Ths.Ls.Phan Thông Anh góp ý Dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng

Thứ Ba 16:16 15-09-2009

GÓP Ý KIẾN CHO

DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Ths.Ls.Phan Thông Anh

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam

Khi tham gia góp ý kiến cho dự thảo này chúng tôi tiếp cận theo quan điểm Luật Bảo vệ người tiêu dùng hướng đến mục tiêu là bảo vệ người tiêu dùng nhưng việc bảo vệ đó phải được dựa trên quan hệ pháp luật về hợp đồng giao dịch không nên quá nghiêng về phía người tiêu dùng gây bất lợi hoàn toàn cho thương nhân, cần phải có sự hài hòa giữa hai bên; phải cân bằng lợi ích của thương nhân với người tiêu dùng và Luật phải được xây dựng phù hợp với với các luật chuyên ngành khác như Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại.

Qua ba lần dự thảo, góp ý, tiếp thu sửa đổi bổ sung, chúng ta đã có dự thảo 4 Luật Bảo vệ người tiêu dùng tương đối hoàn chỉnh gồm 9 chương, 71 điều với các quy định về bảo vệ người tiêu dùng trước, trong khi giao dịch với thương nhân; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân bằng hình thức trọng tài; bằng biện pháp hành chính, bằng Tòa án và Quản lý nhà nước về bảo vệ tiêu dùng nhưng cũng có một số quan điểm còn khác nhau và nhiều vần đề cần góp ý bổ sung như sau :

1)-Khái niệm thương nhân trong Luật bảo vệ người tiêu dùng :

Trước đây khái niệm “ thương nhân” được quy định trong Luật thương mại 1997 nhưng trong quá trình áp dụng Luật thương mại 1997 khái niệm “ thương nhân” đã gây khó trong việc xác định chủ thể kinh doanh là pháp nhân trong Luật doanh nghiệp nên khi sửa đổi bổ sung Luật thương mại 2005 khái niệm này đã bỏ ra không được quy định lại. Do đó khái niệm pháp lý của thương nhân không còn được quy định trong Luật thương mại nếu Luật bảo vệ người tiêu dùng muốn dùng khái niệm thương nhân cần phải có bổ sung phần giải thích từ ngữ thương nhân là gì hoặc thay đổi là “bên bán hàng” hoặc “người bán hàng

2)-Một điều khoản trong hợp đồng vô hiệu có thể dẫn đến hợp đồng vô hiệu không ?

Dự thảo Điều 12 về Điều khoản vô hiệu quy định :

Khoản 2 : “ Người tiêu dùng có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố toàn bộ hợp đồng vô hiệu nếu trong hợp đồng có nội dung quy định tại khoản 1 Điều này

Trường hợp Hợp đồng vô hiệu toàn phần rơi vào các trường hợp khác được quy định tại điều 122/BLDS (2005) (phải có năng lực hành vi dân sự; mục đích nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội; các bên phải tự nguyện; hình thức giao dịch phải tuân theo các quy định của pháp luật)

Những trường hợp quy định tại khoản 1 của điều 12 bao gồm :

1. Các điều khoản trong hợp đồng ký kết với người tiêu dùng và các điều kiện thương mại áp dụng chung có một trong những nội dung sau đây bị vô hiệu:

a) Loại trừ trách nhiệm của thương nhân đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật;

b) Quy định loại trừ các quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng;

c) Cho phép thương nhân có quyền đơn phương thay đổi các điều kiện thương mại đã thoả thuận với người tiêu dùng;

d) Cho phép thương nhân có quyền đơn phương quyết định người tiêu dùng không thực hiện được một hoặc một số nghĩa vụ;

đ) Hạn chế các quyền khác của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Những nội dung trên không thuộc nhóm vô hiệu toàn phần do vậy dự thảo quy định như khoản 2 là trái với nguyên tắc pháp luật cơ bản, điều khoản nào vô hiệu thì Tòa án có thẩm quyền sẽ tuyên bố vô hiệu điều khoản đó trong trường hợp này được hiểu là hợp đồng bị vô hiệu từng phần chứ không thể quy định từ một điều khoản vô hiệu lại đề nghị Tòa án tuyên bố vô hiệu cả hợp đồng .Theo chúng tôi cần bỏ Khoản 2 này ra khỏi điều 12 của dự thảo

3)-Thương nhân có bị bắt buộc chấp nhận yêu cầu sửa đổi hợp đồng trong trường hợp người tiêu dùng không đồng ý với nội dung của hợp đồng theo mẫu.

