. Nếu theo quy định của dự thảo thì trong trường hợp này ai phải chịu bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng hay là người tiêu dùng phải tự chịu thiệt hại đó. Tất nhiên là không ai có thể bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Vậy thì người tiêu dùng phải chịu thiệt hại đó và có thể coi đây là rủi ro của họ. Điều này xem ra cũng khó có thể thuyết phục, bởi lẽ nếu người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm đó thì họ hoàn toàn không bị thiệt hại. Mặt khác thương nhân sản xuất sản phẩm đưa vào lưu thông thì phải biết rõ sản phẩm của mình, biết và buộc phải biết việc sử dụng sản phẩm có thể gây ra những hậu quả gì cho người tiêu dùng. Về vấn đề này Pháp luật Liên Bang Nga[3] quy định rằng, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hay tài sản của người tiêu dùng do đã sử dụng nguyên vật liệu, thiết bị, công cụ để sản xuất hàng hoá không phụ thuộc vào việc trình độ khoa học kỹ thuật có cho phép xác định được những đặc tính của chúng hay không. Thiết nghĩa Luật bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam cũng nên quy định tương tự.

Xuất phát từ những phân tích trên, tôi cho rằng, Luật bảo vệ người tiêu dùng chỉ nên quy định rằng, nhà sản xuất, người bán được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi của người tiêu dùng.

Trên đây là một số ý kiến về dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng. Rất mong được có được sự trao đổi, chia sẽ của đồng nghiệp.


[1] Xem: Khoản 2 Điều 5 Luật bảo vệ người tiêu dùng Liên Bang Nga.

[2] Khoản 3 Điều 14 Luật bảo vệ người tiêu dùng Liên Bang Nga

[3] Khoản 4 Điều 14 Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Liên Bang Nga.

Các văn bản liên quan