Dự thảo Điều 13 về Hợp đồng mẫu

Chúng tôi cũng nhận thức được rằng khi bên bán hàng (thương nhân) sử dụng hợp đồng mẫu là thương nhân đã sắp đặt ý chí của mình để ép người tiêu dùng nên điều khoản này quy định để bảo vệ người tiêu dùng là đúng nhưng không thể quy định quá mức xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của thương nhân.

Các khoản trong điều này chúng tôi đồng ý

1. Khi giao kết hợp đồng theo mẫu, thương nhân phải dành cho người tiêu dùng có một thời gian hợp lý để nghiên cứu hợp đồng.

2. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu sửa đổi hợp đồng trong trường hợp không đồng ý với nội dung của hợp đồng theo mẫu.

3. Thương nhân phải chịu trách nhiệm bảo quản hợp đồng theo mẫu đã giao kết cho đến khi hợp đồng đó hết hiệu lực. Trong trường hợp bản hợp đồng do người tiêu dùng giữ bị mất hoặc hư hỏng thì thương nhân phải cấp cho người tiêu dùng bản sao hợp đồng có giá trị như bản chính.

................................................................................................

6. Chính phủ quy định danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu và quy định chi tiết các vấn đề liên quan đến hợp đồng theo mẫu.

Trong những quy định trên có một vấn đề cũng cần làm rõ về quyền yêu cầu của người tiêu dùng và quyền chấp nhận yêu cầu của thương nhân

Trường hợp người tiêu dùng có quyền yêu cầu sửa đổi hợp đồng trong trường hợp không đồng ý với nội dung của hợp đồng theo mẫu nhưng thương nhân có chấp nhận lời yêu cầu đó hay không là một việc khác, trong quy định này được hiểu là luật quy định quyền của người tiêu dùng chứ không phải quy định nghĩa vụ của thương nhân. Nếu yêu cầu đó không được thương nhân chấp nhận thì khi đó hoặc là người tiêu dùng có thể quyết định hoặc là chấp nhận mua hàng hoặc là đi tìm hàng của thương nhân khác mà mua.

4)-Pháp luật hiện hành có quy định nào buộc doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng với cơ quan quản lý nhà nước hay không ?

Dự thảo Điều 13 về Hợp đồng mẫu

Khoản 4. Thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người tiêu dùng có sử dụng hợp đồng theo mẫu phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng trước khi sử dụng.

Việc đăng ký hợp đồng mẫu với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng là không phù hợp với nguyên tắc tự do thỏa thuận của hai bên và bán hàng cho người tiêu dùng nhóm hàng phổ dụng không thuộc nhóm hàng hóa cần có điều kiện kinh doanh nên cơ quan nhà nước không có quyền can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của thương nhân.

Nếu mặt hàng bán cho người tiêu dùng thuộc nhóm hàng hóa khi kinh doanh cần có điều kiện thì chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quy định trên không những đăng ký hợp đồng mẫu là cần thiết, ngoài ra còn phải tuân thủ các điều kiện khác nữa theo quy định của pháp luật.

5)-Không có quy định nào của pháp luật hiện hành cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền can thiệp yêu cầu các bên giao phải kết hợp đồng theo lệnh, theo nội dung quy định của cơ quan quản lý nhà nước cả

Dự thảo Điều 13 về Hợp đồng mẫu

Khoản 5. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng có quyền yêu cầu thương nhân hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu theo đề nghị của người tiêu dùng hoặc trong trường hợp phát hiện quy định trong hợp đồng vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Quyền tự do giao kết hợp đồng trong trường hợp này là tự do ý chí của hai bên, thuận mua vừa bán, người mua hàng không cảm thấy thoải mái thì không mua, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng không có quyền chỉ đạo các bên phải ký hợp đồng theo ý chí của nhà nước. Nếu hợp đồng có vấn đề tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đã có cơ quan Tòa án hoặc Trọng tài.

Chúng tôi giả định Công ty Điện lực và Công ty cung cấp nước sạch hiện nay là các doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng hợp đồng mẫu ép người tiêu dùng là tất cả những hộ dân đang sử dụng nguồn điện, nguồn nước độc quyền của nhà nước có phải sửa hợp đồng và bồi thường thiệt hại khi gây thiệt hay không cho hộ dân theo chỉ đạo của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hay không ?

6)-Nếu thương nhận không có lỗi thì thương nhân có phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng không ?

Dự thảo Điều 17 : Trách nhiệm sản phẩm

Khoản 1. Thương nhân sản xuất sản phẩm, thương nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm hoặc sử dụng nhãn hiệu hay dấu hiệu cho phép nhận diện đó là thương nhân sản xuất sản phẩm hoặc thương nhân nhập khẩu sản phẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm gây ra cho người tiêu dùng ngay cả trong trường hợp thương nhân đó không có lỗi.

Xét quy định của Bộ luật Dân sự

Điều 604/BLDS Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Khoản 1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 630/BLDS Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng

Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hoá mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

Hợp đồng mua bán, giao dịch mua bán giữa thương nhân và người tiêu dùng trong trường hợp này được xem là một hợp đồng dân sự với mục đích tiêu dùng nên những quy phạm điều chỉnh cần phải tương thích với các quy định của pháp luật dân sự.Do đó chúng tôi có cơ sở cho rằng điều này của dự thảo chưa phù hợp với Bộ Luật dân sự Việt Nam, thương nhân chỉ bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi mình có lỗi và phạm vi thương nhân phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng là hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Do đó chúng tôi đề nghị sửa lại Điều 17 : Trách nhiệm sản phẩm

Khoản 1. Thương nhân sản xuất sản phẩm, thương nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm hoặc sử dụng nhãn hiệu hay dấu hiệu cho phép nhận diện đó là thương nhân sản xuất sản phẩm hoặc thương nhân nhập khẩu sản phẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm gây ra cho người tiêu dùng trong trường hợp thương nhân đó có lỗi.

7)-Về cơ quan có thẩm quyền thi hành quyết định của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ?

Dự thảo Điều 31 về Thẩm quyền buộc thi hành biên bản hòa giải thành

Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương nơi có trụ sở hoặc nơi cư trú của bên có nghĩa vụ thi hành có thẩm quyền buộc thi hành biên bản hòa giải thành.

Dự thảo Điều 33 về Thủ tục công nhận và buộc thi hành biên bản hòa giải thành

1. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị buộc thi hành biên bản hòa giải thành hợp lệ, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương phải thông báo cho các bên liên quan và ra quyết định buộc thi hành biên bản hòa giải thành.

2. Trong trường hợp bên phải thi hành nghĩa vụ không thực hiện quyết định của Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương thì Cơ quan bảo vệ người tiêu dung có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Biện pháp cưỡng chế thi hành nghĩa vụ bao gồm:

a) Khấu trừ khoản tiền tương ứng nghĩa vụ từ tài khoản tại ngân hàng;

b) Kê biên phần tài sản có giá trị tương ứng để hoàn trả cho người tiêu dùng hoặc bán đấu giá;

c) Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

4. Mọi chi phí phát sinh để thực hiện biện pháp buộc thi hành nghĩa vụ do bên phải thi hành nghĩa vụ chịu.

Quy định như dự thảo trên là trái với nguyên tắc cơ bản của thi hành án, nếu là quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần cưỡng chế thực hiện mà các cơ quan liên quan và bên buộc thực hiện không chấp nhận thực hiện thì cơ quan nào sẽ thực hiện việc cưỡng chế. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ có cơ quan thi hành án mới có thẩm quyền cưỡng chế thực hiện kể cả quyết định xử lý của Cục quản lý cạnh tranh hiện nay cũng đã được Luật thi hành án quy định thuộc phạm vi thẩm quyền của cơ quan thi hành án, không có một cơ quan nhà nước nào có quyền tự thi hành được cả.

Khi dự thảo quy định buộc thi hành thì đã mang ý nghĩa nếu không thực hiện thì phải cưỡng chế thi hành để đảm bảo kỷ cương nhà nước mà không có cơ quan nào được phép nhân danh nhà nước cưỡng chế thực hiện ngoại trừ cơ quan thi hành án thi hành theo Luật thi hành án

Do đó chúng tôi đề nghị bỏ dự thảo điều khoản này ra khỏi dự thảo Luật

8)-Những quy định bất hợp lý liên quan đến quyền khởi kiện của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cần phải xem lại

- Quy định phân chia ra ngưỡng dưới 100 triệu thuộc thẩm quyền giải quyết hành chính; trên 100 triệu mới thuộc thẩm quyền của Tòa án, dự thảo tiếp cận theo tiêu chí nào để quy định ngưỡng giá ngạch của cơ quan hành chính tài phán, vượt ngưỡng lại do Tòa án tài phán.

- Quy định thủ tục xét xử rút gọn cho Tòa án, đây là điều không thể chấp nhận được về tính Logic của văn bản Luật, đây là luật nội dung lại quy định cả hình thức xét xử của Tòa án.Trường hợp nào Tòa án thấy cần thiết thì Tòa án cho áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Quy định thêm một chủ thể khởi kiện là tổ chức bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp này được hiểu như thế nào ?

a. Luật đã tước đi quyền tự khởi kiện của người tiêu dùng chuyển giao quyền khởi kiện đó cho tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hay là

b. Giao thêm quyền khởi kiện cho một chủ thể khác.

- Quy định sự bất hợp lý khi khởi kiện người có quyền phải đăng ký với một tổ chức trung gian.

- Quy định điều kiện khởi kiện của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng :

a.Có ít nhất năm năm hoạt động tính đến thời điểm khởi kiện;

b. Có ít nhất một trăm người tiêu dùng tham gia khởi kiện;

Trong thời gian tổ chức này hoạt động chưa đến 5 năm hoặc không đủ 100 người tham gia khởi kiện thì những người muốn kiện phải chờ hay tự đi kiện

9)-Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên đi kiện

Dự thảo Điều 44 : Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ người tiêu dùng

1. Trong vụ án dân sự về bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng không phải đưa ra chứng cứ để chứng minh lỗi của thương nhân.

2. Nghĩa vụ chứng minh không có lỗi thuộc về thương nhân.

Xét quy định của Bộ luật tố tụng dân sự

Điều 79/Bộ luật tố tụng dân sự quy định về Nghĩa vụ chứng minh

1. Đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.

2. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh.

3. Cá nhân, cơ quan tổ chức khởi kiện bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

4. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó.

Dự thảo điều 44 đã trái với quy định điều 79 của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam về nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên đi kiện. Do đó chúng tôi đề nghị sửa lại nội dung điều 44

Điều 44 : Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ người tiêu dùng

1. Trong vụ án dân sự về bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng phải đưa ra chứng cứ để chứng minh lỗi của thương nhân.

2. Nghĩa vụ chứng minh có lỗi thuộc về người tiêu dùng.

10)-Tại sao người tiêu dùng đi kiện không nộp tạm ứng án phí

Dự thảo Điều 52 Chi phí trong các vụ án bảo vệ người tiêu dùng do tổ chức bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện

1. Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng không phải nộp tạm ứng án phí khi khởi kiện vụ án bảo vệ người tiêu dùng

Đây là quy định bất hợp lý, mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật, chỉ ngoại trừ đối tượng đặc biệt mà pháp luật quy định điều chỉnh miễn giảm, chứ tất cả người tiêu dùng Việt Nam ở đây hầu như là dân cư trong cả nước thì không thể miễn nộp tiền án phí được.Mục đích của việc tăng án phí theo Pháp lệnh Phí và lệ phí kể từ ngày 01/07/2009 ngoài việc tăng thu ngân sách còn ý nghĩa hạn chế việc kiện tụng bừa bãi của các bên do đó chúng tôi đề nghị phải nộp tạm ứng án phí như các chủ thể công dân bình thường khác.

11)-Về giải quyết tranh chấp bảo vệ người tiêu dùng

Dự thảo đã quy định có 3 phương thức giải quyết tranh chấp giữa thương nhân và người tiêu dùng.

1)-Giải quyết tranh chấp bằng phương thức Trong tài : Điều 35

2)-Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính : Điều 36 đến điều 42

3)-Giải quyết tranh chấp Tại Tòa án : Điều 43 đến điều 53

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì

a)-Tranh chấp về lĩnh vực cạnh tranh pháp luật do liên quan đến yếu tố độc quyền nhà nước mới quy định hình thức giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính và Tòa án;

b)-Tranh chấp trong lĩnh vực thương mại pháp luật quy định hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài và Tòa án,

c)-Tranh chấp lĩnh vực dân sự thì chỉ quy định giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.

Lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng mang hai yếu tố thương mại và dân sự nên hình thức giải quyết tranh chấp chỉ nên quy định hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài và Tòa án. Theo chúng tôi nên giữ lại như quy định tại Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng là bỏ hẳn phần quy định giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính mới được dự thảo trong Luật cho phù hợp đỡ phải đặt ra bộ máy giải quyết hành chính từ Huyện đến Tỉnh, cuối cùng không thi hành được cũng phải chuyển cho cơ quan thi hành án thi hành chứ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng không có quyền năng này trong hệ thống pháp luật hiện hành ./.

Các văn bản liên quan